12:08, 13/08/2016

Diễn đàn: Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông ở Nha Trang?

LTS: Ngày 4-8, Báo Khánh Hòa có bài viết "Nha Trang: Giải bài toán ùn tắc giao thông" phản ánh nhiều tuyến đường ở thành phố luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe xảy ra thường xuyên và hướng giải quyết của các cơ quan chức năng. Sau khi báo phát hành, Tòa soạn đã nhận khá nhiều ý kiến góp ý thêm về vấn đề này...

LTS: Ngày 4-8, Báo Khánh Hòa có bài viết “Nha Trang: Giải bài toán ùn tắc giao thông” phản ánh nhiều tuyến đường ở thành phố luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe xảy ra thường xuyên và hướng giải quyết của các cơ quan chức năng. Sau khi báo phát hành, Tòa soạn đã nhận khá nhiều ý kiến góp ý thêm về vấn đề này. Do đó, kể từ số báo hôm nay, Tòa soạn sẽ mở diễn đàn để bạn đọc có thể hiến kế, góp ý cho chính quyền và các ngành chức năng nhằm khắc phục tình trạng nạn ùn tắc giao thông ở TP. Nha Trang.


Mọi bài viết, ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ: Báo Khánh Hòa 77 Yersin, Nha Trang hoặc email: toasoan.bkh@gmail.com


Cần sự chia sẻ của người dân


Từ giữa năm 2015 đến nay, tình hình giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang tương đối phức tạp, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra do phương tiện trên địa bàn thành phố tăng nhanh, phương tiện chở khách du lịch đến tham quan đông. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp.


Mặt khác, hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán vẫn còn diễn ra phức tạp, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, mất an toàn giao thông. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh niên xung kích, UBND các phường giải quyết dứt điểm tình trạng này, đặc biệt là tại các đường: Tháp Bà, Cù Huân, Phạm Văn Đồng (đoạn trước chùa Hòn Đỏ) thuộc địa bàn phường Vĩnh Thọ; ngã ba Trần Phú - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Xóm Cồn phường Xương Huân; đường Yersin, Lý Tự Trọng, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Biệt Thự, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quang Khải, đoạn 86 đến 100 Trần Phú…


Trên địa bàn thành phố hiện nay, số lượng xe taxi hoạt động tương đối nhiều, không bến bãi, chủ yếu đậu dưới lòng đường, hoạt động chủ yếu trên tuyến đường Trần Phú. Trong khi đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các tài xế còn hạn chế, chủ yếu quan tâm đến vấn đề lợi nhuận kinh doanh. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho đội ngũ lái xe. Mặt khác, về lâu dài cần có quy định cụ thể phạm vi hoạt động cho đối tượng này. Ví dụ, xe taxi có biển số chẵn thì được lưu thông trên đường Trần Phú vào ngày chẵn và ngược lại…


Cùng với đó, tỉnh, thành phố cần sớm triển khai các dự án đường Nguyễn Thiện Thuật, Tô Hiến Thành nối dài. Bởi, hai tuyến đường này đi song song với đường Trần Phú và kết nối với các trục giao thông chính của sân bay Nha Trang cũ. Khi các tuyến đường này đi vào hoạt động sẽ phân chia mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường Trần Phú hợp lý, giải quyết được ùn tắc giao thông tại khu vực này và trên tuyến đường Trần Phú.


Mới đây, thành phố có đưa ra giải pháp phân luồng giao thông một chiều đối với xe ô tô trên một số tuyến đường như: Trần Quang Khải, Biệt Thự, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi... Nếu giải pháp này được thống nhất triển khai thì chắc chắn sẽ gây ra một số hạn chế cho người tham gia giao thông. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, người dân chia sẻ, ủng hộ thành phố trong thời điểm này. Riêng đối với tuyến đường Trần Phú, sau quá trình thực hiện phân luồng giao thông nếu vẫn còn bị ùn tắc, chúng tôi sẽ kiến nghị cấm ô tô khách trên 30 chỗ ngồi lưu thông đoạn từ cầu Trần Phú đến ngã ba Trần Phú - Hoàng Diệu vào 19 đến 22 giờ hàng ngày.


Trung tá NGUYỄN SĨ HỒNG
(Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang)

 


 

Quản lý chặt xe taxi và xe chở khách 35 chỗ ngồi

 

Muốn giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang, các cơ quan chức năng cần bắt “đúng bệnh”, đó là xác định được nguyên nhân, đối tượng gây ùn tắc.

Dưới cái nhìn của một người tham gia giao thông, tôi thấy có 2 loại phương tiện góp phần lớn trong việc gây ra ùn tắc giao thông trong thời gian qua, đó là xe taxi và xe chở khách trên 35 chỗ ngồi.

Đối với xe taxi, hiện chủ yếu tập trung đông tại các tuyến đường, khu vực trung tâm, các điểm du lịch danh thắng nhưng không có bến bãi, dừng, đỗ tùy tiện dưới lòng, lề đường hoặc đi lòng vòng bắt khách, phóng nhanh, vượt ẩu. Do đó, cần phải có quy định cụ thể, mỗi khu vực chỉ cho một số lượng xe hoạt động nhất định. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tính toán xây dựng bãi đỗ xe tập trung (có thu phí) cho riêng loại hình phương tiện này và bắt buộc các hãng taxi phải đăng ký hoạt động.

 

Xe taxi và xe chở khách trên 35 chỗ ngồi lưu thông trên đường Trần Phú. Ảnh: ĐÌNH QUÂN
Xe taxi và xe chở khách trên 35 chỗ ngồi lưu thông trên đường Trần Phú. Ảnh: ĐÌNH QUÂN



Tại những bãi đỗ xe, cần bố trí một lao động quản lý và việc thu phí các hãng với mức thấp nhất chỉ đủ chi trả công và duy trì hoạt động của bãi đỗ xe. Khi có bãi đỗ, các xe chỉ được chạy trên đường khi có khách hoặc chạy đi đón, trả khách, còn khi không có khách phải về bãi đỗ xe. Như vậy, các hãng taxi khi có khách gọi tới tổng đài cũng dễ dàng điều xe gần nhất. Đồng thời hạn chế được các xe dừng, đỗ, phóng nhanh vượt ẩu tranh dành khách trên đường. Hãng nào không đăng ký sân bãi dừng, đỗ xe kiên quyết không cho hoạt động. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải quyết liệt ra quân xử lý thật nghiêm các xe vi phạm dừng, đỗ hai bên lề đường.

Song song với đó, cơ quan chức năng cũng cần xây dựng bãi đỗ xe tập trung tại các khu vực cửa ngõ thành phố và các khu vực nội thành để các xe trên 35 chỗ đón trả và trung chuyển khách. Khi các xe du lịch chở khách tới tham quan du lịch sẽ vào bãi đỗ xe này và dùng xe nhỏ trung chuyển khách vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều xe “open tour”, xe tour, xe hợp đồng tổ chức đón, trả khách tuyến cố định ngay trong trung tâm thành phố, không những gây ách tắc giao thông mà còn mất an ninh trật tự. Các công ty vận tải và các công ty du lịch chủ quản của các loại xe này thường có văn phòng trong trung tâm thành phố, nhưng rất ít đơn vị có bến bãi và xe trung chuyển trong thành phố. Các cơ quan chức năng cần phối hợp, vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm các đối tượng này, đơn vị vận tải nào không đáp ứng được đủ điều kiện thì kiên quyết không cho hoạt động đón, trả khách trong thành phố.

Tôi nghĩ, nếu giải quyết dứt điểm được hai đối tượng phương tiện này, sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang.



TRỊNH ĐỨC BÌNH (phường Lộc Thọ)

 



Cần phân luồng giao thông hợp lý



Ùn tắc giao thông tại TP. Nha Trang hiện đang ngày càng phức tạp và trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi tham gia giao thông.

Để từng bước giải quyết được vấn đề này, theo tôi, cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, thời gian qua, tốc độ xây dựng các khu chung cư, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… tăng rất nhanh, kéo theo một lượng lớn dân cư tập trung về thành phố. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông còn rất hạn chế, nếu không có biện pháp xử lý ngay, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tuyến đường Trần Phú chủ yếu ùn tắc giao thông từ ngã ba Trần Quang Khải đến hết Khu nghỉ mát Ana Mandara vào giờ cao điểm đầu buổi sáng và cuối buổi chiều. Nguyên nhân là do thiếu bãi dừng đỗ xe dành riêng cho xe taxi, xe khách du lịch đón, trả khách tại các khách sạn. Giải pháp ngắn hạn, cấm tuyệt đối các loại ô tô dừng, đỗ trên đường Trần Phú chiều di chuyển từ ngã ba Trần Quang Khải đến hết Khu nghỉ mát Ana Mandara trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 9 giờ và 16 giờ - 20 giờ. Về lâu dài, xây dựng thêm khu vực dừng, đỗ xe cho ô tô ở khu vực này và đầu tư thêm các tuyến đường song song với đường Trần Phú.

Tại khu vực Mả Vòng đến hết chùa Long Sơn, buổi sáng thường bị ùn tắc giao thông theo hướng từ ngoại thành vào thành phố từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 do lượng xe vào thành phố của người lao động vào nội thành làm việc. Buổi chiều lại ùn tắc theo hướng ngược lại từ 16 giờ - 19 giờ do hai nguyên nhân là lượng người lao động tan tầm và xe du lịch dừng, đỗ cho khách du lịch vãn cảnh chùa Long Sơn làm cản trở các phương tiện khác. Vì vậy, cần cắm biển báo cấm dừng, đỗ đối với xe tải và xe du lịch 30 chỗ ngồi chiều ngoại thành vào nội thành trong khoảng thời gian từ 6 giờ 30 - 8 giờ 30 và chiều ngược lại 16 giờ - 19 giờ. Về lâu dài, cần mở rộng cả hai làn đường để có thêm khu vực dừng đỗ xe bằng cách bỏ đi 1/2 chiều rộng vỉa hè do nhu cầu đi bộ của khu vực không cao. Giải tỏa cây xăng dưới chân chùa Long Sơn để làm bãi đỗ xe phục vụ riêng cho khu vực này. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần thường xuyên túc trực điều tiết giao thông tại các tuyến đường này. Hiện nay, tôi thấy tần suất lực lượng này có mặt trên đường rất ít.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Cao Bá Quát- Cầu Lùng và hệ thống các đường nhánh đưa vào sử dụng.

