12:12, 28/12/2017

Khánh Vĩnh: Cần đẩy nhanh khắc phục hậu quả do bão

Cơn bão số 12 đã đi qua gần 2 tháng, nhưng công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn khá chậm. 

Cơn bão số 12 đã đi qua gần 2 tháng, nhưng công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn khá chậm. Trong buổi làm việc sáng 27-12, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu huyện quyết liệt hơn trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 12, hoàn thành việc khắc phục nhà ở cho người dân trong tháng 1-2018…


Tiến độ khắc phục chậm


Đại diện UBND huyện cho biết, cơn bão số 12 đã khiến toàn huyện có 72 nhà bị sập hoàn toàn, 263 nhà bị hư hỏng rất nặng, 1.203 nhà bị hư hỏng nặng. Huyện đã giao cho xã làm việc với các nhà thầu để xây dựng, sửa chữa nhà cho người dân. Đến nay, đã xây lại được 40 căn nhà bị sập hoàn toàn, 32 nhà còn lại đang thi công đạt 60 - 70% khối lượng; khắc phục được 89 nhà bị hư hỏng rất nặng, 174 nhà còn lại đang thi công đạt 60% khối lượng; khắc phục được 222 nhà hư hỏng nặng, còn lại 981 nhà đang thi công đạt 50% khối lượng. Dự kiến, đến ngày 31-1-2018, việc khắc phục nhà ở sẽ hoàn thành. Cùng với việc khắc phục nhà ở, huyện đã hỗ trợ trung bình 19,5 triệu đồng/hộ cho 72 hộ có nhà sập hoàn toàn; hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ cho 1.550 hộ có hoàn cảnh khó khăn (chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của UBMTTQ Việt Nam).

 

Đồng chí Trần Sơn Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Ông Trần Sơn Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.


Cũng theo lãnh đạo UBND huyện, toàn huyện có 36 cơ sở trường học, 5 cơ sở y tế bị hư hại, đến nay đã khắc phục được 50% khối lượng công việc. Các trường học, trạm y tế tuy còn khó khăn nhưng đã hoạt động trở lại bình thường. Tại cuộc họp, ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị: Xem xét miễn thuế xây dựng cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân; đề nghị tỉnh sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp để người dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống. Nhưng theo báo cáo, hiện nay, các phòng, ban chuyên môn của huyện đang trong giai đoạn làm hồ sơ thẩm định thiệt hại về nông, lâm nghiệp.


Sau khi nắm tình hình, ông Trần Sơn Hải đặt các câu hỏi: “Tại sao bão đã qua gần 2 tháng mà huyện chưa có số liệu xác minh thiệt hại về nông nghiệp? Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân có được tiến hành công khai, minh bạch hay không? Doanh nghiệp nào đang khắc phục nhà ở?”. Trả lời các câu hỏi trên, ông Mấu Văn Phi cho biết, các xã niêm yết danh sách các hộ được khắc phục nhà ở rất rõ ràng; huyện đã giao xã lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, ông Phi không thể trả lời cụ thể là các doanh nghiệp nào đang thực hiện công tác này. Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện không trả lời được câu hỏi “cơ sở giáo dục khắc phục được 50% là khối lượng công việc hay số lượng cơ sở đã hoàn thành khắc phục”… Ông Trần Sơn Hải đã phê bình UBND huyện cũng như các phòng chức năng của huyện không sát thực tế; không đưa ra được các giải pháp hiệu quả, kiến nghị chung chung.


Cần có các giải pháp cụ thể


Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cũng có ý kiến về công tác khắc phục cơn bão số 12 ở Khánh Vĩnh. Đại diện Sở Tài chính cho biết, kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng không thiếu, việc chậm là do ở địa phương và các ngành. Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, Khánh Vĩnh cần 13,5 tỷ đồng khắc phục cơ sở vật chất ngành Giáo dục. Việc khắc phục chậm một phần do có 4 cơ sở có số tiền sửa chữa hơn 1 tỷ đồng nên không thể mời thầu. Tuy nhiên, ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, việc chậm sửa chữa là do ngành Giáo dục không linh động chứ không có vướng mắc về thủ tục pháp lý. “Từ ngày 8-11, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo: Các công trình hơn 1 tỷ đồng, chủ đầu tư được phép thành lập hội đồng tư vấn (có đại diện của Sở Xây dựng) xem xét chỉ định thầu để sửa chữa ngay, vừa thi công vừa hoàn thiện hồ sơ”, ông Thọ cho biết.

 

Người dân sửa chữa nhà sau bão.

Người dân  Khánh Vĩnh sửa chữa nhà sau bão.


Cũng tại cuộc họp, bà Võ Hải Thư - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn huyện có 3.893 hồ sơ vay vốn, dư nợ khoảng 94 tỷ đồng, số lượng có khả năng trả nợ rất thấp. Bà Thư đề nghị, huyện phối hợp với ngân hàng xác định mức thiệt hại để có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho người dân; xem xét thẩm định hồ sơ cho người dân vay vốn tiếp tục sản xuất.  


Kết luận cuộc họp, ông Trần Sơn Hải đánh giá, việc cứu trợ sau cơn bão số 12 huyện Khánh Vĩnh làm tương đối tốt; tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả còn chậm. Ông Trần Sơn Hải yêu cầu huyện phải quyết liệt hơn trong công tác khắc phục hậu quả do bão; có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc khắc phục nhà trong tháng 1-2018, đẩy nhanh việc khắc phục cơ sở vật chất cho ngành Y tế, Giáo dục. Ông yêu cầu huyện có phương án cụ thể để Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ nhân lực tham gia khắc phục nhà ở; phối hợp với ngành Y tế, Giáo dục để phân loại mức độ hư hại, tiến hành khắc phục theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

 

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Huyện Khánh Vĩnh phải hoàn thành các công việc đã được chỉ đạo hôm nay trước Tết Nguyên đán, có khó khăn gì báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành. Nếu không hoàn thành, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Trần Sơn Hải, sự lúng túng của huyện Khánh Vĩnh trong việc thống kê, xác minh thiệt hại một phần là do các ngành chưa hướng dẫn cụ thể. Theo đó, ông yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ xuống cơ sở, hướng dẫn huyện Khánh Vĩnh thống kê, xác minh thiệt hại về nông nghiệp, cũng như đề xuất các chính sách hỗ trợ. “Huyện phải xác minh thiệt hại cụ thể, chính xác thì tỉnh mới có thể hỗ trợ, việc hỗ trợ mới công bằng. Tôi đề nghị, ngoài việc dán thông báo ở trụ sở UBND xã, huyện phải chỉ đạo các xã dán các thống kê thiệt hại, thông báo mức hỗ trợ tại các nhà cộng đồng để người dân biết và giám sát”, ông Trần Sơn Hải nói.  


Bên cạnh đó, Ông Trần Sơn Hải yêu cầu ngân hàng và Cục Thuế tỉnh phải hướng dẫn người dân, doanh nghiệp làm thủ tục để được giãn nợ, khoanh nợ, miễn thuế…, có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với huyện thống kê xác định hộ nghèo, cận nghèo để mua bảo hiểm y tế cho người dân; nắm chắc đối tượng để có chính sách hỗ trợ kịp thời, không được để người dân không có nhà ở, bị đói.


THÀNH NGUYỄN