09:11, 01/11/2017

Nhiều nơi ở Ninh Hòa ngập lụt

Do ảnh hưởng của không khí lạnh hoạt động với cường độ mạnh, ngày 31-10 và 1-11, tại phía bắc thị xã Ninh Hòa có mưa to đến rất to, cộng với việc hồ Đá Bàn tiến hành xả điều tiết đã khiến cho nhiều vùng trũng ở thị xã Ninh Hòa bị ngập.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh hoạt động với cường độ mạnh, ngày 31-10 và 1-11, tại phía bắc thị xã Ninh Hòa có mưa to đến rất to, cộng với việc hồ Đá Bàn tiến hành xả điều tiết đã khiến cho nhiều vùng trũng ở thị xã Ninh Hòa bị ngập.


Nhiều nơi bị ngập


Có mặt tại chợ Dinh (phường Ninh Hiệp) lúc 13 giờ ngày 1-11, chúng tôi ghi nhận cảnh tiểu thương tất bật dọn hàng chạy lụt. Bà Phan Thị Tuyết - tiểu thương tại chợ Dinh cho biết: “Từ 10 giờ, nước bắt đầu tràn vào chợ và lên rất nhanh, có nơi ngập sâu đến 0,5m, tôi phải huy động cả gia đình ra dọn dẹp hàng hóa, kê lên cao để tránh bị hư hỏng. Một số tiểu thương khác do hàng hóa nhiều, nước lên nhanh không kịp trở tay nên hàng hóa bị hư hỏng”.

 

 Nhiều xe máy bị chết máy, người dân phải đẩy bộ

Nhiều xe máy bị chết máy, người dân phải đẩy bộ


Đi dọc theo đường Trần Quý Cáp (đoạn từ chợ Dinh đến Ngã ba giao với Quốc lộ 1), chúng tôi ghi nhận có nhiều điểm ngập, nước tràn vào nhà người dân 2 bên đường. Đoạn sâu nhất phía trước Trung tâm Nha khoa Toàn Mỹ bị ngập đến 0,7m, hàng chục xe máy lưu thông qua đây đều bị chết máy. Tại cầu Dinh, nước đã mấp mé mố cầu, tràn qua tuyến kè dọc bờ sông Dinh gây nên tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu dân ở phường Ninh Hiệp…

 

Nước tràn vào chợ Dinh  Ninh Hòa trưa 1-11

Nước tràn vào chợ Dinh Ninh Hòa trưa 1-11


Tại xã Ninh Phụng, nhiều khu dân cư bị nước bao vây; nhiều tuyến đường nông thôn bị chia cắt; lực lượng dân quân địa phương đã phải tiến hành trực ở những điểm xung yếu, ngập sâu để hướng dẫn người dân qua lại. Ông Lê Văn Việt - dân quân xã trực tại tuyến đường ở thôn Nghi Phụng cho biết: “Lúc 1 giờ sáng 1-11, chúng tôi nhận được tin báo tuyến đường tại thôn Nghi Phụng bị ngập nước; đến 4 giờ, khi thấy nước lên nhanh, một số đoạn bị ngập sâu, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo, túc trực để hướng dẫn người dân đi đường khác nhằm đảm bảo an toàn”.

 

1

Lực lượng dân quân xã Ninh Phụng canh đường không để người dân qua lại khu vực nguy hiểm.
 


Xã Ninh Sơn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do đợt ngập lụt này. Theo thống kê của UBND xã Ninh Sơn, trên địa bàn có 1 căn nhà bị tụt vách, 9ha rau màu, 5ha lúa, 3ha bắp, 20ha mía bị ngập úng, 1 con bò bị cuốn trôi, 200m mương bê tông bị sạt lở. Chịu thiệt hại nặng nhất là hộ bà Nguyễn Thị Hường (thôn 4) có 200 con heo bị trôi và chết, ước trị giá lên đến 400 triệu đồng. Ông Phạm Minh Long - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết: “Đến 16 giờ ngày 1-11, nước tại khu vực Ninh Sơn bắt đầu rút. Thiệt hại nặng nhất do ngập lụt ở địa phương là thôn 4 và thôn 5”.

 

Người dân phường Ninh Giang di chuyển hoa Cúc

Người dân phường Ninh Giang di chuyển hoa Cúc


Hồ Đá Bàn xả lũ theo phương án đã được duyệt


Qua trao đổi, nhiều người dân ở phường Ninh Hiệp và các xã: Ninh Phụng, Ninh Sơn… đều chung nhận định: nguyên nhân khiến nước sông lên nhanh, gây ngập cục bộ ở nhiều nơi là do hồ Đá Bàn xả lũ.  


Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Tấn Thành - Trưởng phòng Quản lý công trình Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Khánh Hòa cho biết: Do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, ngày 31-10 và 1-11, nhiều nơi tại thị xã Ninh Hòa có mưa to đến rất to, nhất là khu vực phía bắc của thị xã; lượng mưa đo được tại Trạm đầu mối hồ Đá Bàn lên đến 310mm, Trạm đầu mối hồ thủy điện Ea Kronggrou 145mm… Nhận định lượng nước hồ Đá Bàn sẽ lên vượt cao trình 62m, từ ngày 28-10, hồ Đá Bàn đã được xả điều tiết với lưu lượng 1,5m3/s. Do mưa lớn trong 2 ngày nay khiến lưu lượng nước về hồ Đá Bàn nhiều, vượt cao trình 62m nên buộc phải tăng lưu lượng từ 0 giờ đến 13 giờ ngày 1-11 lên 47m3/s. Sau thời điểm 13 giờ, lưu lượng xả điều tiết giảm còn 37m3/s và sẽ tiếp tục giảm; khi mực nước trong hồ Đá Bàn về cao trình 62m, đảm bảo an toàn hồ thì sẽ không tiến hành điều tiết nữa. Việc điều tiết này được tiến hành theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, điều công ty lo lắng là trong 2 ngày tới Khánh Hòa sẽ chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lượng mưa sẽ rất lớn. Để đảm bảo an toàn hồ đập, công ty sẽ chủ động điều tiết mực nước của hồ Đá Bàn nhưng với lưu lượng thích hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến vùng hạ du. Trước khi tiến hành điều tiết, công ty đều có thông báo đến chính quyền và người dân địa phương.


Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thị xã Ninh Hòa, nguyên nhân của tình trạng ngập cục bộ tại thị xã Ninh Hòa ngày 1-11 chủ yếu là do mưa với lưu lượng lớn, lượng mưa đo được tại khu vực Đá Bàn lên đến hơn 300mm. Nước từ thượng nguồn đổ về nhiều và nhanh khiến nước sông dâng cao, gây ngập ở những vùng thấp trũng ở phía bắc của thị xã chứ không phải do hồ Đá Bàn xả lũ. Qua thực tế kiểm tra, hồ Đá Bàn đã tiến hành xả điều tiết nước theo đúng phương án đã được duyệt, lưu lượng xả điều tiết cao nhất chỉ 50m3/s và chỉ trong thời gian ngắn. Đến khoảng 16 giờ ngày 1-11, tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi đã được cải thiện, nước đã bắt đầu rút.


BÍCH LA - HỒNG ĐĂNG


 



Ông Lê Xuân Thái - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Trong 2 ngày 31-10 và 1-11, tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh có mưa lớn, một số hồ thủy lợi trên địa bàn 2 địa phương này đã phải tiến hành điều tiết mực nước, với lưu lượng rất thấp, như: hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) lưu lượng điều tiết cao nhất chỉ 47m3/s, hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh) điều tiết với lưu lượng 22m3/s, hồ Đá Đen (huyện Vạn Ninh) điều tiết với lưu lượng 12m3/s. Về thiệt hại do mưa lụt, đến 17 giờ 30, huyện Vạn Ninh có 3.000 con gia cầm bị cuốn trôi, chết; một số tuyến đường, mương thủy lợi bị hư hỏng và nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập. Các địa phương khác không bị ảnh hưởng nhiều. Để chủ động ứng phó với đợt áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến Khánh Hòa trong những ngày tới, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ. Riêng đối với việc quản lý hồ chứa, phải theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, tính toán lưu lượng nước về hồ và tình hình vùng hạ du để chủ động điều tiết trước nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

________________________________________________



Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa, đến 15 giờ ngày 1-11, trên địa bàn thị xã không có thiệt hại về người; thiệt hại về nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công trình giao thông bị hư hại ước khoảng hơn 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 hộ tại thôn Mỹ Hoán (xã Ninh Thân) phải di dời đến nơi khác để tránh lụt. Về cây trồng, có 401ha bị ngập úng, trong đó có gần 50ha bị thiệt hại, chủ yếu là rau màu, lúa, mía. Về chăn nuôi, có 200 con heo, 1 con bò bị trôi, chết; một số đoạn bờ sông, mương thủy lợi bị sạt lở. Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều nhà dân bị ngập nước, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt…