11:11, 08/11/2013

Đề cao tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học

Với chủ trương ưu tiên đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao, những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thông tin liên lạc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng…

Với chủ trương ưu tiên đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao, những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của Trường Đại học Thông tin liên lạc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng…


Đại tá Nguyễn Hoàng Tuyến, Hiệu trưởng Trường Đại học Thông tin liên lạc cho biết, trường luôn đặc biệt coi trọng các hoạt động NCKH, với chủ trương ưu tiên những đề tài có tính ứng dụng. Từ đó, tạo ra bước phát triển toàn diện, bám sát yêu cầu nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và giải quyết những vấn đề thực tiễn các đơn vị đặt ra.


Nhiều đề tài ứng dụng thực tiễn


Năm học 2012-2013 là năm đầu nhà trường thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả NCKH. Công tác tổ chức, phương pháp NCKH có bước chuyển biến quan trọng theo hướng tăng cường hiệu quả triển khai ứng dụng thực tiễn. Các đề tài NCKH trong học viên được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, nhà trường đã chú trọng các hướng nghiên cứu thực nghiệm sư phạm, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng tự học của học viên. Một số đề tài tiêu biểu ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao như: Nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, điều hành công tác đào tạo của nhà trường; vận dụng phương pháp bản đồ tư duy trong dạy học môn học Tổ chức Thông tin; lớp học ảo (hệ thống hỗ trợ giảng dạy trực tuyến); bồi dưỡng ý thức pháp luật cho học viên các trường sĩ quan binh chủng quân đội hiện nay; mô phỏng 3D điện đài PRC-1187 (thiết bị vô tuyến điện)…

 

Sản phẩm Robocon Techshow có thể phát triển ứng dụng nhiều lĩnh vực trong thực tiễn.
Sản phẩm Robocon Techshow có thể phát triển ứng dụng nhiều lĩnh vực trong thực tiễn.

Chỉ tính riêng năm học 2012 - 2013, nhà trường đã thực hiện 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; hoàn thành nghiệm thu 1 đề tài, 2 sáng kiến cấp ngành, 4 đề tài cấp binh chủng, 14 đề tài cấp trường. Bên cạnh đó, nhà trường đã thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh về các hoạt động NCKH, đào tạo, chuyển giao công nghệ.., bước đầu nghiên cứu, chế thử thành công một số sản phẩm có giá trị sử dụng trong thực tế như: Hoàn thành 1 tổng đài kỹ thuật số; 2 sản phẩm Robocon Techshow (Yết Kiêu) hoạt động dưới nước kết hợp tự hành với điều khiển từ xa không dây. Sản phẩm có thể sử dụng làm nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu; phát triển ứng dụng để dò tìm bãi mìn, thủy lôi và kích nổ chúng. Ngoài ra, cũng có thể phát triển sản phẩm để phục vụ phát triển kinh tế biển, khảo sát, thám hiểm dưới nước.


Ngoài việc tổ chức biên soạn, in ấn giáo trình tài liệu dạng ấn phẩm, nhà trường đã triển khai xây dựng thành công các giáo trình điện tử, góp phần quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy - học. Trong năm, nhà trường đã hoàn thành biên soạn 1 tài liệu do Binh chủng giao; 12 giáo trình dạy học theo hợp đồng với Cục Nhà trường (trong đó có 2 giáo trình điện tử) và 10 giáo trình, tập bài giảng cấp trường (có 5 giáo trình điện tử).


Hướng đi mới

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin đuwọc nhà trường duy trì và phát triển. Đến nay, tất cả các giảng đường đều được trang bị đồng bộ máy chiếu, máy tính nối mạng. 100% các cấp từ ban, bộ môn, đại đội trở lên được trang bị máy tính để làm việc. Mạng Internet phát triển đến tất cả các đầu mối từ cấp trung đội trưởng, các phòng học, thư viện Hồ Chí Minh…, số điểm truy cập có từ 30 đến 400 điểm trải rộng trong toàn trường.

Thượng tá Nguyễn Xuân Đường, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường (Trường Đại học Thông tin liên lạc) cho biết, để nâng cao chất lượng hiệu quả và phát triển NCKH, nhà trường tập trung nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, sự phát triển khoa học công nghệ hiện nay, cũng như yêu cầu thực tiễn, từ đó xác định lộ trình và hướng đi mới mang tính đột phá cho công tác NCKH. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo cơ sở vững chắc để công tác NCKH tiếp tục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu...


Trước hết, nhà trường phát huy vai trò tích cực, chủ động của đơn vị chủ quản và chủ nhiệm các đề tài; hoạt động NCKH theo nhóm; đánh giá kết quả theo những tiêu chí cụ thể, ưu tiên tiêu chí hiệu quả ứng dụng. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu làm chủ công nghệ và quy trình khai thác trang bị thông tin thế hệ mới của binh chủng; thiết kế chế thử một số sản phẩm điện tử viễn thông, công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu quân đội và đời sống dân sinh. Đồng thời, tập trung nghiên cứu các thiết bị phục vụ dạy học, mô phỏng 3D các trang bị khí tài mới của các đơn vị thông tin trong toàn quân mà nhà trường chưa được trang bị, mô phỏng chiến trường ảo để huấn luyện về tổ chức thông tin liên lạc và phòng, chống tác chiến điện tử; triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến và các phần mềm quản lý điều hành công tác giáo dục - đào tạo. Ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, khuyến khích học viên tham gia cuộc thi Robocon.


Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng nghiên cứu cải tiến, chế tạo các các mạch điện tử trong các thiết bị viễn thông quân sự, tiến tới chế tạo các thiết bị quân sự phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật và tổ chức thông tin liên lạc cho các nhiệm vụ đặc biệt (vệ tinh, tàu ngầm...)... Ngoài ra, nhà trường tăng cường xây dựng, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ NCKH bao gồm các phòng thí nghiệm, hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin khoa học và thư viện khoa học; đẩy mạnh đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trực thuộc nhà trường hoạt động theo cơ chế tự chủ, làm hạt nhân thúc đẩy phong trào NCKH trong toàn trường.


THÀNH NAM