05:10, 27/10/2016

Đưa chương trình giáo dục thường xuyên vào giảng dạy

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn năm học 2016-2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã gợi mở nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán "khát" học sinh trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn năm học 2016-2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã gợi mở nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán “khát” học sinh (HS) trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Phan Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết tình hình tuyển sinh năm học 2016-2017 của hệ trung cấp trên địa bàn tỉnh?


- Những năm gần đây, các trường TCCN luôn nằm trong tình trạng thiếu vắng HS, năm học này cũng không phải ngoại lệ; tỷ lệ tuyển sinh năm học 2016-2017 của các trường TCCN chỉ đạt trung bình 26% so với chỉ tiêu. Có trường trước đây tuyển cả ngàn HS, nay phải giảm chỉ tiêu và chỉ tuyển được hơn 200 em, bằng 33% so với kế hoạch. Có 2/11 cơ sở đào tạo TCCN tạm dừng tuyển sinh. Trong khi đó, tình hình tuyển sinh trình độ trung cấp của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề lại rất khả quan, đạt trung bình 99% so với chỉ tiêu. Trong đó, có một số trường tuyển vượt chỉ tiêu như: Cao đẳng Nghề Nha Trang (đạt 142% chỉ tiêu), Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn (đạt 110% chỉ tiêu)…


- Tuyển sinh đã khó, nhưng ở không ít trường, số HS đã nhập học cứ “rơi rụng” dần. Nguyên nhân nào khiến các trường TCCN gặp khó như hiện nay, thưa ông?


- Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không chỉ riêng ở Khánh Hòa. Trong đó, có cả nguyên nhân khách quan do chủ trương, cách thức từ các bộ, ngành, địa phương và nguyên nhân chủ quan từ phía các trường. Chẳng hạn như Bộ Y tế cho biết, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học và từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp. Sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, đến nay, vẫn chưa có văn bản chính thức nào về vấn đề này, khiến nhiều trường và HS hoang mang. Hay như việc các trường đại học, cao đẳng (cả trường công và trường tư) thi nhau “trăm hoa đua nở” với điều kiện xét tuyển rất đơn giản, khiến hệ trung cấp càng “khát” thí sinh.


Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận nguyên nhân chủ quan từ chính nội lực các trường. Không khó hiểu vì sao kết quả tuyển sinh giữa TCCN và trung cấp nghề lại có sự khác biệt như trên. Đa số các trường nghề đã xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế, chú trọng rèn kỹ năng thực hành cho người học và đặc biệt là có sự nhanh nhạy khi gắn kết với các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho HS. Ngược lại, việc đào tạo ở các trường TCCN vẫn còn nặng về dạy lý thuyết, các ngành nghề chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, lại chưa có giải pháp để giải quyết bài toán việc làm cho HS sau khi ra trường.


- Vậy theo ông, lối đi nào cho các trường TCCN trong những năm tới?


- Thực ra, nhu cầu người học đối với hệ trung cấp không phải là không có. Bằng chứng là năm học này, HS đi học hệ trung cấp ở các trường trung cấp và cao đẳng nghề rất đông. Có thể thấy mô hình đào tạo của các trường này rất phù hợp với nhu cầu hiện nay: vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo văn hóa. Bởi dù học gì đi chăng nữa thì nguyện vọng đầu tiên của người học là phải có một tấm bằng tốt nghiệp THPT. Việc vừa học kỹ năng nghề, lại vừa học văn hóa để hoàn tất chương trình THPT đang là lựa chọn của rất nhiều HS.


Để gỡ rối cho hệ TCCN, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường TCCN cần mạnh dạn đưa chương trình GD thường xuyên vào giảng dạy. Mới đây, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường TCCN phối hợp với các trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp tổ chức tuyển HS tốt nghiệp THCS để đào tạo TCCN, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GD thường xuyên. Như vậy, khi ra trường, HS sẽ có 2 tấm bằng: một là bằng tốt nghiệp THPT, hai là bằng nghề. Tôi đề nghị các trường nghiên cứu thêm vấn đề này, trường nào có điều kiện mở được thì mạnh dạn triển khai từng bước.


Ngoài ra, để tồn tại trong giai đoạn hiện nay, các trường TCCN cần nghiên cứu mở rộng đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Chẳng hạn như, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mở các lớp liên kết đào tạo tiếng Anh, tin học, hoặc đa dạng hóa các loại hình đào tạo khác theo nhu cầu người học. Sở GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ mọi điều kiện cho các trường. Ngoài ra, sở cũng giao các trường TCCN nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phối hợp GD hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề phổ thông cho HS.


Các trường TCCN phải tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm chất lượng đào tạo, chú trọng đến việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng các điều kiện thực hành nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự nhạy bén, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của tuyển dụng của doanh nghiệp. Sở GD-ĐT cũng đề nghị các trường làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh nhà trường qua nhiều kênh thông tin... Có như vậy, mới thu hút người học và cạnh tranh được với các loại hình đào tạo khác.


- Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)