11:02, 16/02/2014

Thống nhất phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị các Sở Giáo dục - Đào tạo góp ý lần cuối cho Dự thảo "Một số điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt" trước khi ban hành chính thức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đề nghị các Sở GD-ĐT góp ý lần cuối cho Dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt” trước khi ban hành chính thức.


Một số điều chỉnh


Theo Dự thảo, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, học sinh (HS) xếp loại học lực và hạnh kiểm trong 3 năm học THPT từ khá trở lên sẽ được xét miễn thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ miễn thi chung cho các Sở GD-ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tối đa là 20%. Sở GD-ĐT phải xác định tỷ lệ miễn thi cụ thể riêng cho từng trường; xây dựng phương án miễn thi và hướng dẫn các trường triển khai thực hiện xét miễn thi cho HS... Lý giải về tỷ lệ 20%, Bộ GD-ĐT cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi trong các năm gần đây đều trên 20%; tỷ lệ HS giỏi, HS tiên tiến trong các năm qua trung bình khoảng 40 - 45%. Việc miễn thi cho 20% HS sẽ góp phần thực hiện phương châm tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.


Về tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT dự thảo sẽ chỉ thi 4 môn thay vì 6 môn như trước. Trong đó, Toán và Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc; 2 môn còn lại do HS tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. HS có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thi trắc nghiệm; môn Ngoại ngữ có 2 phần thi: trắc nghiệm và viết luận. Điểm xét tốt nghiệp được xác định theo tỷ lệ 50% điểm trung bình 4 bài thi và 50% điểm trung bình cả năm lớp 12. Theo Bộ GD-ĐT, đây là đổi mới quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW: Kết hợp kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện với kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp; đồng thời giảm thiểu những rủi ro cho HS khi việc công nhận tốt nghiệp chỉ căn cứ vào kết quả các bài thi và tạo động lực để HS phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện.

 

Giám thị kiểm tra trước khi vào thi tốt nghiệp.
Giám thị kiểm tra trước khi vào thi tốt nghiệp.


Khánh Hòa thống nhất phương án thi 4 môn


Tại Khánh Hòa, từ khi Dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt” được công bố, rất nhiều ý kiến đồng tình lẫn phản đối. Đa số đồng tình việc bổ sung đối tượng được miễn thi tốt nghiệp như trong dự thảo nhưng đề nghị bổ sung thêm đối tượng là HS đạt từ giải Ba trở lên trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh và các năm học cấp THPT đều đạt loại giỏi; HS khuyết tật có giám định y khoa của cơ quan y tế theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và xếp loại học lực, hạnh kiểm trong 3 năm học THPT từ trung bình trở lên.


Về tỷ lệ miễn thi tối đa là 20% và trách nhiệm của Sở GD-ĐT trong việc xây dựng phương án miễn thi tốt nghiệp, trao đổi với phóng viên, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: “Bộ nên bỏ tỷ lệ khống chế miễn thi tốt nghiệp. HS nào đủ tiêu chuẩn sẽ được miễn thi tốt nghiệp. Với điều kiện như trên, những HS nào đạt được đều xứng đáng để xét miễn thi tốt nghiệp vì nếu HS đó có đăng ký dự thi thì kết quả cũng giống như xét miễn thi, vấn đề còn lại là xếp loại tốt nghiệp cho các đối tượng HS này”.


Ngoài ra, theo ý kiến của những người công tác trong ngành Giáo dục, lý do bỏ tỷ lệ khống chế miễn thi tốt nghiệp và không hỏi ý kiến thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở cũng như không trình phương án lên Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố là để tạo công bằng cho HS, tránh trường hợp cùng một đối tượng HS nhưng HS trường này được miễn thi còn HS trường khác phải dự thi. Đồng thời, thời điểm kết thúc năm học đến ngày thi tốt nghiệp rất ngắn, việc để các tỉnh tự xây dựng phương án xét duyệt đối tượng được miễn thi theo quy trình như trong dự thảo sẽ mất rất nhiều thời gian. Từ đó dẫn đến việc lập danh sách dự thi sẽ bị chậm trễ, gây ra nhiều khó khăn trong công tác tổ chức kỳ thi, dễ dẫn đến sai sót, nhất là công tác in sao đề thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cấp quốc gia, khác với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, do vậy tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét miễn thi phải được Bộ GD-ĐT ban hành thống nhất trên phạm vi toàn quốc, không nên để các địa phương đưa ra các tiêu chí khác nhau làm xáo trộn cách tổ chức thi và sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố.


Về phương án tổ chức thi, rất nhiều ý kiến ủng hộ Bộ GD-ĐT trong việc rút gọn còn 4 môn thi. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại khi không có môn Ngoại ngữ trong các môn thi bắt buộc. Việc không bắt buộc thi môn Ngoại ngữ sẽ đi ngược xu thế hội nhập hiện nay đồng thời nhanh chóng làm “phá sản” các đề án về dạy và học ngoại ngữ có liên quan. Ví dụ như dạy tiếng Anh từ Tiểu học, dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường THPT chuyên và dự kiến mở rộng cho các trường THPT không chuyên. Cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên cách tổ chức thi như năm 2013 để ổn định về mặt xã hội, đồng thời có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ cách đổi mới thi cử trước khi áp dụng. Việc đổi mới thi cử sẽ thực hiện sau khi triển khai xong chu kỳ đầu tiên của cải cách giáo dục 2015 đối với cấp THPT.


Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Tứ cho biết, sau khi trao đổi, Sở GD-ĐT Khánh Hòa thống nhất phương án tổ chức thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi, công nhận và xếp loại tốt nghiệp như trong dự thảo phương án thi của Bộ GD-ĐT.   


THU HIỀN