11:03, 07/03/2016

Nhiều chuyển biến trong công tác bình đẳng giới

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, trao đổi về tình hình triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho biết:

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, trao đổi về tình hình triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) trên địa bàn tỉnh, ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho biết:


- Những năm qua, công tác BĐG trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, sâu rộng, đạt nhiều kết quả thiết thực, làm giảm dần khoảng cách về giới trên các lĩnh vực. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành đã có nhiều chính sách cụ thể về lĩnh vực này. Nhờ đó, vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 28,6% (2/7 người); nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 20,8% (11/53 người), cấp huyện đạt 18,75% (57/304 người), cấp xã đạt 23,85% (852/3.573 người). Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, nữ tham gia các cấp ủy cấp tỉnh đạt 3,8% (2/52 người); cấp huyện đạt 13,11% (59/450 người); cấp ủy cơ sở đạt 21,4% (643/3.000 người); có 17/60 cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

 


Bên cạnh đó, tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt 99,2% (23.177/23.358 người); tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 30,3% (635/2.096 thạc sĩ) và nữ tiến sĩ đạt 14,6% (56/383 tiến sĩ). Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt cán bộ nữ; cán bộ nữ tham gia học tập chính trị và chuyên môn ngày càng có xu hướng tăng. Nhiều hoạt động làm giảm khoảng cách giới đã được thực hiện thông qua việc tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ra đời, tạo việc làm, tăng thu nhập. Hàng năm, từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hàng ngàn người đã được vay vốn tạo việc làm, trong đó nữ chiếm hơn 50%. Các ngành chức năng cũng phối hợp đào tạo nghề cho hơn 24.000 người, trong đó nữ chiếm 45%. Tổng số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm đạt hơn 26.000 người, trong đó lao động nữ đạt hơn 45%.


Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng được nâng cao, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của phụ nữ, nam giới và trẻ em. Các trạm y tế tuyến xã và bệnh viện tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp, xây mới, tạo điều kiện cho người dân, trong đó nữ giới được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cách tiếp nhận của người dân cũng dễ dàng và hiệu quả hơn; các vụ bạo lực gia đình giảm…


- Hiện nay, công tác BĐG có những khó khăn gì, thưa ông?


- Tuy đạt được nhiều kết quả thiết thực song công tác BĐG hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: trình độ và năng lực của một bộ phận lao động nữ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới đất nước. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ nên đội ngũ cán bộ nữ kế cận còn thiếu và yếu. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp; chưa có chính sách cụ thể khuyến khích nữ phát triển năng lực trên các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về BĐG còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm và chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về BĐG để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Kinh phí dành cho công tác BĐG vẫn còn hạn chế, không đáp ứng việc triển khai hoạt động BĐG…


- Để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian tới, các cấp, ngành sẽ tập trung những vấn đề gì, thưa ông?


- Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về BĐG; xây dựng những giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng cán bộ nữ; tăng cường tham mưu, đôn đốc, kiểm tra công tác BĐG tại các địa phương, sở, ban, ngành; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho hoạt động BĐG ở địa phương; bố trí thêm cán bộ chuyên trách về công tác BĐG các cấp để đủ sức đảm đương hoạt động BĐG.


Bên cạnh đó, Trung ương cần thống nhất trong việc quy định tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy; thống nhất việc bố trí vị trí việc làm để thực hiện công tác BĐG; có chính sách ưu tiên trong việc quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương triển khai thực hiện…


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)