06:01, 04/01/2018

Nhiều thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội

Kể từ tháng 1-2018, chính sách về bảo hiểm xã hội có rất nhiều thay đổi. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này.

Kể từ tháng 1-2018, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) có rất nhiều thay đổi. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết, chính sách BHXH có những thay đổi nào và cách tính đóng BHXH ra sao?

 


- Bên cạnh những đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành thì 2 đối tượng sau cũng phải tham gia đó là: người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phải tham gia BHXH bắt buộc.


Cách tính đóng BHXH được thực hiện cụ thể, gồm: tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung. Trong đó, khoản bổ sung phải xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Căn cứ vào quy định thì mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Về các khoản phụ cấp lương tính đóng BHXH như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.


Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%. Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.


- Trong tháng, NLĐ có nhiều khoản thu nhập. Vậy những khoản thu nhập nào không phải tính đóng BHXH, thưa ông?


- Các khoản thu nhập không phải đóng BHXH gồm: tiền thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; tiền hỗ trợ nhà ở, xăng xe, điện thoại; tiền hỗ trợ đi lại; tiền hỗ trợ giữ trẻ, nuôi con nhỏ; tiền hỗ trợ NLĐ có thân nhân bị chết; tiền hỗ trợ lao động có người thân kết hôn; tiền hỗ trợ sinh nhật của NLĐ; tiền trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.


- Thưa ông, vì sao lại phải thay đổi cách đóng, thu BHXH?


- Hiện nay, đa số người sử dụng lao động đang dùng mức lương ghi trên HĐLĐ làm căn cứ đóng BHXH. Mức lương này thấp hơn nhiều so với thực tế chi trả cho NLĐ. Trên thực tế, ngoài mức lương, người chủ sử dụng lao đồng còn chi nhiều khoản phụ cấp: phụ cấp chuyên cần, phụ cấp kinh nghiệm, phụ cấp độc hại... Tổng số tiền từ phụ cấp và các khoản bổ sung khác đôi khi còn cao hơn số tiền làm căn cứ đóng BHXH. Tuy nhiên, các khoản phụ cấp và bổ sung này không được làm căn cứ tính trích đóng BHXH, gây thiệt thòi cho NLĐ. Những bất hợp lý này là nỗi trăn trở của NLĐ xưa nay, đặc biệt là đối với lao động phổ thông, làm việc trong những ngành nghề thường xuyên phải tăng ca, làm ngoài giờ, độc hại... Mức lương làm căn cứ đóng BHXH quá thấp, vì thế mức lương hưu của họ khi hết tuổi lao động không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.


Để hạn chế tình trạng này, Luật BHXH năm 2014 quy định mới lộ trình thu đúng, thu đủ. Việc thay đổi cách tính đóng BHXH theo một lộ trình nhất định xuất phát từ mong muốn, đời sống của người hưởng BHXH được nâng lên. Các chế độ BHXH được điều chỉnh theo nguyên tắc đóng hưởng, cân đối quỹ BHXH. Trong đó, chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp 1 lần được điều chỉnh với mức cao hơn Luật BHXH năm 2006.  


Cách đóng BHXH mới buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với NLĐ, tạo niềm tin để họ gắn bó lâu dài, an tâm lao động; giảm bớt tình trạng nhảy việc, chấm dứt HĐLĐ để phải hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và phải tốn chi phí đào tạo nghề mới. Việc quy định tiền lương tháng đóng BHXH theo Luật BHXH năm 2014 nhằm dần tiếp cận gần với tiền lương thực tế của NLĐ là cần thiết nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi NLĐ nghỉ việc hưởng BHXH từ quỹ BHXH.

- Việc thay đổi cách đóng, thu BHXH có làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thu nhập NLĐ không, thưa ông?


- Thay đổi không nhiều so với những năm trước, nếu như doanh nghiệp ghi rõ ràng các khoản phải đóng và không phải đóng vào trong HĐLĐ. Các khoản bổ sung làm căn cứ đóng là những khoản tương đối ổn định, thường xuyên. Qua đó vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, vừa đáp ứng nguyện vọng của NLĐ là được đóng nhiều, hưởng nhiều, đảm bảo ổn định cuộc sống cả trong hiện tại và khi nghỉ hưu.


Khi số tiền đóng BHXH tăng lên thì một số doanh nghiệp sẽ kêu khó. Tuy nhiên, chúng ta đều nhận thức rõ rằng quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã được quy định và có lộ trình cụ thể, có thời gian chuẩn bị khá dài, được thông tin, tuyên truyền kịp thời đến người sử dụng lao động và NLĐ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể thực hiện được nên sẽ không có vướng mắc gì lớn. Nếu doanh nghiệp từ trước tới nay thực hiện nghiêm túc, tức là không biến tiền lương thành phụ cấp và các khoản bổ sung khác để lách luật thì sẽ không gặp khó khăn gì. Suy cho cùng, đóng BHXH dựa trên nền tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác là vì quyền lợi của NLĐ và vì mục đích an sinh xã hội.


Thời gian tới, BHXH tỉnh và các ngành chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, đối thoại, hướng dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp và NLĐ áp dụng những thay đổi này.


VĂN GIANG (Thực hiện)