11:02, 03/02/2016

Hoa đào lên núi

Tết của người Raglai bây giờ không chỉ có men say của rượu cần chếnh choáng hòa vào âm vang trầm hùng của đàn đá, mã la, mà còn được điểm tô thêm sắc thắm của những cành đào Nhật Tân được du nhập vào từ miền Bắc…

Tết của người Raglai bây giờ không chỉ có men say của rượu cần chếnh choáng hòa vào âm vang trầm hùng của đàn đá, mã la, mà còn được điểm tô thêm sắc thắm của những cành đào Nhật Tân được du nhập vào từ miền Bắc…



Quê ở Ninh Bình, vào Khánh Sơn công tác được 10 năm, thì có đến 9 năm tôi ở lại đón Tết cùng đồng bào Raglai. Có lẽ vì thế mà dường như nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Dẫu vậy, nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy nhớ quê da diết, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về. Những lúc như vậy, tôi thường cùng “người bạn đường” rong ruổi trên khắp các nẻo đường miền sơn cước.

 

Ông Hùng đang giới thiệu về hoa đào
Ông Hùng đang giới thiệu về hoa đào

 


Chiều cuối năm, đang miên man trong nỗi nhớ quê nhà, bỗng dưng bắt gặp sắc hồng thắm, đài các của cành đào Nhật Tân đang rung rinh trước làn gió núi, khiến tôi có cảm giác hương sắc mùa xuân miền Bắc đang ùa về trước mắt. Giữa muôn ngàn lá hoa, cây cỏ đua chen hương sắc giữa vùng núi thẳm rừng xa của xứ Trầm Hương lại có vườn đào Nhật Tân đang đua nhau khoe sắc. Những gốc đào đang vươn mình mạnh mẽ ngay giữa núi rừng Khánh Sơn, điểm tô cho sắc xuân thêm phong phú, đa dạng. Lòng tôi chợt thấy vui như gặp lại hình ảnh quê nhà.


Chủ nhân của vườn đào là ông Võ Duy Hùng (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc). Ông Hùng cho biết, ông vốn là người miền Nam, cách đây hơn 20 năm, ông đi bộ đội ở Bắc Giang, mê hoa đào miền Bắc nên khi xuất ngũ, ông đã mang đào về trồng ở Khánh Sơn. Sau 22 năm, từ một vài gốc đào đầu tiên, nay vườn đào nhà ông đã phát triển lên gần 40 gốc. Ông Hùng cũng là người duy nhất ở Khánh Sơn ươm thành công giống đào Nhật Tân. Sau nhiều năm tự tìm tòi, rút kinh nghiệm, ông đã tìm ra kỹ thuật điều chỉnh cho cây đào phát triển, nở hoa theo ý muốn, đúng thời điểm mà không phải phụ thuộc vào thời tiết. Ông cũng đã ghép thành công giống đào bích và đào phai. “Để làm được điều này, tôi đã phải bỏ ra 5 - 7 năm tự nghiên cứu, tìm tòi. Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng tôi cũng đã thành công. Thời tiết năm nay nắng nhiều, nên tôi đang áp dụng kỹ thuật hãm hoa để hoa nở đúng vào dịp Tết”, ông Hùng chia sẻ.


Ông Hùng cũng cho biết, hiện tại, khách hàng đã liên hệ đặt mua và thuê khoảng 10 gốc đào, với giá 1,5 - 4 triệu đồng/gốc. Tuy nhiên, khoảng 25 tháng Chạp trở đi thì mới nhiều người mua hoặc thuê đào trưng bày ngày Tết. Trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi vài chục triệu đồng nhờ cây đào. Bên cạnh những gốc đào đã cho hoa, hiện nay, ông đã ươm thêm được hơn 100 cây giống và dự định năm tới sẽ trồng thêm khoảng 3 sào nữa.  

 
Cuộc sống ngày càng được cải thiện, sự giao lưu, giao thoa, tiếp nhận nền văn hóa các vùng miền, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã góp phần thúc đẩy sự phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Raglai nói riêng. Vì thế, những năm gần đây, Tết của người Raglai không chỉ có canh bồi, thịt heo gác bếp và rượu cần truyền thống, mà còn có cả bánh tét, kẹo, mứt Tết, hoa mai, hoa cúc và được điểm tô thêm sắc thắm của hoa đào miền Bắc, khiến hương sắc xuân nơi núi rừng của xứ Trầm Hương càng thêm lung linh sắc màu.


Đinh Luận