10:04, 24/04/2017

Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia: Nhiều tiện ích

Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng với tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt hơn 95%. Theo kế hoạch, trong năm nay, Khánh Hòa sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trên toàn tỉnh.

 

Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng với tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt hơn 95%. Theo kế hoạch, trong năm nay, Khánh Hòa sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trên toàn tỉnh.


Cùng với cả nước, qua hơn 30 năm triển khai, chương trình tiêm chủng mở rộng ở Khánh Hòa đã đạt được những thành quả to lớn. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đạt bình quân hơn 95%; một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như: thương hàn, tả, uốn ván sơ sinh, bại liệt đã được loại trừ, giảm dần; tỷ lệ mắc sởi dưới 2 trẻ/100.000 dân; tỷ lệ mắc bạch hầu dưới 0,02/100.000 dân; tỷ lệ mắc ho gà dưới 0,2/100.000 dân... Qua đó, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em và phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2016, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng ở tỉnh đạt từ 97 đến 98%, trong đó có nhiều địa phương đạt hơn 99% như: TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh.

 

Người dân tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Người dân tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, năm 2017, bên cạnh duy trì những kết quả đạt được, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, tháng 6-2017, toàn tỉnh sẽ ứng dụng phần mềm hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại các đơn vị y tế có thực hiện chương trình tiêm chủng. Đây là điểm mới của chương trình tiêm chủng mở rộng ở tỉnh năm nay.


Điểm nổi bật của hệ thống là thông qua mã số ID được cấp, người dân sẽ được theo dõi việc tiêm chủng suốt đời dù tiêm chủng loại vắc xin gì, tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ. Các thông tin về tiêm chủng của trẻ cũng được cung cấp kịp thời tới bà mẹ, gia đình cũng như nhà trường khi các em đi học. Điều này không chỉ giúp cán bộ tiêm chủng nắm được tình hình tiêm chủng của người dân, mà còn giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của mình và người thân, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đạt hiệu quả cao.

 

Từ năm 2016 đến nay, hệ thống đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố với hơn 1.400 đơn vị tham gia nhập dữ liệu và sử dụng hệ thống.

Ngoài ra, hệ thống còn giúp việc báo cáo thống kê kết quả tiêm chủng và quản lý vắc xin nhanh chóng, các tuyến trên có thể xem báo cáo ngay khi tuyến dưới hoàn thành nhập liệu; giúp giảm tải công việc và lượng hồ sơ cần lưu trữ nhờ hệ thống tự động hóa công tác quản lý tiêm chủng, quản lý vắc xin, kết xuất báo cáo; giảm thất thoát lãng phí do tồn/tiêu hủy vắc xin quá hạn. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm còn giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân qua các tiện ích tin nhắn mời tiêm, nhắc lịch tiêm, đăng ký lịch tiêm trực tuyến. Sử dụng hệ thống sẽ giúp cán bộ tiêm chủng có thể thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ từ lập kế hoạch, thực hiện tiêm theo quy trình 4 bước tới kết xuất các báo cáo theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ các cán bộ quản lý theo dõi, đánh giá và ra quyết định dựa trên hệ thống các chỉ số, biểu đồ, bản đồ thể hiện kết quả tiêm chủng.


Bác sĩ Dõng cho biết: “Để hoàn thành theo đúng tiến độ, hiện nay, trung tâm đang yêu cầu các cơ sở y tế triển khai hệ thống khẩn trương rà soát lại nhân lực cũng như các trang thiết bị để trình Sở Y tế. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị phổ biến hướng dẫn triển khai hệ thống cho tất cả lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giữa tháng 4. Trong tháng 5, trung tâm sẽ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sử dụng hệ thống cho tất cả cán bộ y tế ở các tuyến để cùng triển khai thực hiện”.


T.L