12:04, 24/04/2017

Chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động

Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động luôn được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa quan tâm. Nhờ đó, người lao động được làm việc trong môi trường an toàn về tính mạng, bảo đảm về sức khỏe.

 

Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa quan tâm. Nhờ đó, người lao động (NLĐ) được làm việc trong môi trường an toàn về tính mạng, bảo đảm về sức khỏe.


Sản xuất gắn với an toàn


Công ty Cổ phần Đông Á (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) có hơn 330 lao động. Anh Trịnh Văn Nghị, công nhân tổ in cho biết: “Tôi gắn bó với DN đã hơn 20 năm, năm nào công ty cũng trang bị đầy đủ găng tay, quần áo bảo hộ lao động cho công nhân. Công ty còn thường xuyên tổ chức tập huấn quy định về ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Chính vì vậy, tôi rất an tâm khi làm việc ở đây”. Được biết, hàng năm, công ty đều dành hơn 1 tỷ đồng cho công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, công ty đã thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở với 45 người; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Hàng năm, công ty còn trích hàng chục triệu đồng mua bảo hiểm sinh mạng cho công nhân...

 

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang trong ca sản xuất.

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang trong ca sản xuất.


Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) được xem là điểm sáng trong thực hiện công tác ATVSLĐ. Hơn 2.300 công nhân của công ty được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động; khám sức khỏe định kỳ. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc công ty cho biết, hàng năm, công ty đều phối hợp tổ chức đo đạc môi trường lao động để đánh giá mức độ ô nhiễm, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp khắc phục, điều chỉnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân.


Phần lớn NLĐ ở Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa thường làm việc ngoài trời, trên cao, trong điều kiện thời tiết bất thường. Với đặc thù đó, công tác ATVSLĐ luôn được lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm. Trung bình mỗi năm, công ty dành hơn 10 tỷ đồng để đầu tư cho công tác này. Công ty thường xuyên kiểm tra, sát hạch các nội dung quy định về an toàn lao động. Do đó, NLĐ đều nắm rất vững quy trình kỹ thuật an toàn, quy trình xử lý sự cố lưới điện. Định kỳ, công ty tiến hành kiểm tra, kiểm định độ an toàn của các trang thiết bị bảo hộ lao động; thường xuyên kiểm tra đột xuất hiện trường làm việc nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng có nguy cơ gây tai nạn lao động, sự cố về thiết bị. Ngoài ra, hàng năm, công ty còn phát động sâu rộng phong trào thực hiện vệ sinh môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đảm bảo ATVSLĐ…


Ông Nguyễn Đông Giang - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức (huyện Diên Khánh) cho biết, hàng năm, công ty đều chú trọng đầu tư, nâng cấp nhà xưởng sản xuất. Bên cạnh đó, công ty luôn thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về ATVSLĐ.


Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất


Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 6.000 DN hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm cải thiện điều kiện lao động bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, đăng ký sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ. Các chế độ, quyền lợi như: huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp; thực hiện giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... ngày càng được các DN quan tâm hơn.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa thường xuyên làm việc trên cao.
Công nhân Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa thường xuyên làm việc trên cao.

 

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 140 vụ tai nạn lao động, làm 11 người chết, 129 người bị thương. Các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở các DN sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực: cơ khí, điện, xây dựng, môi trường, chế biến thủy sản. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do NLĐ và người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn lao động…

Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay, các ngành chức năng đã mở hơn 60 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 5.000 lượt NLĐ; tổ chức khám, chữa bệnh nghề nghiệp định kỳ cho 20.000 lượt lao động. Các cấp, ngành còn mở nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại các DN khai thác khoáng sản, xây dựng, điện, cơ khí, môi trường, thủy sản… để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các DN chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, chế độ chính sách và môi trường làm việc cho NLĐ. Tại các DN đều thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên để giám sát, kiểm tra các điều kiện an toàn tại nơi sản xuất. Môi trường lao động thường xuyên được cải thiện, làm cho NLĐ an tâm hơn trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ở các DN tư nhân, các cơ sở có vốn đầu tư thấp, do khó khăn về tài chính nên việc đầu tư cho công tác này còn hạn chế, môi trường lao động chưa đảm bảo, nguy cơ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn cao...


Ông Mai Xuân Trí cho biết, để các DN thực hiện tốt những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong đó, chú trọng những DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chế biến thủy sản, cơ khí, khai thác khoáng sản, bởi đây là những lĩnh vực luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Bên cạnh đó, yêu cầu các DN tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ; tự tiến hành kiểm tra tình trạng an toàn, vệ sinh của thiết bị, máy móc, nhà xưởng, việc chấp hành các quy định, quy trình làm việc; rà soát việc giải quyết các chế độ chính sách cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện chương trình hành động cùng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động trong đơn vị…


VĂN GIANG