06:08, 03/08/2016

Những ngành học dành cho sinh viên năng động

Những năm gần đây, khi các ngành về Kinh tế, Thương mại, Ngân hàng, Sư phạm… đang có xu hướng bão hoà thì khối ngành Khoa học xã hội có một số ngành mới nổi lên, trong đó có các ngành: Quản trị văn phòng và Công tác xã hội...

Những năm gần đây, khi các ngành về Kinh tế, Thương mại, Ngân hàng, Sư phạm… đang có xu hướng bão hoà thì khối ngành Khoa học xã hội có một số ngành mới nổi lên, trong đó có các ngành: Quản trị văn phòng (QTVP) và Công tác xã hội (CTXH). Nắm bắt được xu thế trên, năm học 2016-2017, Trường Đại học Khánh Hòa tiếp tục chiêu sinh các thí sinh có nguyện vọng thi tuyển vào 2 ngành này với chỉ tiêu 60 sinh viên/lớp.


Ngành Quản trị văn phòng


Quản trị văn phòng không phải là ngành học mới, nhưng nhu cầu nhân lực về ngành, nghề QTVP trên thị trường lao động ngày càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về đội ngũ QTVP cho xã hội, đồng thời hướng tới một chuẩn đầu ra có chất lượng tốt cho sinh viên theo học ngành QTVP, Trường Đại học Khánh Hoà đã xác định mục tiêu, khung chương trình đào tạo và lên các kế hoạch thực tập, thực tế nghiệp vụ phù hợp với thời gian đào tạo 3 năm của bậc học cao đẳng (theo hệ số tín chỉ) và đáp ứng các yêu cầu của xã hội về ngành nghề. Mục tiêu đào tạo ngành QTVP hướng đến là đào tạo sinh viên có khả năng: giúp lãnh đạo cơ quan quản lý, triển khai, hướng dẫn thực hiện các nghiệp vụ văn phòng tại các đơn vị, bộ phận văn phòng của cơ quan, tổ chức; thực hiện thành thạo các kỹ năng, nghiệp vụ văn phòng như: tham mưu, tổng hợp và cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý, tổ chức quản lý và giải quyết văn bản, lưu trữ hồ sơ, kỹ năng giao tiếp… Sau khi tốt nghiệp, người học có thể trở thành chuyên viên làm việc tại các bộ phận hành chính, tổng hợp thuộc khu vực văn phòng; thư ký văn phòng hoặc trợ lý hành chính tại văn phòng của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội; có khả năng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo hoặc phụ trách bộ phận văn phòng của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức; giảng viên tại các cơ sở đào tạo về văn phòng và QTVP.


Được đánh giá là một trong những nghề nghiệp có tính ổn định cao, vì vậy ngành học này đã thu hút khá đông các thí sinh đăng kí nguyện vọng theo học tại các mùa tuyển sinh trước. Kết hợp với đội ngũ cán bộ, giảng viên có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy thực tế về ngành QTVP, năm học 2016-2017, Đại học Khánh Hoà đã được cấp chỉ tiêu tuyển sinh 60 sinh viên hệ cao đẳng và 60 sinh viên hệ trung cấp cho ngành học này.


Ngành Công tác xã hội


Nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại. Đặc biệt, nghề CTXH góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế. Ở Việt Nam, ngành CTXH mới mở kể từ tháng 10-2004. Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép hơn 20 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành này. Nghe có vẻ khô khan, song đây là một nghề sôi động bởi người theo nghề này luôn được giao tiếp với những con người đặc biệt trong xã hội. Thực chất, đây là việc giúp đỡ các đối tượng khó khăn trong cuộc sống, góp phần làm ổn định và tiến bộ xã hội. Các nước phát triển trên thế giới xem CTXH như một phần quan trọng của sự phát triển cộng đồng, phát triển xã hội và các nhân viên xã hội là người thực hiện trực tiếp. CTXH phát triển mạnh sẽ góp phần phát triển và cải thiện hệ thống an ninh xã hội, trợ giúp con người và cộng đồng giải quyết và đối phó với các khó khăn trong cuộc sống. CTXH được phân chia tuỳ theo vấn đề hay đối tượng khác nhau: CTXH đối với phát triển cộng đồng (giải quyết bền vững các vấn đề nghèo đói, trẻ em lang thang, người già cô đơn, tệ nạn xã hội...); CTXH trong các lĩnh vực tệ nạn xã hội và tội phạm (những người nghiện ma tuý, hoạt động mại dâm, người lớn và trẻ em làm trái pháp luật là đối tượng thường xuyên của chương trình phục hồi xã hội). Ngoài ra còn có CTXH đối với những người khuyết tật, người cao tuổi CTXH trong bệnh viện và trong trường học...