 

NGUYỄN THÀNH NAM
(đường Bửu Đóa, phường Phước Long)
 



Nên cấm xe trên 30 chỗ lưu thông trên đường Trần Phú giờ cao điểm

 

Việc ùn tắc giao thông thời gian qua trên tuyến đường Trần Phú được xác định là do xe vận tải lớn (xe bê tông), xe khách nhiều chỗ ngồi (từ 30 đến 50 chỗ) lưu thông dày đặc trên đường, nhất là vào giờ cao điểm (từ 6 đến 22 giờ).

 

Các ngã rẽ ra đường Trần Phú và các dải phân cách trống quá nhiều trên tuyến đường này tạo điều kiện cho các loại xe quay đầu, rẽ phải, rẽ trái gây nên tình trạng ùn tắc. Tại khu vực từ 86 Trần Phú đến đường Dã Tượng hiện tượng xe dừng, đỗ đón, trả khách, khách từ khách sạn băng qua đường tùy tiện… tạo sự hỗn loạn cho giao thông. Ngoài ra, tình trạng trám vá, sửa chữa đường, xe cắt cây xanh, xe tưới cây trong giờ cao điểm cũng gây ách tắc giao thông.


Từ những nguyên nhân trên, theo tôi không cho xe trên 30 chỗ ngồi lưu thông trên tuyến đường này trong giờ cao điểm; tạo dải phân cách từ ngã ba Lê Thánh Tôn đến đường Hoàng Diệu để các luồng xe đi một chiều. Ngoài ra, từ ngã ba Sân bay Nha Trang cũ (ngách 86/52 Trần Phú) đến đường Dã Tượng không cho các loại xe dừng, đỗ trong giờ cao điểm. Ở tuyến phía tây đường Trần Phú thiết kế khoảng 3 cầu vượt (hay đèn giao thông đi bộ) dành cho người đi bộ từ khách sạn ra biển. Đồng thời, không thi công, sửa chữa, tưới cây trên tuyến đường này trong giờ cao điểm (chỉ thực hiện các việc trên từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau). Xe máy, xe thô sơ được phép đi thẳng khi đèn đỏ trên tuyến đường Trần Phú hướng từ Bến tàu du lịch Cầu Đá tới UBND tỉnh; không cho các loại xe dừng, đỗ trong giờ cao điểm ở tuyến phía tây đường Trần Phú (hướng từ UBND tỉnh đến Bến tàu du lịch Cầu Đá). Cần bố trí bãi đỗ xe cho các phương tiện tại Bến tàu du lịch Cầu Đá để tránh tình trạng quá tải của xe đưa đón khách tại đây.


Bên cạnh đó, tại ngã tư của các tuyến đường có tín hiệu đèn giao thông rất nhiều phương tiện đi lại, khi tín hiệu đèn đỏ cho phép xe máy, xe thô sơ được phép rẽ phải để tránh ùn tắc.


TRẦN VĂN THỌ
(Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng dân dụng tỉnh)


 


 

Nên mở rộng vòng xoay Trần Phú - Hoàng Diệu


Vòng xoay đường Trần Phú - Hoàng Diệu, TP. Nha Trang có lưu lượng xe cộ qua đây rất lớn, nhưng do vòng xoay nhỏ, đường quanh vòng xoay hẹp nên vào các ngày nghỉ, ngày lễ và giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. Tại đây cũng đã từng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông rất thương tâm.

 

Ảnh chụp tại  vòng xoay đường  Trần Phú - Hoàng Diệu
Ảnh chụp tại vòng xoay đường Trần Phú - Hoàng Diệu


Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất những tai nạn không đáng có và chống kẹt xe, ùn tắc giao thông nơi đây, ngành chức năng cần nghiên cứu, mở rộng vòng xoay về phía vườn hoa và đường vào cổng một không quân cũ.


THANH BÌNH

 


 

Nên đầu tư cầu Xóm Bóng 2


Trong những giải pháp Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đề xuất để giảm ùn tắc giao thông tại khu vực Tháp Bà, tôi ủng hộ việc mở rộng thêm đường Cù Huân và thảm bê tông bãi đỗ xe. Ngoài ra, tôi xin góp ý thêm:


1. Về trước mắt, nên cấm xe trên 9 chỗ theo hướng từ trung tâm, thành phố đã có đường bờ kè từ cầu Hà Ra đến đường Trần Phú rộng 4 làn xe, chúng ta nên phân chiều cho xe khách trên 9 chỗ (trừ xe bus) lưu thông hướng từ trung tâm rẽ vào đường này => cầu Trần Phú và đến bùng binh quay đầu vào đường dọc bờ kè để đến bãi đỗ xe nếu đi tham quan Tháp Bà Ponagar, còn nếu không tham quan thì rẽ vào đường Tôn Thất Tùng để đến đường 2-4.


