09:10, 01/10/2013

Tuyển dụng giáo viên: Còn nhiều băn khoăn

Năm học 2013 - 2014, công tác tuyển dụng giáo viên trong tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành. Do thống nhất được thời gian, phương thức tuyển dụng và công khai rộng rãi kết quả xét tuyển nên được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước.

Năm học 2013 - 2014, công tác tuyển dụng giáo viên (GV) trong tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành. Do thống nhất được thời gian, phương thức tuyển dụng và công khai rộng rãi kết quả xét tuyển nên được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước. Dư luận xã hội đồng tình ủng hộ với những cải cách của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), song vẫn còn không ít băn khoăn làm sao để tuyển được những GV giỏi?


Bằng cấp có đi đôi với chất lượng và tay nghề?


Trong số 462 người tham gia xét tuyển GV vào các trường trung học phổ thông (THPT) và đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT năm học 2013 - 2014. Trong đó có 11 người có bằng thạc sĩ, 2 người tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và 47 người tốt nghiệp đại học loại giỏi. Theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đây là đối tượng được ưu tiên tuyển dụng và trong thực tế, 20 ứng viên thuộc diện này có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa đều được đặc cách trúng tuyển. Có vẻ như đây là điều hợp tình hợp lý trong việc tuyển chọn người tài, cũng như tạo ra động lực chính đáng cho phong trào khuyến học của sinh viên. Song nếu xem xét điều kiện thực tế thì xem ra không phải hoàn toàn như vậy.


Nhìn vào bảng kết quả điểm thực hành tuyển dụng GV (bao gồm soạn giáo án và phỏng vấn) năm nay của Sở GD-ĐT sẽ cho thấy sự khập khiễng đến khó tin giữa bằng cấp và trình độ, chất lượng thực của sinh viên. Có lẽ yêu cầu thực hành sư phạm không quá khó khăn, giám khảo cũng không quá chặt tay nên có tới 40% ứng viên đạt điểm từ 70 điểm trở lên/thang điểm 100. Chính kết quả khả quan ấy lại làm cho nhiều người thêm bất ngờ khi có tới 40% ứng viên thuộc diện tốt nghiệp đại học loại giỏi, hoặc có bằng thạc sĩ lại không đạt được mức điểm này (trong đó có cả 2 người tốt nghiệp loại xuất sắc). Trớ trêu là không ít người cầm trong tay tấm bằng loại giỏi, số điểm học tập và tốt nghiệp cao, nhưng lại xếp vào nhóm cuối bảng, trong khi người đạt điểm cao nhất (94 điểm) chỉ tốt nghiệp đại học loại khá. Nếu không có gì bất ngờ, có thể kết quả tuyển dụng GV mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở các huyện, thành phố cũng rơi vào tình trạng oái ăm như thế.


Đáng chú ý, hầu hết sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đều thuộc các trường đại học khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có các trường đại học mới được thành lập, hoặc nâng cấp từ cao đẳng sư phạm thời gian gần đây với điểm chuẩn đầu vào khá khiêm tốn, thậm chí có trường lấy gần sát điểm sàn. Trong khi đó, những sinh viên thuộc các Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh vốn có điểm chuẩn tuyển sinh khá cao thì phần lớn chỉ tốt nghiệp từ loại khá trở xuống. Mấy năm nay, trong số sinh viên các trường này nộp đơn dự tuyển vào tỉnh ta hầu như không có người nào nào tốt nghiệp loại giỏi, loại khá cũng tương đối hiếm. Có một sự thực là những trường đại học có đẳng cấp, chất lượng tốt thường chặt chẽ trong kiểm tra, đánh giá sinh viên, trong khi những trường chưa có thương hiệu lại rất rộng tay cho điểm để thu hút sinh viên đăng ký vào học ở trường mình. Thành ra, tấm bằng tốt nghiệp đại học cũng chưa nói lên được gì nhiều về chất lượng đào tạo và trình độ tay nghề của sinh viên.


Đối với tấm bằng thạc sĩ cũng có tình trạng tương tự như vậy, nếu không nói là càng chênh lệch hơn nữa. Khoảng cách chất lượng thực sự của văn bằng này còn do đối tượng đầu vào khác nhau, có người tốt nghiệp đại học loại giỏi tiếp tục học lên, nhưng cũng có không ít người tốt nghiệp loại trung bình, trung bình - khá, bị rớt tuyển dụng GV nhiều năm nên đi học thạc sĩ. Trong thực tế ở các trường THPT hiện nay, không hiếm trường hợp có thầy cô có bằng thạc sĩ bị xếp giờ dạy loại trung bìnhCho nên, hiệu trưởng nhiều trường THPT không mặn mà lắm với thạc sĩ trong tuyển dụng GV cũng không phải là điều lạ.


Có hẹp cửa tuyển chọn người tài?


Năm nay, một trong những điểm mới về  tuyển dụng GV ở Khánh Hòa là đã phân rõ 2 đối tượng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng người trong tỉnh (có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa chậm nhất là từ khi vào học cấp 3 phổ thông) trước người ngoài tỉnh. Nhiệm sở nào không có người trong tỉnh đăng ký thì mới xét tuyển cho người ngoài tỉnh. Đó cũng là điều hợp tình hợp lý và nhiều địa phương đã thực hiện từ nhiều năm nay. Quy định này dù trái với Luật Cư trú nhưng cũng chưa thấy Bộ GD-ĐT “thổi còi”. Tuy vậy, chủ trương này cũng bộc lộ hạn chế là chất lượng GV sẽ thấp hơn so với tuyển dụng trong phạm vi cả nước. Điều này lại càng được khẳng định khi kết quả tuyển sinh đại học của Khánh Hòa trong nhiều năm nay luôn nằm ở loại trung bình trong bảng tổng sắp của cả nước. Trong khi đó học sinh giỏi của tỉnh thường chỉ chọn các trường Y Dược, Ngoại thương, Bách khoa…, không có nhiều học sinh giỏi chịu học các trường sư phạm.


Tuy có khá nhiều ưu điểm nhưng để có thể tuyển dụng GV có chất lượng tốt, thiết nghĩ các ngành chức năng nên tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục cải tiến một số khâu cần thiết để khắc phục những hạn chế nói trên. Đó là việc ưu tiên tuyển dụng cho người trong tỉnh chỉ nên áp dụng ở các trường đại trà, còn đối với trường chuyên và các trường chất lượng cao thì nên trải thảm đỏ mời người giỏi trên phạm vi cả nước như nhiều địa phương khác đã thực hiện. Phương thức tuyển dụng đối tượng này cũng phải thay đổi theo hướng dạy thực hành trên lớp từ 3 tiết trở lên để có thể thấy rõ năng lực, trình độ thực tế của từng người. Đối với những người tốt nghiệp loại giỏi, có bằng thạc sĩ, hoặc có kinh nghiệm giảng dạy không nên đặc cách tuyển dụng như hiện nay mà chỉ thực hiện cộng điểm thêm theo thứ tự ưu tiên của từng đối tượng. Điều này vừa không làm mất quyền lợi của người giỏi thực sự vừa tránh được tình trạng bằng cấp chưa bảo đảm chất lượng như hiện nay.  


Lê Văn