Sau khi tốt nghiệp ngành CTXH, người học có thể làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội như: Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố; các Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội, Trung tâm cai nghiện ma tuý, phục hồi nhân phẩm, nhân đạo, nuôi dưỡng người già; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận huyện, cán bộ chính sách các xã phường, thị trấn … Hoặc làm việc tại các cơ quan, tổ chức xã hội như: trường học, bệnh viện, toà án, Ủy ban dân số các cấp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Sinh viên, các trung tâm CTXH… Ngoài ra còn có các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực phát triển cộng đồng, trẻ em, người khuyết tật, HIV/AIDS, sức khỏe…; các cơ sở, chương trình xã hội công lập (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, tòa án, trường học, bệnh viện, xí nghiệp...), dân lập hay tư nhân, thuộc môi trường nông thôn hay thành thị; các chương trình nghiên cứu xã hội, cải tiến dân sinh, quy họach đô thị, bảo vệ môi trường, chương trình tài trợ, hợp tác quốc tế và phát triển xã hội, phát triển cộng đồng của tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ. Ngoài ra có thể giảng dạy hay trợ lý giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành CTXH tại thực địa cho cán bộ xã hội bậc cao đẳng, trung sơ cấp.


Với văn bằng Cử nhân CTXH, người học có thể tiếp tục học liên thông lên các bậc học cao hơn tại các trường Đại học Lao động Xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội… Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Trường Đại học Khánh Hòa sẽ mở mã ngành CTXH hệ đại học. Do vậy, sinh viên có thể học liên thông đại học ở ngay tại trường.


Tại Hà Nội, có hai cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ CTXH tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Học viện Khoa học Xã hội. Do đó, sinh viên sau khi có bằng cử nhân đại học có thể tiếp tục học lên các bậc học cao hơn phục vụ cho công việc của mình.


CTXH là được đánh giá là một nghề năng động và hội tụ nhiều kỹ năng, sự nhiệt huyết và tình yêu với nghề. Ngoài những đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đối với những người làm nghề CTXH còn cần phải có sự dấn thân vì cộng đồng và sự phát triển của xã hội. Sinh viên CTXH Trường Đại học Khánh Hoà sẽ được đào tạo để có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khoẻ, có kiến thức chuyên môn CTXH và nắm vững các kỹ năng thực hành cơ bản về CTXH để giúp đỡ các cá nhân, các nhóm và cộng đồng chịu thiệt thòi trong xã hội tự vươn lên giải quyết những khó khăn, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của chính mình. Để trở thành một người cán bộ CTXH chuyên nghiệp, người học không chỉ học lý thuyết ở trong trường đại học, cao đẳng mà cần phải tăng cường thực hành, thực tập các kỹ năng nghề CTXH tại các trung tâm CXTH và các cơ sở dịch vụ CTXH chuyên nghiệp.


Nhận thức được yêu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực về ngành QTVP và CTXH, Trường Đại học Khánh Hoà là cơ sở trọng điểm tại khu vực miền Trung - Nam Tây Nguyên mở mã ngành đào tạo về QTVP và CTXH (bao gồm hệ trung cấp chuyên nghiệp, hệ cao đẳng chính quy; hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng). Đối với ngành QTVP, đến nay nhà trường đã có 10 khoá sinh viên hệ cao đẳng tại cơ sở 2 là Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang cũ và 4 khoá sinh viên tại cơ sở 1 là Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang cũ, với hơn .000 sinh viên tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Đối với ngành CTXH, với mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tiễn, Trường Đại học Khánh Hoà đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong công tác đào tạo, đồng thời kết nối với các cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, bám sát với yêu cầu thực tiễn của xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo cả về số lượng cũng như chất lượng. Thời gian qua, nhà trường đã đào tạo được 3 khoá cao đẳng chính quy ra trường và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, khoa Quản lý Văn hoá và Giáo dục của nhà trường đang trực tiếp quản lý, đào tạo và phát triển các mã ngành này.


T.V