08:07, 17/07/2013

Trăn trở Suối Sim

Hơn 18 năm nay, cuộc sống của người dân khu dân cư Suối Sim (thôn Buôn Lát, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) rất khó khăn vì cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Ngày nay, họ còn thêm nỗi lo sắp tới tái định cư ở đâu

Hơn 18 năm nay, cuộc sống của người dân khu dân cư (KDC) Suối Sim (thôn Buôn Lát, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) rất khó khăn vì cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Ngày nay, họ còn thêm nỗi lo sắp tới tái định cư ở đâu.


Thiếu hạ tầng


Đến KDC Suối Sim vào một ngày tháng 7, chúng tôi cảm nhận được sự khó khăn ở KDC này từ những con đường đất ngoằn nghoèo, lởm chởm đá, nhiều dốc; những giếng nước ngả màu, những trụ điện xiêu vẹo…

 

1
Khu dân cư lòng hồ chủ yếu sống bằng nghề trồng mía.


Để đi đến trường kịp giờ học, nhiều em nhỏ phải đạp xe vượt dốc từ 5 giờ sáng. Vừa đi học về, em Lê Gia Đức (học sinh lớp 5) ngồi thừ người ra vì mệt. Đức nói: “4 năm, bố mẹ thay cho con 6 “con ngựa” rồi”. Hỏi ra mới biết, do đường đi học xa, qua nhiều con dốc nên xe đạp của Đức nhanh bị hỏng. Gia cảnh khó khăn, bố mẹ cũng chỉ mua cho Đức xe đạp cũ làm phương tiện đến trường. Còn em Vũ Thị Tươi (học sinh lớp 6) cho biết: “Đường đến trường rất khó đi, nhiều đoạn dốc, đá lởm chởm nên con thường bị té, trầy xước chân tay. Mùa mưa, ngoài đường trời lạnh cóng, đường trơn nhưng con vẫn phải cố đến trường. Nhiều hôm đến lớp, quần áo lấm lem bùn đất”.

 

1
Đường sá không được nâng cấp nên học sinh đi học rất vất vả.

 
Chuyện đi học khó khăn là vậy, chuyện điện đóm còn nan giải hơn. Đã 18 năm qua, gia đình ông Phạm Đình Tấn Bình (56 tuổi) phải sống trong cảnh thiếu điện. Khi trời nhá nhem tối cũng là lúc căn nhà tranh, vách đất tạm bợ của vợ chồng ông hiu hắt dưới ngọn đèn dầu. Ông Bình nói: “Nhà không có điện, chúng tôi chỉ dám dùng bình ắc quy thắp sáng khoảng 30 phút rồi tắt. Tuy bị bệnh đau khớp nhưng tôi và vợ cũng phải ráng làm thuê kiếm sống”. 3 người con ông đều đã lập gia đình và cũng chẳng khá giả nên không giúp được gì cho vợ chồng ông. Khi miếng ăn hàng ngày còn phải chạy từng bữa thì mong ước có điện quả là xa xỉ… Điều đáng nói, ngay cả những nhà có điện, mỗi đêm cũng chỉ được thắp sáng vài giờ và điện được dùng chủ yếu cho con em học bài. Do điện yếu nên việc sử dụng các thiết bị điện bị hạn chế. Khi chúng tôi đến, cả nhà ông Vũ Trọng Thành (36 tuổi) đang xem ti vi, hình ảnh chập chờn lúc được lúc không. Ông Thành giãi bày: “Giờ cao điểm (từ 19 đến 21 giờ), nhà có điện cũng như không. Nhiều khi muốn xem tin tức, thời sự nhưng không được. Vậy mà mỗi tháng, gia đình tôi phải trả 400.000 đồng tiền điện”. Vợ ông Thành tiếp lời: “Ngày mới từ Thanh Hóa theo chồng vào đây, tôi tưởng như không thể trụ lại được vì thiếu thốn đủ bề nhưng lâu rồi cũng quen. Giờ đây, tôi chỉ mong có đủ điện để con cái học hành”. Để có điện, ông Thành và nhiều người trong xóm, mỗi hộ đóng góp hơn 12 triệu đồng kéo điện từ xã Ninh Thượng về, nhưng điện luôn trong tình trạng yếu công suất và tổn thất điện năng lớn. Việc bơm nước sinh hoạt cũng phải chọn lúc nửa đêm.

