06:10, 10/10/2013

Bước tiến mới trong công tác đào tạo

Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tăng cường đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như huấn luyện chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Học viện đã triển khai và đưa vào sử dụng hàng chục công trình đồng bộ, hiện đại phục vụ kịp thời công tác giáo dục đào tạo.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại… đã giúp Học viện Hải quân tạo ra bước chuyển biến mới trong công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).


Cơ sở vật chất hiện đại


Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tăng cường đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT, nghiên cứu khoa học cũng như huấn luyện chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Học viện đã triển khai và đưa vào sử dụng hàng chục công trình đồng bộ, hiện đại phục vụ kịp thời công tác GD-ĐT. Trong đó, nhiều công trình có chất lượng cao như: Khu nhà ở học viên hệ 1, hệ 2; trung tâm mô phỏng tác chiến; dự án hạ tầng kỹ thuật và thiết bị trung tâm huấn luyện thực hành; hệ thống phòng thực hành, thực tập; khu ký túc xá sĩ quan...


Đặc biệt, để nâng cao chất lượng huấn luyện thể lực cho cán bộ, học viên, cùng với khu liên hợp thể thao đặc chủng, hệ thống bể bơi, các sân thi đấu hiện có, vừa qua, Học viện đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhà tập luyện và thi đấu thể thao đa năng. Đây là công trình trọng điểm với diện tích hơn 5.000m2, kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Công trình này cũng là nơi tập luyện và thi đấu nhiều môn như: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, tennis, cầu lông, cầu mây và các môn võ. Công trình này được đánh giá là triển khai xây dựng có hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm về vật tư, ngân sách và phù hợp với nhu cầu học tập, rèn luyện của cán bộ, học viên. Cùng với các công trình khác, Học viện đã hình thành một hệ thống cơ sở vật chất liên hoàn, đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt cho nhiệm vụ GD-ĐT.


Đáp ứng yêu cầu đào tạo “3 trong 1”

Lãnh đạo Học viện kiểm tra công tác huấn luyện của học viên tại Trung tâm mô phỏng tác chiến.
Lãnh đạo Học viện kiểm tra công tác huấn luyện của học viên tại Trung tâm mô phỏng tác chiến.


Theo Đại tá Hà Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Hải quân, những chuyển biến mới trong công tác GD-ĐT của Học viện thể rõ trong mục tiêu đào tạo “3 trong 1”. Theo đó, học viên ra trường cùng một lúc phải đạt được 3 tiêu chí “đảng viên - sĩ quan - kỹ sư”. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Học viện tập trung triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2010 - 2020 và quán triệt quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về GD-ĐT.

 

Năm 2013, đội tuyển của Học viện tham dự kỳ thi Olympic toán sinh viên toàn quốc đã thành công lớn với 5/5 học viên đoạt giải; trong đó có 2 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích. Chất lượng học tập, rèn luyện của học viên ở các bậc đào tạo được giữ vững và có bước phát triển. Năm học 2012 - 2013, học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học đạt 100% yêu cầu, trong đó có 38,46% khá. Học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ cao đẳng đạt 100% yêu cầu, 27,02% khá.

Với tinh thần tất cả vì chất lượng GD-ĐT, các cơ quan chức năng và các khoa giáo viên đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, tập trung xây dựng các chương trình chi tiết môn học theo hướng: Chấp hành nghiêm quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng về chương trình khung cho các đối tượng đào tạo; cập nhật nhanh và đầy đủ kiến thức mới, giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực tập; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học trên quan điểm “lấy người học làm trung tâm”; dạy những cái “đơn vị cần” chứ không chỉ dạy những cái “Học viện có”. Năm 2013, Học viện đã tổ chức điều chỉnh, đổi mới 36 chương trình đào tạo với 615 chương trình môn học; giảm tỷ trọng thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian cho các hình thức lên lớp khác (hội thảo, nghiên cứu, viết tiểu luận, thảo luận nhóm, thực hành, bài tập nhóm, thí nghiệm...), tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành ở một số bộ môn đã đạt từ 50 đến 55%.


Bên cạnh đó, Học viện đặt ưu tiên hàng đầu cho công tác bồi dưỡng cán bộ, giảng viên có năng lực toàn diện cả về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ việc kết hợp giữa giáo dục đạo đức, lối sống với phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong học tập, rèn luyện của học viên. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng môi trường văn hóa sư phạm tốt đẹp, lành mạnh... Chỉ tính riêng năm học 2012 - 2013 đã có 12 khoa đạt khoa thực hành huấn luyện tốt; 46 bộ môn thực hành huấn luyện giỏi, 27 giảng viên giỏi cấp cơ sở, 80 giảng viên giỏi cấp khoa. Đây là những hạt giống tốt cho nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT của Học viện những năm tới.


Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “đẩy khá, xóa yếu”, “học giỏi, rèn nghiêm”, chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động của “Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học”, “Câu lạc bộ ngoại ngữ” và các cuộc thi sáng tạo, sáng kiến, sáng chế. Các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được thực hiện có nề nếp, tạo môi trường thuận lợi để học viên học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Hải quân cho biết, những năm tới, Học viện sẽ tiếp tục đầu tư để rà soát và đổi mới toàn diện hệ thống chương trình môn học và công tác biên soạn giáo trình, tài liệu “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Đây được coi là một trong những khâu đột phá trọng tâm để xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.


THÀNH NAM