07:09, 23/09/2013

Con đường vừa hoàn thành đã hư hỏng

Năm 2012, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng mở tuyến đường vào khu sản xuất tập trung tại thôn Chi Chay (xã Sơn Trung). Tuy nhiên, tuyến đường mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Năm 2012, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng mở tuyến đường vào khu sản xuất tập trung tại thôn Chi Chay (xã Sơn Trung). Tuy nhiên, tuyến đường mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.


Niềm vui chưa trọn


Tuyến đường vào khu sản xuất thôn Chi Chay được bàn giao cho huyện và đưa vào sử dụng vào tháng 4-2013. Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài hơn 1km, nền đường rộng 8m, có rãnh thoát nước bằng đất bên phần taluy dương, mặt đường trải đá mạt. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đơn vị thi công mới chỉ làm được khoảng hơn 200m. Mặc dù vậy, người dân địa phương cũng rất vui mừng, phấn khởi vì đường vào khu sản xuất ngắn và thuận lợi hơn. “Trước đây, để vào khu sản xuất Chi Chay, tôi phải đi đoạn đường khoảng 3 - 4km. Nhưng nay, có đường mới, đoạn đường rút ngắn còn hơn 1km, việc đi lại cũng thuận tiện hơn”, chị Mấu Thị Nhuần, một người dân thôn Ma O (Sơn Trung) bày tỏ. Ông Phạm Ngọc Lang, một hộ dân thôn Chi Chay cho biết: “Khi mở con đường mới, gia đình tôi phải giải tỏa đến 4.000m2 đất trồng keo nhưng tôi vẫn rất đồng tình, ủng hộ. Có con đường mới, sẽ tạo thuận lợi cho gia đình tôi cũng như nhiều bà con trong xã phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa”.


Tuy nhiên, niềm vui của gia đình ông Lang và nhiều người dân xã Sơn Trung chưa được bao lâu thì đã sớm trở thành nỗi lo âu. Vì đoạn đường đã nhanh chóng xuống cấp, sạt lở chỉ sau ít ngày thông tuyến và đã trở nên nguy hiểm. Do mái taluy dương cao đến hơn chục mét, được làm gần như dựng đứng, lại không có bờ kè chắn đất nên thường bị sạt lở sau mỗi trận mưa và gây nguy hiểm cho người dân khi qua lại tuyến đường này. Đến nay, rãnh thoát nước và mặt đường đã bị xói lở rất nhiều, mặt đường thì trơn trượt, lầy lội sau mỗi trận mưa. Ông Lang cho biết: “Trong đợt mưa đầu mùa vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, có ba mẹ con đi làm rẫy về qua đoạn đường này, khi phát hiện sạt lở đất trên taluy dương, chị vội vàng bế 2 đứa nhỏ chạy về phía trước và may mắn thoát chết trong gang tấc”.


Ông Cao Văn Bường, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết, mỗi khi xảy ra sạt lở đất, nếu ít thì xã huy động những hộ dân xung quanh ra nạo vét, nếu nhiều thì phải gọi đơn vị thi công đưa máy móc đến múc đất đi, vì hiện nay đoạn đường vẫn đang trong thời gian bảo dưỡng. Nhưng về sau nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì cũng rất khó cho địa phương.

Hàng ngày, nhiều người dân vẫn đi trên đoạn đường Chi Chay luôn có nguy cơ sạt lở taluy dương và  taluy âm để vào khu sản xuất.
Hàng ngày, nhiều người dân vẫn đi trên đoạn đường Chi Chay luôn có nguy cơ sạt lở taluy dương và taluy âm để vào khu sản xuất.


Con đường dang dở…


Ban đầu, huyện Khánh Sơn giao cho Phòng Dân tộc huyện làm chủ đầu tư tuyến đường Chi Chay. Sau đó, trách nhiệm này được giao cho Ban Quản lý các công trình công cộng của huyện. Theo ông Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các công trình công cộng huyện Khánh Sơn, đoạn đường vào khu sản xuất thôn Chi Chay đi qua khu vực có địa hình phức tạp, bên trên là đồi, bên dưới là suối, lại mới được thi công nên bị sạt lở cũng là điều bình thường. Mặt khác do kinh phí ít, chỉ có thể làm rãnh thoát nước bằng đất, mặt đường trải đá mạt nên dễ bị xói lở khi trời mưa to. “Mục đích của việc mở con đường này nhằm tạo quỹ đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất trong khu vực này không nhiều, ít hộ dân canh tác nên cấp trên có chủ trương tạm dừng việc thi công để ưu tiên kinh phí mở đường ở những khu vực khó khăn, cần thiết hơn, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, ông Tuấn cho biết.


Về phía xã Sơn Trung, đến nay cũng chưa thống kê chính xác được có bao nhiêu hộ dân đang canh tác ở khu vực này và diện tích rộng bao nhiêu. Tuy nhiên theo bà Bo Bo Thị, Trưởng phòng Dân tộc huyện, nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung và ông Cao Văn Bường, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, tính sơ bộ cũng có khá nhiều hộ dân của thôn Chi Chay, thôn Ma O và cả thôn Tà Nỉa đang canh tác tại khu vực này. Diện tích đất sản xuất tại đây cũng không phải là nhỏ. Riêng khu vực mấy năm trước huyện cấp cho người dân theo chương trình 134 là trên 30ha. Ngoài ra, còn nhiều diện tích bà con đang trồng keo, bắp, mì, cà phê, sầu riêng… Do đó, việc mở con đường vào khu sản xuất thôn Chi Chay là cần thiết.


Huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với xã Sơn Trung tiến hành khảo sát thực trạng tuyến đường Chi Chay, những nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân để tham mưu cho UBND huyện biện pháp khắc phục. “Theo yêu cầu của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay xã đang tiến hành rà soát số hộ dân của các thôn đang canh tác tại khu sản xuất Chi Chay, diện tích đất sản xuất chính xác, cụ thể tại đây để đề xuất phương án xem có tiếp tục đầu tư làm con đường này nữa hay không”, ông Cao Văn Bường cho biết thêm.  


Hiện tại đang là mùa mưa, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người dân qua lại. Các ngành, các cấp cần sớm có giải pháp phù hợp để người dân có đường thuận lợi, an toàn, an tâm đi lại lao động sản xuất.


Đinh Luận