- Còn đối với xe trên 9 chỗ từ hướng Lương Sơn lưu thông bình thường không được dừng tại Tháp Bà, trường hợp muốn đỗ để vào tham quan xe rẽ vào đường Tôn Thất Tùng và theo lộ trình vào đường dọc bờ kè đến bãi đỗ xe.


- Để làm được như thế, tôi nghĩ thành phố nên thay đổi cấm xe đi ngược chiều theo hướng từ Tháp Bà ra biển để dễ dàng lưu thông.


2. Về lâu dài: sau khi bến tàu sông Cái hoàn thành thì thành phố nên đầu tư cầu Xóm Bóng 2. Theo đó, bên bờ bên kia nên đầu tư làm thêm 1 bãi đỗ xe. Và cầu cũ sẽ dành cho việc đi bộ.


Cầu Xóm Bóng 2 sẽ kết thúc tại đường Tôn Thất Tùng và tạo một nhánh để vào đường bờ kè từ cầu Hà Ra đến đường Trần Phú.


NGUYỄN LÊ HUY CƯỜNG
(Học sinh Trường THCS Âu Cơ, TP. Nha Trang)

 


 

Phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp


Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông ở TP. Nha Trang xuất hiện ngày càng nhiều. Dù cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp song đến nay hiệu quả vẫn chưa cao. Nguyên nhân chính là do các giải pháp đưa ra còn đơn lẻ, chưa đồng bộ và quyết liệt.

 

Các phương tiện lưu thông tại nút giao thông Tháp Bà
Các phương tiện lưu thông tại nút giao thông Tháp Bà

 

Đầu tiên là vấn đề vỉa hè. Hầu như năm nào cũng có những đợt ra quân để dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán. Tuy nhiên, vì lực lượng có hạn nên cơ quan chức năng chỉ tổ chức ở khu vực Chợ Đầm, chợ Xóm Mới, chợ Vĩnh Hải; các tuyến đường lớn như: Trần Phú, Hùng Vương, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai... và trong một thời gian nhất định. Vì vậy, sau những đợt cao điểm, việc lấn chiếm vỉa hè lại tiếp diễn. Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần tiến hành ngay việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; giao nhiệm vụ cho các xã, phường phải thực hiện liên tục; xử lý nghiêm các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cố tình lấn chiếm, biến vỉa hè, lòng đường thành nơi kinh doanh, buôn bán. Ngoài tịch thu phương tiện, đồ dùng phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán, phải áp dụng mức phạt cao để người dân không dám vi phạm.


Vấn đề bắt và xử phạt các cá nhân có hành vi vi phạm luật giao thông cũng chưa thực sự làm quyết liệt. Số lượng cảnh sát giao thông tuần tra trên các tuyến đường nội ô vẫn còn khá ít. Ở những tuyến đường chính như: Trần Phú, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, tình trạng xe ô tô đậu đỗ trái quy định, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vẫn thường xuyên xảy ra. Để giải quyết tình trạng này, đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành ngay mức xử phạt ở khung cao nhất đối với người và phương tiện vi phạm. Thêm vào đó, sẽ giữ xe 30 ngày và nặng hơn là tịch thu xe nếu cố tình gây ra tình trạng tắc đường hoặc vi phạm nhiều lần. Khi sự nghiêm minh của pháp luật được thực thi thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi dần trong ý thức của người tham gia giao thông. Song song đó, cần lắp đặt nhiều hơn nữa các camera theo dõi tại những nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để có thể phản ứng nhanh, khắc phục nhanh khi có ùn tắc…


Một nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông rất dễ xảy ra đó là mật độ dân cư đông ở khu vực trung tâm thành phố. Đơn cử như tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, kể từ khi hàng loạt chung cư đưa vào sử dụng, tuyến đường 23-10 (đoạn từ khu đô thị đến đường Thái Nguyên) luôn trong tình trạng đông nghẹt người, vào giờ cao điểm tình trạng kẹt xe liên tục xảy ra. Vì vậy, bên cạnh việc giãn dân, tỉnh cần hạn chế hoặc ngừng cấp giấy phép xây dựng các nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng trong khu vực nội đô; mở thêm các tuyến đường giao thông thuận tiện nối các khu vực này với trung tâm thành phố. Đây sẽ là một giải pháp mang tính lâu dài nhưng rất cần thực hiện sớm.


Các giải pháp trên không phải là quá mới. Song, nếu chúng ta thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt thì nó sẽ hạn chế một cách hữu hiệu vấn đề ùn tắc giao thông.


