06:12, 29/12/2017

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Ninh Hòa: Chưa được khống chế

Tỷ số giới tính khi sinh của thị xã Ninh Hòa năm 2017 tăng lên tới 121,1%. Vì vậy, địa phương cần sớm có giải pháp hiệu quả để khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tỷ số giới tính khi sinh của thị xã Ninh Hòa năm 2017 tăng lên tới 121,1%. Vì vậy, địa phương cần sớm có giải pháp hiệu quả để khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.


Năm 2014, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở thị xã Ninh Hòa là 117%; năm 2016, tỷ lệ này tuy có giảm nhưng vẫn còn nằm trong nhóm cao với 113,6%; đến năm 2017 tăng lên quá cao với 121,1%. Tình trạng này không chỉ phổ biến ở một số địa phương vùng biển, nông thôn mà còn diễn ra ở miền núi như: năm 2017, ở Ninh Tây, trong 70 trẻ sinh ra chỉ có 25 trẻ em gái, Ninh Thượng 35 trẻ trai/23 trẻ gái, Ninh Sim 65 trẻ trai/42 trẻ gái...

 

Truyền thông về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh tại một trường học trên địa bàn thị xã.

Truyền thông về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh tại một trường học trên địa bàn thị xã.


Bà Nguyễn Ngô Bích Khuê - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thị xã Ninh Hòa cho biết, năm 2017, tỷ suất sinh trên toàn thị xã giảm còn 10,91‰, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại cao 79%, nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là nỗi lo chưa giải quyết được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bên cạnh phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trọng nam; các gia đình miền biển, miền núi mong muốn có con trai để đi biển, làm công việc nặng nhọc. Ngoài ra, từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong y tế nên các cặp vợ chồng có cơ hội lựa chọn giới tính thai nhi. Tình trạng này phổ biến ở cả khu vực đô thị, nông thôn, người nghèo và cả gia đình trí thức.


Năm 2017, Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ thị xã đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động truyền thông phối hợp theo từng đợt, nội dung và hình thức phù hợp với từng địa bàn như: phổ biến các chính sách pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ; thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh tại 4 địa phương thuộc vùng nông thôn: Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Phụng và 11 xã vùng biển; truyền thông về tránh thai và dịch vụ KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển như: Ninh Hiệp, Ninh Đa. Cùng với đó, tổ chức tư vấn cộng đồng và truyền thông tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại 3 xã khó khăn, có mức sinh cao là: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Tây.


Ngoài ra, tổ chức nhiều buổi truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao; phát tin, bài trên hệ thống truyền thanh xã, phường. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức sinh động theo từng chuyên đề cho thành viên của các câu lạc bộ: “Không sinh con thứ ba”, “Tiền hôn nhân”, học sinh trong các trường THPT, nam nữ thanh niên kết hôn... về lợi ích nâng cao chất lượng dân số.


Tuy vậy, đến cuối năm 2017, thị xã Ninh Hòa vẫn không khống chế được tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Vì vậy, trong thời gian đến, thị xã cần có sự vào cuộc của toàn xã hội để hạn chế những hệ lụy từ vấn đề này. Riêng ngành Dân số phải có đột phá trong tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới. Song song đó, chính quyền cần tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia nhiều hơn trong đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm; thành lập quỹ vì sự phát triển của trẻ em gái... Hoạt động truyền thông cũng cần linh hoạt trong cách tiếp cận và chọn thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng, truyền thông không chỉ cho các cặp vợ chồng trẻ mà phải bao gồm cả những bậc cao niên. Nếu trong thời gian tới, Ninh Hòa tuyên truyền không hiệu quả vấn đề này thì tỷ số giới tính khi sinh của thị xã khó giảm, ngành Dân số tỉnh khó giảm được tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh xuống còn 110% theo kế hoạch đề ra năm 2018.


Thiết Trang