09:09, 27/09/2013

Học để có nghề nghiệp và lao động hiệu quả

Với chủ đề “Học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng hiệu quả”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2013 sẽ diễn ra từ ngày 30-9 đến 6-10-2013.

Với chủ đề “Học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng hiệu quả”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2013 sẽ diễn ra từ ngày 30-9 đến 6-10-2013.


Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD-ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng này nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại địa phương; giúp các cơ sở GD và các thiết chế GD ngoài nhà trường nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng, góp phần triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020” trên địa bàn tỉnh.


- Tuần lễ học tập suốt đời năm 2013 sẽ có các hoạt động gì, thưa ông?


- Trong Tuần lễ học tập suốt đời năm 2013 sẽ có những hoạt động: Triển lãm sách và tài liệu từ ngày 1 đến 6-10-2013 tại Thư viện tỉnh; Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức lớp truyền thông nghề nghiệp và việc làm cho đoàn viên, thanh niên tại các huyện, thị xã, thành phố; Sở Nội vụ tổ chức lớp ôn thi chứng chỉ IELTS cho cán bộ, công chức dự bị dài hạn tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt Mỹ (số 135 đường Thống Nhất, TP. Nha Trang); tổ chức khai giảng, mở các lớp chuyên đề về GD kỹ năng sống, các lớp học theo chương trình GD đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; các lớp học nghề cho lao động nông thôn... tại những trung tâm học tập cộng đồng, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tổ chức các hoạt động khuyến học, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, hoạt động chuyên đề, câu lạc bộ... trong trường học với những nội dung cụ thể, thiết thực. Ngoài ra, các thư viện, trung tâm văn hóa... sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tham quan, học tập như: mở cửa miễn phí, tổ chức triển lãm, tổ chức ngày hội đọc sách, giới thiệu sách...

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp trong giờ học môn âm nhạc. Ảnh: M.A
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp trong giờ học môn âm nhạc.


- “Học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng hiệu quả” là chủ đề của năm nay. Ông có thể nói rõ hơn về thông điệp này?


- Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng việc học, trọng dụng nhân tài. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, được các thế hệ con cháu ra sức giữ gìn và phát triển. Trong công cuộc đổi mới, để xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn đề ra những đường lối, chính sách kịp thời, phù hợp để chấn hưng và thúc đẩy sự phát triển của nền GD nước nhà, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó đã được thể hiện rõ ở quan điểm “GD là quốc sách hàng đầu” và thực hiện chủ trương “Xã hội hóa GD”, đưa GD đến với mọi người, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Làm sao cho đồng bào ta “Ai ai cũng được học hành”.


Mọi hình thức học tập dù nhỏ nhất đều có ích. Chính vì vậy, mỗi công dân với ý thức và trách nhiệm của mình, hãy tham gia học tập suốt đời để phát triển bền vững, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT của đất nước ở khắp mọi nơi, với tất cả mọi người. Xây dựng xã hội học tập gắn với việc học tập suốt đời cho mọi người chính là góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, nâng cao năng lực làm việc cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại, nhất là trong kỷ nguyên kinh tế tri thức với hội nhập, toàn cầu hóa. Đó cũng chính là cơ sở để phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và con người trong thời đại mới. Xây dựng xã hội học tập chính là xây dựng cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.


Với ý nghĩa ấy, thay mặt Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh Khánh Hòa, tôi đề nghị các cơ sở GD, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức những lớp học với các nội dung, hình thức học tập phong phú, linh hoạt, đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và huy động đông đảo mọi người dân tham gia học tập, đặc biệt là những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn giúp cho người dân cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, các chương trình GD về kỹ năng sống cho những người có nhu cầu. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập là: xóa mù chữ; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; học tập nâng cao trình độ để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.


- Xin cảm ơn ông!


THU HIỀN (Thực hiện)