HẠ LINH

 


 

Các khách sạn trên đường Trần Phú cần phải mở lối đi ngầm


Hiện nay, một số tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, 23-10, 2-4… Trước kia chạy xe máy từ cầu Dứa đến cầu Bình Tân mất khoảng 10 - 15 phút thì nay mất khoảng 30 phút. Trước chùa Long Sơn thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe do xe khách loại lớn dừng, đỗ và quay đầu. Mới đây, siêu thị Lotte Mart khai trương kết hợp với điểm Mả Vòng thường xuyên chắn tàu khiến khu vực này càng kẹt xe trầm trọng.


Để giải quyết tình trạng kẹt xe, UBND tỉnh đã có chủ trương mở nối dài một số tuyến đường như: Nguyễn Thiện Thuật, Trần Nhật Duật, Tô Hiến Thành. Các tuyến đường từ sân bay Nha Trang cũ được quy hoạch mở rộng nối với các tuyến đường xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay bãi đỗ xe quá ít mà đường Trần Phú đã hết quỹ đất làm bãi đỗ xe. Chính vì vậy, các xe du lịch lớn loại trên 16 chỗ dừng, đỗ tràn lan trước các khách sạn trên đường Trần Phú, khiến tình trạng kẹt xe càng thêm nghiêm trọng. Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, các khách sạn lớn dọc đường Trần Phú cần phải làm được hai việc. Thứ nhất, khi quy hoạch xây dựng cần có độ thối lui khoảng 3m với mục đích để sau này nếu cần để mở rộng đường Trần Phú và lấy nơi cho xe đón, trả khách đậu. Thứ hai, cần quy định các khách sạn khi xây đạt bao nhiều tầng trở lên cần phải làm lối đi ngầm từ khách sạn thông ra công viên bờ biển để giải tỏa áp lực cho đường Trần Phú, tránh tình trạng hiện nay khách đi tắm biển từ khách sạn qua bãi tắm gây kẹt xe và mất an toàn. Hiện nay, dọc đường Trần Phú có duy nhất khách sạn Havana là xây đường hầm đi bộ qua biển. Khi xây dựng khách sạn này, UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hải Vân Nam làm đường hầm nhằm phục vụ khách của khách sạn và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, đường lối đi ngầm này chỉ phục vụ bar dưới tầng hầm chứ không giải quyết việc đi bộ qua bãi tắm như mục đích ban đầu. Theo tôi, cơ quan chức năng của tỉnh cần kiểm tra lại mục đích sử dụng của lối đi ngầm này.


BÙI XUÂN THANH (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang)

 


 

Mở tuyến xe buýt trên đường Trần Phú


Tôi xin đề xuất một số giải pháp để góp phần giảm ùn tắc giao thông trên đường Trần Phú:


1- Nghiêm cấm tất cả các loại xe trên 16 chỗ và taxi lưu thông trên đường Trần Phú. Các xe này có thể dừng đón khách có thời gian trên các trục đường dọc và các đường Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám.


2- Tỉnh nên cho phép nhập xe buýt hai khoang có sức chứa trên 100 khách/xe làm phương tiện chuyên chở khách từ đầu cầu Trần Phú đến Khu du lịch Vinpearl. Trạm dừng xe buýt là các chốt chính dọc theo tuyến này. Du khách phải đi bộ từ các trạm dừng đến nơi cần đến, như kiểu di chuyển trong sân bay…


Có thể thu phí hoặc miễn phí cho khách, nguồn thu hoạt động sẽ lấy từ các khách sạn dọc biển tính theo cơ số phòng.


 3- Giải tỏa triệt để hành lang lề đường để tạo điều kiện cho khách đi bộ trên vỉa hè.


4- Sắp xếp các bãi xe xa trung tâm để tập kết xe lớn các tỉnh về.


Về lâu dài cần phải đầu tư các bãi xe ngầm ở phía đông đường Trần Phú theo hình thức BOT để làm chỗ đậu xe con cho khách vãng lai. Diện tích các bãi xe này không cần phải quá lớn nhưng cần có nhiều điểm rải dọc bờ biển.


  TRẦN ĐĂNG QUANG (TP. Nha Trang)

 



Nên mở rộng đường Trần Phú về phía biển


Với sự phát triển du lịch nóng và quy hoạch thiếu tầm nhìn xa đã khiến đường Trần Phú trở nên chật chội, bức bối. Chính vì thế, theo tôi UBND tỉnh và các ngành chức năng cần nghiên cứu đến việc mở rộng đường Trần Phú về phía dải công viên biển. Đặc biệt là tại khu vực trước Công viên Phù Đổng. Kinh phí mở rộng đường cần được xã hội hóa từ các khách sạn trong khu vực này, vì đây là những đơn vị được hưởng lợi trực tiếp; đồng thời, việc hoạt động của các khách sạn này cũng gián tiếp gây ra ùn tắc giao thông tại đây.


