07:09, 23/09/2013

Người thầy đam mê sáng tạo

Tâm huyết với nghề, đam mê sáng tạo, luôn được nhà trường hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần là động lực thúc đẩy thầy giáo Trần Văn Chiến - Trưởng bộ môn Điện lạnh Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề hữu ích.

Tâm huyết với nghề, đam mê sáng tạo, luôn được nhà trường hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần là động lực thúc đẩy thầy giáo Trần Văn Chiến - Trưởng bộ môn Điện lạnh Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề hữu ích.


Đam mê sáng tạo


Năm 2004, thầy Trần Văn Chiến được tuyển dụng vào Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang. Tiếp nhận bộ môn Điện lạnh (Khoa Điện - Điện tử), thầy Chiến có điều kiện nắm bắt và thấu hiểu được việc học nghề của học sinh, sinh viên, học lý thuyết phải gắn với thực hành trên thiết bị. Thầy Chiến trăn trở: Làm sao để học sinh, sinh viên tiếp cận được với phương thức giáo dục tiến bộ, hiệu quả, để những bài giảng trở nên sinh động, dễ hiểu chứ không chỉ đơn thuần mang đậm tính lý thuyết. Có như vậy, học sinh mới dễ dàng nắm bắt được kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn khi ra trường. Những trăn trở đó cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ về kinh phí và tinh thần từ phía nhà trường đã tạo động lực, lôi cuốn thầy Chiến nghiên cứu, sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề tự làm.


Cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu năm 2009, thầy Chiến đã chế tạo thành công mô hình “Trang bị điện dành cho kho bảo quản đông”. Mô hình đã đạt giải nhất tại Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh Khánh Hòa lần thứ II, năm 2010”, đồng thời được chọn tham gia Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ III, năm 2010. Mô hình này đã vượt qua hàng trăm thiết bị dạy nghề tự làm khác của các trường nghề trên toàn quốc để dành giải nhất tại hội thi năm ấy.


Năm học 2012 - 2013, thầy Chiến tiếp tục sáng tạo thành công mô hình “Hệ thống lạnh với hai giàn bay hơi hai tiết lưu”. Tại Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm Khánh Hòa lần thứ III, năm 2013 vừa qua, mô hình của thầy đã đạt giải nhất và được chọn tham dự Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV, diễn ra vào tháng 10-2013 tại TP. Nha Trang. Thầy Chiến chia sẻ: “Việc sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề của tôi không phải hướng đến các giải thưởng mà nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh, sinh viên; đồng thời chứng tỏ môi trường học ở Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang luôn đặt chất lượng lên hàng đầu”. Để tạo ra những mô hình dạy nghề đó, thầy Chiến đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi nghiên cứu. “Có đêm đang nằm ngủ, bất chợt nghĩ ra được ý tưởng hay, tôi đã bật dậy và lập tức bắt tay vào làm; đến khi nhìn lên đồng hồ đã 5 giờ sáng” - thầy Chiến thổ lộ.

Thầy Trần Văn Chiến hướng dẫn kiến thức về máy điện lạnh cho học sinh, sinh viên.
Thầy Trần Văn Chiến hướng dẫn kiến thức về máy điện lạnh cho học sinh, sinh viên.


Hiệu ứng thiết thực


Trong quá trình tạo ra các thiết bị dạy nghề, thầy Chiến luôn tuân thủ theo đúng quy định thiết bị dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, các thiết bị của thầy luôn đảm bảo được những yếu tố như: Tính sư phạm (thiết bị rõ ràng, cụ thể từng bộ phận, chi tiết; học sinh có thể thao tác lắp đặt, chỉnh sửa ngay trên thiết bị); tính hình thể (phù hợp với điều kiện, vóc dáng của học sinh, sinh viên); tính kinh tế (các bộ phận của mô hình đều có giá thành hợp lý, dễ tìm, dễ mua trên thị trường); tính mỹ thuật (thiết bị gọn gàng, đẹp, thu hút được sự chú ý của người học). Em Đặng Lanh - sinh viên năm 2 chuyên ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang cho biết: “Mỗi lần tham gia các tiết học về điện lạnh trên mô hình sáng tạo của thầy Chiến, chúng em nắm bắt kiến thức rất nhanh. Mỗi tiết học, thầy luôn dạy lý thuyết gắn liền với thực hành ngay trên thiết bị, máy móc. Nhờ vậy đã đem lại sự thích thú, ham muốn học tập của em; rút ngắn được thời gian học bài”. Bên cạnh đó, khi dạy nghề cho học sinh, sinh viên thông qua mô hình dạy nghề tự chế của mình, thầy Chiến có thể cùng một lúc dạy được từ 3 đến 4 nhóm học sinh, sinh viên (trên cùng một thiết bị dạy nghề, mỗi nhóm có thể học và trao đổi ở một bộ phận chức năng khác nhau của máy). Sau đó, các nhóm cùng nhau chia sẻ kiến thức hiểu biết của mình để nắm bắt bài nhanh, tạo tính sôi nổi, thích thú trong quá trình học bài.


Ông Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang cho biết: “Sự đam mê sáng tạo ra các thiết bị dạy nghề của thầy Chiến đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh, sinh viên; đồng thời giúp học sinh, sinh viên nắm bắt bài sâu và nhanh, khi tốt nghiệp có thể ứng dụng vào thực tế. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ toàn bộ chi phí để các thầy, cô giáo tham gia sáng tạo thiết bị dạy nghề”. Tuy nhiên, hiện nay, các thiết bị dạy nghề tự làm của thầy Chiến cũng như các thầy, cô khác vẫn chưa được đăng ký bản quyền để có thể nhân rộng, ứng dụng vào công tác đào tạo ở các trường nghề trên địa bàn tỉnh.     

 
VĂN GIANG