08:05, 07/05/2013

Bất cập giữa đầu tư và sử dụng

Nhiều công trình nước sạch được đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp do khó thu hút người dân sử dụng.

Nhiều công trình nước sạch được đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp do khó thu hút người dân sử dụng.


Người dân không mặn mà


Nhiều năm nay, người dân khu vực thôn Đại Cát (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) dùng giếng khoan, giếng đào, kể cả nước sông, nước kênh để ăn uống, sinh hoạt. Thế nhưng nguồn nước ngày càng cạn kiệt do dân số tăng, ô nhiễm công nghiệp khiến nước sạch ngày càng khan hiếm. Hiện tại, công trình nước sạch do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) làm chủ đầu tư đã “vươn” tới đây. Người dân trong thôn rất vui mừng. Vậy mà, khi Trung tâm NS-VSMTNT tổ chức khảo sát, lắp đặt đường ống thì chỉ có 3 hộ chấp nhận. Nguyên nhân là do giá thành lắp đặt quá cao, bình quân 1,5 - 1,8 triệun đồng/đồng hồ nên người dân không mặn mà. Ngoài ra, việc lắp đặt kéo dài thời gian cũng làm người dân không hài lòng. Công trình nước sạch Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng cũng chẵn khá hơn. Ông Nguyễn Hùng (thôn Tuân Thừa, xã Ninh Bình) đăng ký bắc nước từ ngày 27-7-2012, nhưng đến ngày 18-8, nhà máy nước mới khảo sát và ngày 12-9 mới làm xong hợp đồng. Bên cạnh đó, ông phải bỏ ra chi phí vật liệu hơn 1,3 triệu đồng; nhân công 683.000 đồng; cộng thêm các khoản khác là hơn 2,3 triệu đồng. Đó cũng là lý do giải thích vì sao đến nay, các công trình nước sạch chưa phát huy được 1/3 công suất thiết kế.


Không chỉ khu vực Ninh Hòa, Nhà máy nước Phước - Lạc - Thọ (huyện Diên Khánh) cũng trong tình trạng tương tự. Người dân các khu vực xa nhà máy nước hàng ngày vẫn mong muốn có nguồn nước sạch nhưng không đủ điều kiện để kéo nước về bởi chi phí đường ống và giá thành lắp đặt quá cao.


Liệu có lãng phí?

 Nhà máy nước Ninh Trung - Ninh Thân - Ninh Đông (Ninh Hòa). (2157)
Nhà máy nước Ninh Trung - Ninh Thân - Ninh Đông (Ninh Hòa).

 

Nhà máy nước Diên Lạc - Diên Phước - Diên Thọ có vốn đầu tư hơn 19 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.160m3/ngày đêm, hoạt động tháng 5-2010 nhưng đến nay chỉ có 556 hộ sử dụng, công suất chỉ đạt 410m3/ngày đêm (1/3 công suất). Nhà máy nước Ninh Xuân (Ninh Hòa) đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.033m3/ngày đêm, hoạt động từ tháng 6-2010 nhưng chỉ có 774 hộ sử dụng, công suất 450m3/ngày đêm (1/2 công suất). Nhà máy nước Ninh Trung - Ninh Thân - Ninh Đông đầu tư gần 31,5 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.758m3/ngày đêm, hoạt động từ tháng 2-2012 nhưng chỉ có 269 hộ sử dụng, công suất 100m3/ngày đêm (1/17 công suất). Nhà máy nước Ninh Bình - Ninh Quang - Ninh Hưng đầu tư hơn 34,6 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.082m3/ngày đêm, hoạt động từ tháng 3-2012 nhưng chỉ có 265 hộ sử dụng, công suất 100m3/ngày đêm (1/20 công suất).

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) có đợt giám sát về tình hình cung cấp nước sạch tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Ông Phan Thông - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng: “Không có nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể chấp nhận nhưng không có nước cho người dân sử dụng là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, đời sống, sức khỏe người dân...”. Ông Thông cho biết, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình nước sạch nhưng không phát huy tác dụng. Điều này không phải do chất lượng nước hay giá nước mà là do giá thành lắp đặt quá cao khiến người dân “quay lưng”. Ông Thông đặt vấn đề: Các công trình đầu tư vừa qua có lãng phí và mô hình quản lý nào hiệu quả? Ông Nguyễn Quang Nam, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình: “Người dân bức xúc vì thiếu nước nhưng khi có nước lại “quay lưng” là do đường ống dài, đắt đỏ... Chúng ta đầu tư lớn nhưng không phát huy được, trong khi mục đích chính của chúng ta không phải kinh doanh mà là cung cấp nước cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc...”. Ông Nam so sánh, hiện nay, nếu số vốn như vậy được cấp cho các Công ty Môi trường đô thị thì sẽ giải quyết tốt hơn..


Giải thích bất cập này, ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT cho biết, suất đầu tư cao là do người dân ở nông thôn sống rải rác, phân tán, địa hình phức tạp, đường ống dẫn dài, tỷ lệ thất thoát lớn, chi phí vận hành cao. Mặt khác, đặc thù nông thôn có nhiều nguồn nước sử dụng nên nước sạch chỉ dùng cho ăn uống, ngay trong mùa khô, nhiều hộ chỉ dùng 4 - 10m3/tháng, mùa mưa không sử dụng nước từ công trình cấp nước nên doanh thu thấp, không kích thích doanh nghiệp đầu tư. Theo ông Hùng, một số Trung tâm ở các tỉnh, thành khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận thành lập hơn 10 năm nhưng vẫn làm rất tốt.


Vì thế, những bất cập trong đầu tư, khai thác, vận hành và sử dụng các công trình nước sạch cần được giải quyết một cách hợp lý. Tỉnh cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị chủ quản của Trung tâm NS-VSMTNT - phối hợp cùng các ngành tính toán giá thành hợp lý để phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư...  


PHÚ LÂM