 HÀ VI (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang)
 


 

Kiên quyết không cấp phép cho các dự án không có bãi đỗ xe
 

Hiện nay, các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê... chưa quan tâm nhiều đến việc bố trí bãi đậu xe cho khách mà chủ yếu chiếm dụng lòng, lề đường để xe, gây cản trở giao thông. Do đó, các cơ quan chức năng khi thẩm định dự án để cấp phép xây dựng, kiên quyết không cấp phép cho các công trình, dự án không có bãi đỗ xe.
 


Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng các phương tiện xe taxi, xe ô tô điện hoạt động trên các tuyến đường quá đông; nhất là trên tuyến đường Trần Phú. Đề nghị không tiếp tục phát triển thêm các loại hình phương tiện này. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên tuần tra kiểm soát, điều tiết giao thông trên các tuyến đường.


Tại ngã ba đường Hoàng Diệu - Nguyễn Thị Định -  Nguyễn Đức Cảnh, tín hiệu đèn giao thông không hợp lý dẫn đến xung đột giao thông cục bộ tại đây. Cụ thể, khi đèn xanh bật ở luồng Hoàng Diệu - Nguyễn Thị Định thì phương tiện rẽ trái từ đường Hoàng Diệu sang Nguyễn Đức Cảnh. Đây là hướng đi sân bay Cam Ranh nên lưu lượng xe ô tô đông, cản trở xe đi từ hướng Nguyễn Thị Định sang Hoàng Diệu. Theo tôi, nên chuyển hệ thống đèn giao thông trong khu vực sang tín hiệu đèn vàng nhấp nháy báo hiệu giảm tốc độ để chuyển hướng di chuyển. Về lâu dài, nên điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông luân phiên tại đây theo từng đường. Trong đó thời gian tín hiệu đèn phù hợp kiến nghị đèn xanh: 25 giây, đèn đỏ: 50 giây...


HỮU THẮNG
(đường Nguyễn Thị Định, phường Phước Long, TP. Nha Trang)

 


 

Nên cấm quay đầu xe tại một số điểm nóng
 

Thường xuyên qua lại trên tuyến đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, tôi nhận thấy, hiện tượng ùn tắc không phải xảy ra trên toàn tuyến mà chủ yếu xuất hiện ở một số điểm, vào một vài thời điểm trong ngày. Ví dụ như: đoạn giao cắt Trần Phú - Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú - Biệt Thự, Trần Phú - Trần Quang Khải… thường xảy ra tắc đường vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều. Bên cạnh những nguyên nhân đã được đề cập trên diễn đàn, còn có lý do vào những thời điểm trên, ở các khu vực này, mật độ giao thông khá cao, xe từ đường Trần Phú rẽ vào, xe từ các đường nhánh đi ra. Đặc biệt, thường xuất hiện những xe chở khách du lịch cỡ lớn đón trả khách trên đường ven biển và rẽ vào một số tuyến đường tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Cả dòng xe đang chạy đều, nhưng chỉ cần một chiếc ô tô khoảng 40 - 50 chỗ rẽ vào đường nhánh hoặc quay đầu là choán chắn toàn bộ tuyến đường biển trong vài phút. Nếu chiếc xe này phải dừng lâu hơn để nhường đường vài xe ngược chiều… là lập tức hiện tượng tắc đường xảy ra.
 


Đến một số thành phố khác, tôi thấy những nơi này có giải pháp đặt biển cấm quay đầu xe ở một số điểm. Thiết nghĩ, Khánh Hòa cũng có thể áp dụng giải pháp cấm quay đầu xe ở một số điểm nóng nói trên đối với những ô tô loại lớn, cồng kềnh, góp phần phân phối bớt lưu lượng xe tham gia giao thông tại điểm nóng, qua đó giải tỏa ùn tắc cục bộ.


NGUYỄN VŨ (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang)  


 


 

Nên có sự phân luồng hợp lý


Tôi đã từng đến các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hải Phòng... và khá bất ngờ bởi vì khu vực trung tâm của các thành phố này khá thông thoáng, giao thông không lộn xộn vì  lý do sau:


Các thành phố này có sự phân làn đường. Khi đến chỗ giao nhau thì các làn đều có hướng mũi tên để xe đi theo từng làn cho đúng hướng đi của mình. Tại TP. Nha Trang hầu như chưa có ngã giao nào phân làn hướng đi cho xe chạy. Thói quen xe lớn cứ chạy bên trái, xe mô tô, gắn máy chạy phần bên phải vô tình tạo ra sự khó khăn. Khi xe khách muốn rẽ phải thì vướng xe máy thì làm sao xe rẽ được? Đây là một điều quan trọng khiến cho một số điểm trên đường Trần Phú hay khu vực Mả Vòng thường xuyên kẹt cứng. Các phương tiện tại khu vực Mả Vòng đi không một trật tự nào nên dễ xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, việc không chú trọng phân làn cũng khiến các xe dễ vi phạm luật giao thông. Tôi xin được kiến nghị một số điểm cần phân làn đường theo từng hướng đi như sau: khu vực Mả Vòng; vòng xoay Nguyễn Tất Thành - Lê Hồng Phong; ngã ba Nguyễn Tất Thành - Phước Long; tại các điểm quay đầu trên đường 2-4 và 23-10.


Ngoài ra, thành phố nên có sự phân luồng hợp lý. Hiện tại, Nha Trang chưa chú ý tốt điều này. Tôi không ủng hộ việc cấm xe theo giờ vì thế sẽ gây rối rắm cho lái xe và dễ vi phạm luật. Tôi kiến nghị phân luồng như sau:


1. Đường Trần Phú: cấm các loại phương tiện trên 9 chỗ lưu thông theo chiều từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Trần Quang Khải; chiều từ đường Biệt Thự đến đường Lê Thánh Tôn; chiều từ đường vào sân bay Nha Trang cũ đến vòng xoay Hoàng Diệu (các xe này sẽ lưu thông qua đường băng sân bay cũ mà thành phố đã đề xuất).


2. Đường Trần Phú đoạn từ cầu Trần Phú đến vòng xoay Hoàng Diệu: nghiêm cấm các phương tiện trên 9 chỗ dừng, đỗ, các xe con và xe taxi chỉ được dừng xe không được đỗ xe trên đường.


3. Xe taxi chỉ được lưu thông theo biển chẵn lẻ theo giờ.


4. Đề xuất đóng dải phân cách tại các điểm như sau: ngã 3 Trần Phú - đường vào sân bay cũ, ngã 3 Trần Phú - Tuệ Tĩnh, ngã 3 Trần Phú - Trần Quang Khải, vẫn mở dải phân cách tại ngã 3 giao với đường Biệt Thự.


5. Đường Hùng Vương, chỉ cho toàn bộ phương tiện lưu thông 1 chiều theo hướng từ Trần Quang Khải về Lê Thánh Tôn. Cho phép xe dừng, đỗ tại phần bên phải của chiều đi.


 6. Đường Nguyễn Thiện Thuật: chỉ cho phép toàn bộ phương tiện lưu thông 1 chiều theo hướng ngược lại với đường Hùng Vương. Cho phép xe dừng, đỗ tại phần bên phải đường.


Tại đường Lê Thánh Tôn giao với Nguyễn Thiện Thuật cần bổ sung hệ thống dải phân cách mềm đóng lại điểm giao này.


7. Đường Nguyễn Thị Minh Khai: ô tô chỉ được lưu thông 1 chiều theo hướng từ Trần Phú - Hùng Vương. Các loại xe con sẽ được dừng, đỗ tại phần bên trái đường.


8. Đường Trần Quang Khải và Tuệ Tĩnh chỉ được lưu thông 1 chiều theo hướng ra biển, xe được dừng, đỗ tại phía bên phải đường.


9. Phá bỏ một phần công viên tại vòng xoay Hoàng Diệu để các xe lớn dễ quay đầu.


10. Lắp dải phân cách mềm trên đường Lê Thánh Tôn và Thái Nguyên (ngã 3 với đường Nguyễn Thiện Thuật đóng dải phân cách lại).


. Hướng dẫn các xe trên 9 chỗ đi hướng từ cầu Trần Phú sẽ lưu thông theo hướng sau: Trần Phú => Lê Thánh Tôn => công viên ngã 7 => Nguyễn Thiện Thuật => Trần Quang Khải => Trần Phú => đường vào sân bay Nha Trang cũ =>  vòng xoay Hoàng Diệu.


. Các xe trên 9 chỗ đi từ Vinpearl đi hướng Trần Phú rẽ phải vào Biệt Thự (ở đây chiều bên kia đã bị cấm xe 9 chỗ và taxi theo ngày nên hạn chế được ùn tắc tại điểm này) => Hùng Vương => Lê Thánh Tôn => Trần Phú.


Tôi hy vọng thành phố giải quyết triệt để nạn ùn tắc giao thông chứ không phải những sáng kiến chỉ giải quyết tạm thời.


Nguyễn Trần Huy (TP. Nha Trang)
 

 


 

Các tòa nhà cao tầng phải có bãi để xe

 

Liên quan đến tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông tại TP. Nha Trang, tôi cho rằng tình trạng ùn tắc do mật độ xe tham gia giao thông và dừng đỗ chiếm nhiều không gian. Nha Trang hiện có rất nhiều tòa nhà cao tầng với số căn hộ, khu mua sắm, số phòng khách sạn rất lớn, kéo theo lượng xe ô tô, xe máy dừng đỗ rất nhiều. Phần lớn lượng xe ô tô này đều dừng trên đường, ví dụ tại Nha Trang Center, khách sạn Mường Thanh, Havana...


