11:12, 13/12/2017

Thuê ca nô đưa học sinh đến trường

Mùa lũ năm nay, chủ đầu tư đã tháo dỡ cầu gỗ Phú Kiểng bắc qua sông Cái, đoạn qua xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) do sợ lũ cuốn trôi. Nhằm tránh tình trạng học sinh phải chui hầm đường sắt vượt sông, UBND xã Vĩnh Ngọc đã trích kinh phí thuê ca nô hàng ngày đưa các em đến trường.

Mùa lũ năm nay, chủ đầu tư đã tháo dỡ cầu gỗ Phú Kiểng bắc qua sông Cái, đoạn qua xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) do sợ lũ cuốn trôi. Nhằm tránh tình trạng học sinh (HS) phải chui hầm đường sắt vượt sông, UBND xã Vĩnh Ngọc đã trích kinh phí thuê ca nô hàng ngày đưa các em đến trường.


Cầu tháo dỡ, dân và học sinh chui hầm đường sắt


Cầu gỗ Phú Kiểng là chiếc cầu tạm bằng gỗ dài khoảng 400m, dành cho người đi bộ, xe máy vượt sông Cái. Đây là cây cầu do người dân địa phương tự bỏ kinh phí đầu tư, vận hành, hàng ngày thu phí để hoàn vốn. Những năm qua, cầu thường xuyên bị lũ cuốn trôi, phải làm lại nhiều lần nên mùa mưa lũ năm nay, chủ cầu đã cho tháo dỡ cầu. Hiện nay, mực nước sông Cái vẫn còn lớn nên cầu chưa được lắp trở lại.

 

Người dân chờ nhau đến lượt qua cầu đường sắt.

Người dân chờ nhau đến lượt qua cầu đường sắt.

 

 Không có cầu, người dân 3 thôn của xã ở phía bên kia sông Cái là Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 và Xuân Ngọc muốn qua trung tâm xã phải đi vòng ra đường 2-4, dài gần 8km so với đường cũ. Đường quá xa, nhiều người dân và HS chọn cách đi qua hầm đường sắt, sau đó theo lối đi bộ dọc cầu đường sắt để qua sông. Dọc đường hầm không có ánh sáng, không có lối đi bằng phẳng nên việc đi lại rất khó khăn. Mỗi lần có tàu qua, người lớn, trẻ em phải nép mình vào vách hầm hoặc nằm xuống các rãnh hai bên đường. Ông Cao Văn Minh (thôn Hòn Nghê) cho biết, việc đi qua đường hầm bị nhân viên gác chắn ngăn cản, mọi người cũng biết là nguy hiểm nhưng đều phải đi vì tiện, gần hơn rất nhiều. Nhiều khi phải đi thật nhanh để tránh tàu. Trường hợp đang trong hầm mà gặp tàu thì phải nằm rạp xuống hoặc chui vào các khoang nhỏ dọc vách hầm để tránh nguy hiểm.


Được biết, hầm đường sắt có biển cấm tất cả các phương tiện qua lại. Tuy nhiên, hàng ngày, có rất nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm qua hầm, sau đó xếp hàng để đi từng người một theo lối đi bộ dọc cầu đường sắt để vượt sông. Nhiều người chấp nhận cách đi này vì đây là con đường ngắn nhất có thể đến chỗ làm, trường học. Có những người dắt cả xe máy, chở theo hàng hóa qua hầm, bất chấp cảnh báo của nhân viên gác hầm. Nhân viên gác cầu đường sắt sông Cái cho biết, hầm đường sắt và đường dẫn hai đầu dài chừng 500m, cửa hầm ở 2 đầu nhưng chỉ có 1 nhà gác ở phía đầu cầu sông Cái. Vì thế, không thể ngăn cản người đi từ phía bên kia qua hầm. Trong khi đó, ngay cả bên này, mặc dù có biển cấm, có người gác nhưng nhiều người vẫn cố qua hầm.


Nếu so với số người chui hầm thì số người qua cầu đường sắt nhiều hơn. Ngoài số dân của xã Vĩnh Ngọc cần qua bên này sông, còn rất nhiều người thuộc phường Ngọc Hiệp cần qua bên kia sông để đi làm. Lối đi dọc cầu đường sắt nhỏ, hẹp chỉ vừa đủ cho 1 chiều xe lưu thông từng chiếc một. Vì thế, mọi người phải quan sát, chờ đợi để qua từng lượt từ 10 đến 15 xe mỗi lần, sau đó lại chờ đợi nhường cho phía bên kia qua. Anh Trần Văn Tân cho biết, nhà anh ở xã Vĩnh Thạnh, đi làm tại một khu du lịch bên kia sông, đi qua cầu đường sắt sẽ ngắn hơn so với đi đường qua trung tâm thành phố.


Xã thuê ca nô chở học sinh


Những ngày qua, cầu gỗ bị tháo dỡ, việc đi lại của khoảng 2.000 hộ dân địa phương gặp khó khăn. Trong số này có gần 200 HS hàng ngày phải qua sông đi học. Một số hộ đã dùng ghe để chở HS sang sông, nhưng sau đó UBND xã Vĩnh Ngọc không cho phép vì lo không đảm bảo an toàn. Với tình trạng HS phải chui hầm đường sắt để đến trường, UBND xã Vĩnh Ngọc được UBND TP. Nha Trang đồng ý cho phép trích kinh phí thuê ca nô để đưa HS qua sông từ đầu tháng 12. Chiếc ca nô này của một hộ kinh doanh chuyên làm dịch vụ du lịch dọc sông Cái.

 

Học sinh xuống ca nô qua sông

Học sinh xuống ca nô qua sông

 

Ông Phan Tấn Hải - người lái ca nô cho biết, ca nô chở tối đa 18 người, có trang bị ghế, áo phao đầy đủ. Mỗi ngày hoạt động từ 6 giờ 15 đến 18 giờ để đưa, đón HS qua sông, nhiều nhất là lúc đưa, đón HS vào đầu buổi và cuối buổi. Trong giờ cũng có rất đông HS đi học thêm, học thể dục. “Từ sáng đến tối, tôi ngồi đây cứ đủ số HS là đưa các em qua sông, mỗi chuyến chỉ mất 5 phút nhưng an toàn hơn. Các em học theo tiết nên ra cũng không phải chờ đợi lâu”, ông Hải cho biết.


Tuy vậy, chiếc ca nô này chỉ hoạt động ban ngày, việc đi lại ban đêm của HS cũng như đi lại hàng ngày của người dân vẫn gặp nhiều nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, mỗi ngày, UBND xã chi trả 1,5 triệu đồng tiền thuê ca nô, số kinh phí này được lấy từ ngân sách. Dự kiến sẽ hoạt động đến trước Tết dương lịch, khi cầu gỗ được dựng lại. Ca nô qua sông chỉ là giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho HS. Người dân địa phương cần chủ động đảm bảo an toàn cho mình, chịu khó đi đường xa hơn, không nên chui hầm đường sắt. Riêng việc xây dựng cầu vẫn phải chờ UBND tỉnh quyết định đầu tư.


Lưu Khánh