 

1
Nhiều hộ dân sử dụng đèn dầu phục vụ sinh hoạt.


Không chỉ sống trong cảnh “ăn đèn, ngủ điện”,  nhiều năm nay, người dân Suối Sim còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng. Mỗi khi đi làm về, chị Võ Thị Bé (38 tuổi) vội vàng sang thôn khác cách nhà 3km để xin nước về nấu cơm, đun nước. Nhiều gia đình nước rửa tay được dồn lại cho vào một cái thùng lớn để tưới cây. Hiện nay, các hộ dân ở Suối Sim vẫn chưa có nước sạch để dùng. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Trần Thị Hải (55 tuổi) lo lắng: “Ở làng này, nhiều nhà phải dùng nước giếng bị nhiễm phèn, nhiễm fluor. Nước bẩn nên trẻ con dễ bị mẫn ngứa…”.

1
 


Nỗi lo an ninh trật tự


Cả buổi đi cùng ông Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng thôn Buôn Lát, chúng tôi không khỏi xúc động trước sự nhiệt tình của ông. Ông có nhiều năm làm công tác thôn, đặc biệt là thôn Buôn Lát - nơi có địa hình rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống quanh lòng hồ Suối Sim. Đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa thưa thớt, phương tiện loa đài không có khiến công tác của thôn gặp rất nhiều khó khăn. Khi tổ chức họp phổ biến chính sách, chủ trương, cán bộ thôn phải mất nhiều thời gian đi đến từng hộ để thông báo. Theo ông Thành, do địa bàn rộng, rừng núi, xa khu trung tâm, nên công tác bảo đảm an ninh trật tự gặp nhiều trở ngại, nạn trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên. Lợi dụng lúc người dân đi làm vắng nhà, kẻ gian lẻn vào nhà trộm gà, trộm chó, phân bón... “Mấy năm trước, chúng tôi có thành lập tổ an ninh, nhưng làm một thời gian không hiệu quả nên giải tán. Không có chế độ phụ cấp nên khó khơi dậy nhiệt tình của các thành viên trong tổ. Giờ đây, mọi công việc đẩy trở lại cho thôn...” - ông Thành nói. Chị Võ Thị Bé chua xót kể: Vợ chồng tôi cố nuôi gà, vịt lớn để bán lấy tiền đóng học phí cho con vào năm học mới. Nào ngờ, gà, vịt chưa kịp lớn, bọn trộm đã bắt mất. Không chỉ nhà tôi, mà nhiều gia đình khác cũng lo nơm nớp nạn trộm cắp vặt.

1
Sau 18 năm, nhà ông Bình vẫn là nhà vách đất.


Vẫn phải chờ

1
 


Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn hiện tại của người dân Suối Sim, ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết: Những điều đó chúng tôi đều biết, nhưng lực bất tòng tâm. Tuy là xã miền núi nhưng nguồn vốn phân cấp còn ít, trong khi nhu cầu quá lớn. Do dân cư sống thưa thớt, rải rác, xa khu trung tâm nên khó đầu tư và chưa có kinh phí. An ninh trật tự ở đây không bảo đảm, hiện tượng mất cắp xảy ra thường xuyên. KDC lại không có định biên Công an viên nên đành để người dân và thôn tự quản...  
Bà Trần Thị Cúc - Trưởng Phòng Dân tộc thị xã chia sẻ: Hiện nay, Chương trình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đề xuất nhưng kinh phí chưa đáp ứng được. Còn ông Trần Văn Dũng - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết, hiện nay, Dự án xây dựng hệ thống tưới sau thủy điện Ea KrongRou đang điều chỉnh tới khu vực này với nhiệm vụ nâng cấp, chỉnh trang lòng hồ, cung cấp nước tưới cho 2.400ha cây trồng, điều tiết nước cho hạ du vào mùa lũ. Vì vậy, toàn bộ khu vực này sẽ bị ngập nước, buộc dân cư phải di dời, tái định cư. Hiện nay, dự án đã thực hiện một số hạng mục. Tỉnh giao thị xã triển khai việc đền bù, tái định cư cho người dân, nhưng chưa có kinh phí.

VĨNH LẠC - NGUYỄN KIM

 


KDC Suối Sim được thành lập từ những nông trường viên của Nông trường thuốc lá Dục Mỹ (xã Ninh Sim). Sau khi nông trường giải thể, một số người thấy vùng này đất tốt, rộng rãi nên đến lập nghiệp. Lâu dần, đưa bà con, họ hàng vào sinh sống. Hiện nay, Suối Sim có 62 hộ, hơn 300 khẩu từ nhiều nơi đến cư trú. Theo tiêu chí mới, suối Sim hiện nay không có hộ nghèo.


Dự án hệ thống tưới sau thủy điện Ea KrôngRou triển khai từ năm 2006, điều chỉnh vốn năm 2011. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh hơn 166 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 125 tỷ đồng, đền bù, giải tỏa hơn 9 tỷ đồng... Hiện nay, các hạng mục chưa triển khai gồm: Nhà quản lý và khuôn viên; nâng cấp đập, tràn hồ; kênh, công trình trên kênh Bắc và Nam...