09:11, 01/11/2017

Sửa chữa khẩn cấp 10 công trình phòng, chống thiên tai

Dự báo mùa mưa lũ năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt khi mưa lớn kéo dài có thể gây lũ quét cục bộ, sạt lở đất. Vì thế, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình vượt lũ, kè chống sạt lở…

Dự báo mùa mưa lũ năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt khi mưa lớn kéo dài có thể gây lũ quét cục bộ, sạt lở đất. Vì thế, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình vượt lũ, kè chống sạt lở…


10 công trình cần sửa chữa


Đây hầu hết đều là những công trình được đưa vào diện sửa chữa khẩn cấp, đặc biệt là các công trình vượt lũ, nhằm giảm đến mức thấp nhất khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân cũng như hạn chế tình trạng bị chia cắt khi xảy ra mưa lũ.

 

Ở huyện Vạn Ninh, chỉ tính riêng thôn Mỹ Đồng (xã Vạn Lương) đã có 2 tuyến tràn giao thông phục vụ dân sinh cho 72 hộ dân thôn này. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, tuyến tràn Gò Mè và Đất Gai 1 của thôn Mỹ Đồng thường xuyên bị ngập sâu, nước chảy xiết, gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại, đặc biệt là 140 học sinh thường xuyên phải qua các cầu tràn này để tới trường. Chính vì thế, huyện Vạn Ninh đã đưa 2 công trình vượt lũ này vào danh sách các công trình cần sửa chữa khẩn cấp.


Ở thị xã Ninh Hòa, cầu Bến Miễu bắc qua sông Lốt thuộc thôn Hòa Thiện 2, xã Ninh An có kết cấu gỗ với chiều dài khoảng 30m. Theo chính quyền địa phương, mùa mưa bão năm 2016, lưu lượng nước đổ về qua sông Lốt lên cao, đã cuốn trôi hoàn toàn cầu Bến Miễu. Hiện nay, địa phương gia cố bằng cầu gỗ tạm phục vụ đi lại và vận chuyển nông sản cho hơn 70 hộ trong vùng, khó có thể đảm bảo an toàn khi mưa lũ về. Nhu cầu sửa chữa lại cây cầu này bằng kết cấu bê tông cốt thép là hết sức cần thiết.


Ở huyện Cam Lâm, công trình cầu tràn suối Gỗ nằm giữa 2 xã Cam Tân và Cam Hòa, là cầu tràn kết hợp giao thông phục vụ đi lại cho hơn 30 hộ thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa. Hàng năm, khi đến mùa mưa lũ, cầu tràn này bị chia cắt hoàn toàn, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. UBND huyện Cam Lâm cho biết, trong mùa mưa lũ năm 2010, đã có 3 người tử vong khi vượt qua tràn này. Ngoài ra, ở Cam Lâm còn có đoạn kè bảo vệ thuộc công trình kênh thoát lũ đoạn qua tổ dân phố Tân Hòa 1, đoạn từ Quốc lộ 1 đến hết khu tái định cư Tân Hòa, thị trấn Cam Đức bị sạt lở, cần khoảng 450 triệu đồng để gia cố.

 

Ngày 1-11, dòng nước hung hãn trên sông Dinh, đoạn qua xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) uy hiếp trực tiếp  đến các hộ dân

Ngày 1-11, dòng nước hung hãn trên sông Dinh, đoạn qua xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) uy hiếp trực tiếp đến các hộ dân

 

Cũng đối diện với nguy cơ sạt lở bờ sông, suối, tại khu vực 2 bên bờ suối Thủy Tinh thuộc phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh, tuyến bờ kè con suối này đã bị sạt lở khoảng 100m, khiến cho đất lún sụt, làm gãy trụ cổng, móng nhà và ảnh hưởng đến khoảng 20 hộ tại khu vực này. Còn ở hạng mục mái kè bảo vệ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực bờ sông thôn Gia Lố, xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, nhiều vị trí đã bị sạt lở, hư hỏng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhà cửa của người dân. Chính quyền địa phương đã đề xuất gia cố lại chân kè và mái kè với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Riêng ở xã Khánh Đông, trường tiểu học của xã ngoài việc đảm nhiệm việc học tập cho học sinh còn là nơi dùng để sơ tán người dân ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, hiện nay, một số khu vực ở Trường Tiểu học Khánh Đông đã bị xuống cấp, móng lún sụt, tường và trụ đỡ bị nứt hỏng nhiều vị trí, không đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như người dân khi tiến hành sơ tán.


Tại huyện Khánh Sơn, tràn giao thông thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình là công trình giao thông phục vụ cho 175 hộ của thôn. Vào mùa mưa lũ hàng năm, toàn bộ thôn Xóm Cỏ thường bị chia cắt hoàn toàn, nơi đây đang rất cần một công trình kiên cố, có thể vượt lũ. Tương tự, công trình vượt lũ đường liên xã Diên Bình - Suối Tiên (huyện Diên Khánh), một khu vực thường xuyên bị chia cắt cũng đã được tính toán đầu tư với số vốn gần 1 tỷ đồng.


Thống nhất kinh phí gần 7 tỷ đồng


Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, tháng 9-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng những công trình do các địa phương kiến nghị khắc phục từ nguồn kinh phí Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh. Qua kiểm tra, các sở, ngành đã đánh giá 10 công trình cần được sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người và công trình trong mùa mưa bão. Ngày 26-9, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các công trình sửa chữa khẩn cấp, với kinh phí gần 7 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh.


Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, dự kiến 1 tuần nữa sẽ trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Mục tiêu của các địa phương là quyết tâm hoàn thành các công trình này trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.


Hồng Đăng