11:10, 03/10/2013

Thăm dò ý kiến học sinh về giáo viên: Nên hay không nên?

Những năm gần đây, việc tổ chức thăm dò ý kiến học sinh về giáo viên đã được rất nhiều trường triển khai. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này nhưng trong bối cảnh hiện nay, có thể coi đây là việc làm cần thiết, thể hiện sự đổi mới tư duy giáo dục.

Những năm gần đây, việc tổ chức thăm dò ý kiến học sinh (HS) về giáo viên (GV) đã được rất nhiều trường triển khai. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này nhưng trong bối cảnh hiện nay, có thể coi đây là việc làm cần thiết, thể hiện sự đổi mới tư duy giáo dục.


Học sinh góp ý giáo viên


Đọc kết quả tổng hợp ý kiến HS năm học 2012 - 2013 của một trường THPT khá nổi tiếng trên địa bàn TP. Nha Trang, chúng tôi khá bất ngờ vì HS rất thẳng thắn, dũng cảm thể hiện quan điểm, nhận xét của mình đối với thầy cô. Ví dụ, góp ý cho ban giám hiệu, HS trường này đề nghị cần phải tăng cường đi kiểm tra các lớp trong giờ học; năm nào cũng phát phiếu thăm dò ý kiến HS nhưng GV không thay đổi nên HS không tin nữa. Có một số GV không thực sự quan tâm đến giảng dạy, dạy thiếu nhiệt tình, HS cảm thấy bị ghét bỏ. GV có lúc bực tức ở bên ngoài, vào lớp trút giận lên đầu HS, làm cho HS thất vọng. GV dạy khó hiểu, lan man, toàn đọc chép, cho điểm khắt khe... Kết quả tổng hợp ý kiến HS năm học 2012 - 2013 của một trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang cũng rất thú vị. Là HS tiểu học nên các em có những nhận xét, ý kiến rất ngộ nghĩnh và dễ thương. Ví dụ như cô A dễ thương, hiền lành nên chúng em muốn được cô chủ nhiệm vào năm sau; thầy B hát hay, vui tính nhưng tại sao không dạy lớp chúng em; tại sao cô giáo chủ nhiệm lớp em lại cho bạn... làm lớp trưởng?

 

 Trường học thân thiện - học sinh tích cực.
Trường học thân thiện - học sinh tích cực.


Nhiều GV cho biết, khi nghe những ý kiến, nhận xét của HS cũng... giật mình và đầy áp lực. Có GV coi việc lấy ý kiến HS là việc làm cần thiết nhưng cũng có GV không ủng hộ việc làm này. Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ: “Việc tổ chức lấy ý kiến HS về GV đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua. Lúc đầu, việc làm này cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Một số GV, có tính bảo thủ, không chịu thay đổi”. Được biết, năm học vừa qua, Trường THPT iSchool Nha Trang cũng phát phiếu thăm dò nhằm đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh, HS về GV trong trường và xem đây là một trong những cơ sở dữ liệu để đánh giá thi đua cuối năm. Thầy Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường THPT iSchool Nha Trang cho biết: “Năm ngoái, nhà trường chỉ mới làm thử ở 6 lớp chứ chưa mở rộng lấy ý kiến HS toàn trường nhưng kết quả cũng chính xác. Năm nay, nhà trường dự kiến cũng sẽ thăm dò ý kiến phụ huynh, HS về GV và nhà trường nhưng cách làm sẽ bài bản, khoa học hơn”.


Giáo viên nhìn lại mình


Có thể nói, việc các trường tổ chức lấy ý kiến HS về GV không phải là mới, mà đã được nhiều trường tiến hành từ nhiều năm nay. Tuy vậy, việc làm này chưa được thực hiện rộng rãi và thường xuyên, đặc biệt chưa trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các nhà trường. Bởi lẽ, bấy lâu nay vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi. Bên cạnh việc HS ủng hộ thì cũng có không ít người phản đối, lo ngại là HS nhân cơ hội này sẽ có những lời nói, hành vi xúc phạm thầy cô hoặc đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo.


Ông Lê Đình Thuần, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, ngành Giáo dục không có chủ trương bắt các trường tổ chức cho HS đánh giá GV. Đây chỉ là một trong những phương pháp mà các trường áp dụng trong công tác quản lý, đánh giá GV. Tuy nhiên, nếu các trường tổ chức thận trọng, khéo léo, phù hợp với đối tượng HS thì đây là một hoạt động vừa giúp các thầy cô nhìn lại mình, vừa phát huy dân chủ trong nhà trường, trong HS. Những ý kiến, nhận xét của HS về GV là một trong các kênh thông tin nhằm đánh giá khả năng chuyên môn và kỹ năng sư phạm của GV, từ đó ban giám hiệu nhà trường có các giải pháp phù hợp trong việc phân công giảng dạy, chủ nhiệm. Đồng thời, đây cũng là những dữ liệu để mỗi GV tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình, qua đó rèn luyện và nâng cao tay nghề. “Lâu nay, chúng ta quen với cách đánh giá từ trên xuống, nghĩa là chỉ có GV nhận xét, đánh giá HS, chứ ít có chiều ngược lại. Vả lại, đa số HS có tâm lý sợ GV trù úm nếu có nhận xét không tốt về thầy cô của mình. Vì vậy, để động viên HS, chúng tôi cũng phân tích cho các em hiểu về việc làm của nhà trường và hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về sự bí mật của thông tin thì các em mới tin tưởng. Nhờ đó, các em góp ý cho chúng tôi rất nhiều thông tin quý báu”, cô Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ.


Nhiều hiệu trưởng cho biết, sau khi tham khảo cách làm của một số trường học trên địa bàn, sẽ tổ chức lấy ý kiến HS về GV trong năm học 2013 - 2014. Tuy vẫn còn tranh cãi nhưng việc thăm dò ý kiến của HS đối với GV cũng nên xem là một việc bình thường; cần phải tạo điều kiện để HS nhận xét, đánh giá GV. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Thuần, các em HS phổ thông vẫn chưa có trải nghiệm cuộc sống. Nhân cách các em vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là những hiểu biết về phương pháp sư phạm, về con người của các em còn hạn chế. Vì vậy, các trường có thể đưa ra nhiều khía cạnh với các câu hỏi ở 3 lĩnh vực kiến thức, phương pháp sư phạm và nề nếp để thăm dò ý kiến của các em. Ví dụ, trang phục và tác phong của thầy cô khi lên lớp như thế nào? Cách diễn đạt của thầy cô ra sao? Ngoài kiến thức, thầy cô có truyền thụ cho HS phương pháp tư duy không? Thầy cô thể hiện như thế nào khi có HS phản biện (nói ngược lại với ý của thầy cô)?... Ngoài ra, để việc đánh giá thực chất và đạt hiệu quả, cần phải xây dựng phiếu đánh giá một cách khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi HS. Cùng với đó, phải xử lý, bảo mật, công khai thông tin như thế nào là điều vô cùng quan trọng.


THU HIỀN