11:05, 15/05/2017

Hoạt động công tác xã hội ở các bệnh viện: Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, tất cả các bệnh viện trong tỉnh Khánh Hòa đều thành lập các tổ, phòng công tác xã hội. Tuy công việc còn khá mới mẻ, nhưng qua thời gian đi vào hoạt động, các tổ, phòng công tác xã hội đã trở thành cầu nối giữa bác sĩ và người bệnh, giữa các nhà hảo tâm và bệnh nhân nghèo...

 

Hiện nay, tất cả các bệnh viện (BV) trong tỉnh Khánh Hòa đều thành lập các tổ, phòng công tác xã hội (CTXH). Tuy công việc còn khá mới mẻ, nhưng qua thời gian đi vào hoạt động, các tổ, phòng CTXH đã trở thành cầu nối giữa bác sĩ và người bệnh, giữa các nhà hảo tâm và bệnh nhân nghèo...


Nhiều hoạt động hỗ trợ bệnh nhân


Dưới sự kết nối của Phòng CTXH, mới đây 5 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh đã được Đại đức Thích Nhuận Thanh - chùa Linh Quang (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) hỗ trợ 12 triệu đồng. Trước đó, 13 bệnh nhân mắc bệnh tim nặng có hoàn cảnh khó khăn được các mạnh thường quân hỗ trợ hơn 170 triệu đồng để mổ tim.

 

Chị Nguyễn Thị Loan (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) kể, chồng chị mắc bệnh tim và bệnh động kinh hơn 10 năm. Nhà nghèo, không có tiền để mổ nên bệnh của chồng chị ngày càng nặng. Thông qua Phòng CTXH, chồng chị được các mạnh thường quân hỗ trợ 13 triệu đồng, cộng với tiền vay mượn, anh đã được mổ tim. “Sau mổ, sức khỏe của chồng tôi đã ổn định. Nếu không có sự hỗ trợ trên, chồng tôi chắc vẫn phải nằm viện dài ngày để điều trị”, chị Loan xúc động nói.


Thành lập năm 2014, Phòng CTXH, BV Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu tiên ở tỉnh triển khai hoạt động này. Gần 3 năm đi vào hoạt động, phòng đã có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp cho bệnh nhân đang điều trị tại BV. Phòng đã phối hợp với Khoa Khám hỗ trợ tiếp đón, hướng dẫn người bệnh trong khám, chữa bệnh; tư vấn các chính sách bảo hiểm y tế; thăm hỏi, động viên nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của người bệnh; phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao 5 đối tượng lang thang cơ nhỡ điều trị tại BV về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng.


Bên cạnh đó, phòng đã vận động, kêu gọi và tiếp nhận sự hỗ trợ về tài chính, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước gần 2 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp hơn 2.000 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại các khoa; tặng gần 13.640 suất quà (trị giá hơn 630 triệu đồng) cho các bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại BV. Ngoài ra, phòng còn phối hợp với các quỹ, hội, đoàn thể trong tỉnh hỗ trợ 15 bệnh nhân ung thư nghèo với tổng số tiền 75 triệu đồng; giúp đỡ 13 trường hợp bệnh nhân nghèo cấp cứu với số tiền hơn 33 triệu đồng; trao tặng 20 xe lăn; hỗ trợ mổ mắt cho 78 trường hợp với tổng số tiền hơn 127 triệu đồng; tiếp nhận và hỗ trợ 400 lon sữa cho trẻ em nghèo từ 0 đến 6 tháng tuổi tại Khoa Nhi.


Cùng với đó, phòng còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”; “Trái tim nhân ái”... phục vụ bệnh nhân và cán bộ y tế, gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cơ nhỡ với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng...


Các BV trong tỉnh cũng đã thành lập tổ CTXH vào năm 2016. Các tổ CTXH đã có nhiều hoạt động thiết thực như: hướng dẫn bệnh nhân lấy số thứ tự, chỉ dẫn đến các phòng khám, các dịch vụ cận lâm sàng; giúp đỡ bệnh nhân nặng trong các sinh hoạt hàng ngày như đi lại, vệ sinh cá nhân;  hỗ trợ về công tác giáo dục sức khỏe khi bệnh nhân ra viện. Ngoài ra, các thành viên của tổ còn lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sĩ và lãnh đạo BV; kêu gọi một số mạnh thường quân hỗ trợ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn...

 

Nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn cho bệnh nhân

Nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn cho bệnh nhân

 

Còn nhiều khó khăn


Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song hiện nay, hoạt động của phòng, tổ CTXH ở các BV vẫn có những khó khăn nhất định. CTXH là một nghề mới ở Việt Nam, nhiều người trong cộng đồng chưa hiểu nhiều, nhất là CTXH trong y tế. Ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực cũng là nguyên nhân gây nhiều hạn chế trong việc triển khai các hoạt động CTXH ở BV. Bà Đoàn Thị Thùy Loan - Trưởng phòng CTXH, BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Theo quy định của Bộ Y tế, các phòng, tổ CTXH đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ. Hiện tại, nhân lực của phòng chỉ có 4 người, nên các hoạt động chỉ mới tập trung ở việc hỗ trợ người bệnh về kinh phí, vật chất và tinh thần. Đối với việc thành lập tổ tiếp xúc khách hàng, hỗ trợ khách hàng, phòng chưa thực hiện được do thiếu nhân lực”.


Thạc sĩ Mai Hữu Thọ - Tổ trưởng Tổ CTXH, BV Đa khoa khu vực Cam Ranh chia sẻ, tổ có 7 thành viên nhưng hầu hết đều kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian dành cho công tác này. Do đó, hoạt động vận động từ các nhà hảo tâm chưa được thực hiện thường xuyên để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.  


Bên cạnh đó, phần lớn cán bộ làm CTXH trong các BV chưa được đào tạo chính quy về nghề này. Bác sĩ Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc BV Đa khoa Ninh Diêm cho biết: “Hiện nay, BV muốn đưa nhân viên đi tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ CTXH cũng không biết đưa đến cơ sở nào. Vì thế, Tổ CTXH ở BV chỉ biết dựa vào Thông tư số 43 của Bộ Y tế (ban hành năm 2015), quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH tại BV để hoạt động”.


Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhân viên CTXH là cầu nối giữa cán bộ y tế với người bệnh và người bệnh với bác sĩ. Qua đó, giúp cho công tác khám, chữa bệnh được thuận lợi, nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Ngoài ra, họ còn là cầu nối giữa mạnh thường quân với bệnh nhân nghèo. Với những hoạt động thiết thực trên, thời gian qua, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai các hoạt động CTXH. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả hơn, Bộ Y tế sớm tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ làm công tác CTXH ở các BV.


T.L