11:05, 15/05/2017

Tàu 67 vướng bảo hiểm: Cần chính sách hỗ trợ

Từ ngày 9 đến 12-3-2017, Báo Khánh Hòa có loạt bài dài kỳ Tàu 67 "mắc cạn" đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản,trong đó có việc một số tàu cá đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân trong tỉnh đã hạ thủy nhưng không mua được bảo hiểm theo chính sách này.

Từ ngày 9 đến 12-3-2017, Báo Khánh Hòa có loạt bài dài kỳ Tàu 67 “mắc cạn” đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc một số tàu cá đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân trong tỉnh đã hạ thủy nhưng không mua được bảo hiểm theo chính sách này.

 

Trong công văn số 4357 ngày 31-3-2017, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, các địa phương khác và các doanh nghiệp bảo hiểm về việc hướng dẫn cụ thể tiếp tục hay tạm dừng thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo NĐ 67, Bộ Tài chính cho biết: Theo khoản 19 Nghị quyết số 113 ngày 31-12-2016 của Chính phủ, Chính phủ thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại NĐ 67 đến hết ngày 31-12-2017. Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 67 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý II/2017. Điều đáng nói, công văn này không nêu cụ thể tiếp tục hay tạm dừng việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo NĐ 67 mà các địa phương đặt vấn đề. Chính vì không có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính nên đến nay, ngư dân vẫn chưa thể mua được bảo hiểm theo NĐ 67 cho tàu cá đóng mới của mình.


Theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, từ ngày 1-1-2017, Bảo Minh Khánh Hòa - đơn vị đầu mối cung cấp bảo hiểm theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh ngừng cung cấp bảo hiểm. Điều này khiến các ngân hàng thương mại khó khăn khi xem xét tiếp tục đầu tư, giải ngân tín dụng cho các tàu cá theo NĐ 67. Một số tàu cá đóng mới theo NĐ 67 đã hoàn thành, hạ thủy (tàu cá của các ông: Trần Văn Đạt, Nguyễn Tèo, Trương Gia Tân, Dương Cao Hoan, Võ Đình Hiệp) nhưng không thể hoạt động. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vận động một số chủ tàu đã mua bảo hiểm theo chính sách của Quyết định 48. Tuy nhiên, các chủ tàu chỉ cố gắng mua trong thời hạn 6 tháng, do mức hỗ trợ chính sách bảo hiểm theo Quyết định 48 và NĐ 67 có sự chênh lệch khá lớn.

 

Hiện nay, việc mua bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đang bị vướng

Hiện nay, việc mua bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đang bị vướng

 

Qua tìm hiểu được biết, đối tượng áp dụng chính sách bảo hiểm theo NĐ 67 là các tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên. Chính sách này hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức 70% kinh phí đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 đến dưới 400CV, 90% kinh phí đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho đối tượng là tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Chính sách này chỉ hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Như vậy, các chủ tàu đóng mới theo NĐ 67 nếu mua bảo hiểm theo Quyết định 48 phải bỏ thêm phần chênh lệch rất lớn. Cụ thể, về bảo hiểm thân tàu, đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 đến dưới 400CV, chủ tàu phải bỏ thêm 20% kinh phí; đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên, chủ tàu phải bỏ thêm 40% kinh phí; đối với bảo hiểm trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu phải bỏ 100% kinh phí để mua, bởi Quyết định 48 không hỗ trợ kinh phí này.


Để giải quyết vướng mắc trong việc mua bảo hiểm theo NĐ 67, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cấp bù phần kinh phí chênh lệch cho ngư dân mua bảo hiểm theo Quyết định 48. Qua đó, nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro khi hoạt động trên biển. Đồng thời, đảm bảo an toàn tài sản cho các ngân hàng thương mại cho vay đóng mới tàu cá theo NĐ 67.


HẢI LĂNG