Từ kinh nghiệm các nước, ví dụ như tại Thái Lan, muốn xây dựng cao ốc 20 tầng thì ít nhất phải có 4 - 5 tầng để làm bãi đậu xe. Tôi đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng sớm có quy định đối với các công trình xây dựng tại Nha Trang trong tương lai phải có bãi đậu xe riêng theo quy chuẩn 1 tầng làm bãi đậu xe cho 5 - 6 tầng xây dựng. Ngoài ra, đối với các khách sạn trên 200 phòng phải có hệ thống đường nội bộ ra vào hai chiều đón và trả khách (có thể tại tầng hầm hoặc các tầng được bố trí làm bãi đậu xe), tuyệt đối không cho đậu xe đón khách ngoài đường.


BÙI MINH THẮNG  (TP. Nha Trang)


 


 

Nên xem lại việc tắt tín hiệu đèn giao thông vào dịp lễ, Tết


Thời gian qua, cứ mỗi dịp lễ, Tết trên một số ngã tư  ở TP. Nha Trang như: Lê Thánh Tôn - Hùng Vương; Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Nguyễn Thiện Thuật… thường tắt tín hiệu đèn giao thông màu đỏ, màu xanh, chỉ để tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy. Được biết, đây là giải pháp giảm ùn tắc giao thông của lực lượng chức năng thành phố thường áp dụng. Trong khi đó, đây là thời điểm lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông. Khi tắt tín hiệu đèn, người tham gia giao thông mạnh ai nấy đi, khiến tình hình giao thông rất lộn xộn. Khổ nhất là những người bộ hành, do các phương tiện không dừng lại nhường đường nên để băng qua được các ngã ba, ngã tư rất khó khăn và nguy hiểm.


Theo tôi, việc tắt tín hiệu đèn giao thông thật sự có hiệu quả khi lực lượng cảnh sát giao thông có mặt thường xuyên để điều tiết giao thông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đến công tác tổ chức giao thông. Hiện nay, trên một số tuyến đường, khu vực do lề đường đã bị các phương tiện khác chiếm dụng, xe buýt phải dừng đón, trả khách ngay giữa đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ùn tắc, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.


LINH NHI
(Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang)


 


 

Cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài


Theo tôi, việc quy hoạch bờ biển, đặc biệt các đường trục bắc nam tuyến Trần Phú như: Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Hưng Đạo, Pasteur, Hoàng Hoa Thám… còn manh mún, mật độ xây dựng dày, không có vỉa hè hoặc bị lấn chiếm vỉa hè, quy hoạch sau phủ định quy hoạch trước, không nằm trong một tổng thể quy hoạch thống nhất bảo đảm cho sự phát triển chung, lâu dài của thành phố... khiến tình hình ùn tắc giao thông ngày càng nặng nề. Để thực hiện giảm ùn tắc nên có những giải pháp đồng bộ, lâu dài và đảm bảo tính kế thừa, xin đề nghị như sau:


1. Mở đường:


- Mở rộng đường Trần Phú về phía biển (trước mắt là từ cầu Trần Phú đến cảng Nha Trang), bỏ dãi phân cách ở giữa như hiện nay để lấy đất mở rộng đường, sao cho mỗi bên phải được 3 làn xe, ở giữa chỉ nên làm giải phân cách động, nhẹ, thẩm mỹ (để có thể phân luồng, chuyển thành đường 1 chiều khi cần thiết); tăng cường mật độ cây xanh phía bờ biển; giải tỏa tất cả các công trình xây dựng trên mặt đất ở phía đông đường Trần Phú; trên bãi biển nên bố trí hai khu vực đỗ xe (nổi hoặc hầm), cấm các loại xe taxi đỗ trên đường Trần Phú như hiện nay. Mở rộng đường Nguyễn Thiện Thuật hoặc Hùng Vương mỗi bên có 2 làn xe, nối 2 đường này với đường Hoàng Diệu. Quy định các khách sạn phải bố trí nơi đỗ xe khi xây dựng. Đối với đường 23-10, trước mắt chỉ cần xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường và mở rộng ngã ba Mả Vòng.


Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư, mở rộng các con đường song song đường Trần Phú, phía bắc trục đường Lê Thánh Tôn. Mở rộng đường Trần Quý Cáp để xe phía bắc ra vào thành phố, nhưng nếu mở rộng và kéo dài Hương lộ 45 thì hợp lý hơn (giảm ùn tắc Mả Vòng).


2. Phân luồng giao thông:


Vì là thành phố du lịch, không nên phân luồng đường một chiều rất trở ngại cho khách du lịch đi lại, mua sắm. Đối với đường Trần Phú, các loại xe tải và tương đương từ 2,5 tấn trở lên chỉ được lưu thông từ 11 giờ đến 13 giờ trong ngày, các loại xe chở khách từ 16 chỗ trở lên chỉ được lưu thông một chiều từ phía nam ra phía bắc, cấm các loại xe trên đỗ xe, dừng xe phía tây đường Trần Phú; các xe đi vào thành phố từ phía bắc, phía tây sẽ đi vào đường Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương hoặc Lê Hồng Phong đến vòng xoay Hoàng Diệu.


PHẠM THUYẾT (TP. Nha Trang)