09:07, 05/07/2016

Những phản hồi tích cực

Tại Khánh Hòa, ở cụm ĐH, năm nay chỉ có hơn 8.600 TS, giảm 12.400 TS so với năm 2015. Do không có TS và phụ huynh đến từ tỉnh Phú Yên như năm ngoái nên cảnh tượng vất vả "lều chõng" đi thi

Giảm áp lực 
 
Năm 2016 là năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: dùng kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Tuy nhiên, khác với năm trước, năm nay, mỗi tỉnh đều tổ chức các cụm thi riêng, tạo thuận lợi cho thí sinh (TS) vì không phải di chuyển quá xa, giảm tốn kém và tạo cho các em tâm lý thoải mái. 
 
Các thí sinh thi tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Các thí sinh thi tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Tại Khánh Hòa, ở cụm ĐH, năm nay chỉ có hơn 8.600 TS, giảm 12.400 TS so với năm 2015. Do không có TS và phụ huynh đến từ tỉnh Phú Yên như năm ngoái nên cảnh tượng vất vả “lều chõng” đi thi, tìm kiếm nhà trọ và mối lo tắc nghẽn giao thông… cũng giảm bớt. Ở cụm tỉnh, theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, việc tiếp tục bố trí các điểm thi theo tuyến huyện (TS ở địa bàn huyện, thị xã, thành phố nào thi tại địa bàn đó) được đánh giá là hợp lý, tạo thuận lợi cho việc dự thi của TS. 
 
Trao đổi với chúng tôi tại điểm thi Trường ĐH Nha Trang, ông Phạm Văn Tiến (thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Cách đây vài năm, tôi từng khăn gói vào tận TP. Hồ Chí Minh để đưa con gái lớn đi thi ĐH, lo lắng đủ thứ, từ tàu xe, nhà trọ đến sinh hoạt, ăn uống… Năm nay, TS tỉnh nào thi ở tỉnh đó, con gái út của tôi được thi gần nhà nên mọi việc rất nhẹ nhàng và thuận tiện. Tôi mong những năm sau nên tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của hình thức thi này”. 
 
Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi, mọi công tác chuẩn bị đều được các đơn vị triển khai chu đáo. Trường ĐH Nha Trang và Sở GD-ĐT đã phối hợp với các ngành: công an, y tế, giao thông, điện lực... và các địa phương thực hiện tốt công tác bảo mật đề thi, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhờ vậy, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra trong suốt quá trình thi. Bên cạnh đó, chương trình “Tiếp sức mùa thi” với sự tham gia tích cực của các lực lượng tình nguyện viên, cộng đồng xã hội đã cung cấp gần 3.000 chỗ trọ miễn phí, giá rẻ, hàng ngàn bản đồ chỉ dẫn địa điểm thi, cung cấp nước uống và hàng ngàn suất cơm trưa miễn phí… cho TS và người nhà. Ông Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang nhận định: “Kỳ thi đã kết thúc thành công, đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế của Bộ GD-ĐT”. 
 
Đề thi “mở”
 
Trong 4 ngày thi (từ ngày 1 đến 4-7), tỷ lệ TS dự thi ở cả 2 cụm thi rất cao, chiếm từ 96 đến 99% số TS đăng ký. Có 6 TS bị đình chỉ thi, trong đó có 5 TS mang điện thoại vào phòng thi, 1 TS sử dụng tài liệu. 
Tiếp nối hướng ra đề năm trước, năm nay, đề thi 8 môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 được đánh giá là có tính phân loại cao theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để phù hợp với tính chất của kỳ thi “2 trong 1”. Cấu trúc đề thi được cân đối khoảng 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao, đáp ứng được mục đích của kỳ thi là dùng kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. 
 
Theo đánh giá của các giáo viên và TS, đề thi bám sát chương trình học, đồng thời được đổi mới theo hướng yêu cầu TS phải biết tư duy tổng hợp, khái quát vấn đề, liên hệ thực tiễn đời sống xã hội. Chẳng hạn, ở môn Ngữ văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu bàn luận một quan điểm về “sự hèn nhát”; môn Địa lý đề cập vấn đề thời sự là tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; môn Lịch sử không nặng về ghi nhớ máy móc mà đưa ra dữ liệu, thông tin để TS phân tích, bày tỏ quan điểm… Đa số ý kiến nhận định, điểm 9, 10 ở các môn này sẽ không nhiều. 
 
Được biết, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng (ngày 4-7), tất cả các bài thi của TS ở cụm tỉnh đã được tập trung và từ ngày 5-7 tổ chức chấm tại Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang). Ở cụm ĐH, Trường ĐH Nha Trang sẽ tổ chức chấm thi kể từ ngày 7-7. Ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn cũng như công bằng, minh bạch trong công tác chấm thi. Đồng thời, thực hiện xét duyệt kết quả thi nhanh chóng, chính xác và sớm gửi kết quả thi cho TS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đúng thời gian quy định của Bộ GD-ĐT.
 

Đại diện các cụm thi cho biết, công tác chấm thi sẽ hoàn thành trước ngày 20-7; xét công nhận tốt nghiệp hoàn thành trước ngày 25-7; in và trả giấy chứng nhận kết quả thi cho TS trước ngày 30-7. Từ ngày 1-8, TS bắt đầu đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. 


 
H.NGÂN