07:05, 07/05/2013

Sống mãi với Điện Biên

59 năm đã trôi qua, song người thương binh Đặng Ngọc Chỉnh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) vẫn giữ vẹn nguyên trong tim những cảm xúc của người lính được góp mặt trong chiến dịch lịch sử ấy.

59 năm đã trôi qua, song người thương binh Đặng Ngọc Chỉnh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) vẫn giữ vẹn nguyên trong tim những cảm xúc của người lính được góp mặt trong chiến dịch lịch sử ấy.


 59 năm bản hùng ca Điện Biên Phủ


Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, quân ta giành lợi thế trên chiến trường miền Bắc. Những thất bại liên tiếp khiến quân Pháp lâm vào cảnh nguy khốn. Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Salan về nước và đầu tháng 5-1953, cử Đại tướng Navarre sang làm tổng chỉ huy.


Navarre đã lập ra một kế hoạch 18 tháng (từ cuối năm 1953 đến giữa 1955), một mặt duy trì thế phòng ngự chiến lược, giữ vững đồng bằng Bắc bộ, bảo vệ Thượng Lào, tiến hành bình định ở miền Trung và miền Nam nhằm giáng cho chủ lực ta những đòn nặng nề, tạo thế mạnh để đi vào đàm phán nhằm tìm lối thoát danh dự cho cuộc chiến tranh xâm lược. Cả ta và địch đều nhận thấy Tây Bắc là địa bàn chiến lược, với Điện Biên Phủ (thời kháng chiến chống Pháp thuộc tỉnh Lai Châu) là trung tâm giáp Lào, Trung Quốc. Chiếm được Tây Bắc vừa khống chế được đồng bằng Bắc bộ; đồng thời cũng kiểm soát khu vực biên giới. Điện Biên Phủ nằm ở khu trung tâm của Tây Bắc, vì vậy đây chính là nơi địch chọn để chiếm giữ. Ngày 20 và 21-11-1953, địch nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, nơi đây chúng huy động tổng cộng 21 tiểu đoàn, 10 đại đội lẻ với quân số lên đến hơn 16.000 tên. Điện Biên Phủ được địch bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong 8 khu trung tâm, chia làm 3 phân khu: Phía Bắc gồm cứ điểm Bản Kéo, Him Lam, Độc Lập; phía Nam là khu cứ điểm Hồng Cúm và khu trung tâm ở khu vực Mường Thanh. Trước tình hình đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ khi ấy trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng đã điều động 31 tiểu đoàn tác chiến, đánh địch.


Ngày 1-5-1954, toàn bộ mặt trận đã mở một cuộc tổng tấn công, từ 3 hướng Bắc, Tây và Nam. Các đơn vị phối hợp siết chặt vòng vây tấn công đồi A1 - án ngữ khu trung tâm Mường Thanh. 4 giờ sáng 7-5-1954, toàn bộ tiểu đoàn của địch tại đồi A1 bị xóa sổ, quân ta tiến thẳng xuống khống chế khu trung tâm Mường Thanh. Đến 15 giờ cùng ngày, quân ta mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm. Tuy địch còn đông nhưng tinh thần chiến đấu đã tan rã. Ta đánh đến đâu địch đầu hàng tới đó. Đúng 17 giờ, quân ta đã đánh chiếm sở chỉ huy địch. Tướng De Castries và Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm đầu hàng. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, thắng lợi hoàn toàn thuộc về ta. Ngày 8-5-1954, đoàn đại biểu Chính phủ của nước ta bước vào hội nghị Genève với tư thế của người chiến thắng. Ngày 20-7, Hiệp định đình chiến được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương, Thủ đô Hà Nội và miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

 DBP2: Hội Cựu chiến binh TP. Nha Trang trong một lần gặp mặt chiến sĩ Điện Biên.
  Hội Cựu chiến binh TP. Nha Trang trong một lần gặp mặt chiến sĩ Điện Biên.


Sống mãi với Điện Biên


Chúng tôi gặp ông Chỉnh vào một ngày đầu tháng 5, khi ông vừa trải qua một đợt chữa bệnh tại TP. Hồ Chí Minh. Hôm chúng tôi đến, ông đã khỏe hơn nhiều. Nhắc tới những tháng ngày chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, tôi được biên chế vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, đơn vị trực tiếp chiến đấu tại Điện Biên Phủ, tham gia đánh chiếm sân bay Mường Thanh”. Nhớ lại những trận chiến ác liệt, ông Chỉnh kể: Ngày 28-11-1953, Trung đoàn 36 được lệnh tiến quân lên Điện Biên Phủ theo hướng Tây Nam tạo thành thế bao vây đánh chiếm, tới ngày 8-12-1953 có mặt tại địa điểm tập kết quy định. Đơn vị đóng quân tại hang Lết, một mặt tiếp tục trinh sát báo cáo tình hình với cấp trên để xác định kế hoạch tác chiến phù hợp, đồng thời chốt chặn tại cửa ngõ biên giới Việt - Lào không cho địch tháo chạy qua đây. Đến đêm 22-1-1954, toàn đơn vị được lệnh tiến quân sang Lào để phá tan phòng tuyến sông Nậm U của địch. Sở dĩ phải cấp tốc sang Lào bởi phòng tuyến này chính là con đường tiếp tế từ Lào sang nếu Pháp thắng ở Điện Biên Phủ, còn nếu thua thì đây là đường tháo chạy của địch. Ngày 20-2-1954, toàn bộ phòng tuyến sông Nậm U của địch đã bị ta đập tan và kiểm soát; địch rơi vào thế cô lập. Đơn vị được lệnh di chuyển về Điện Biên Phủ, đến ngày 12-3-1954 tới nơi. Sau 5 ngày nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, đơn vị được lệnh đánh vào Bản Kéo, làm bàn đạp chiếm giữ sân bay Mường Thanh. Tại cứ điểm này, địch cho quân ngụy Thái chốt chặn 1 tiểu đoàn. 17 giờ 30 phút ngày 17-3-1954, Sư đoàn bắn mở màn vào cứ điểm địch 3 loạt pháo nhằm uy hiếp tinh thần. Quân ngụy Thái đã hoảng loạn và phá cổng đồn tháo chạy đầu hàng. Trung đoàn 36 dễ dàng kiểm soát được Bản Kéo.


Tin thắng trận từ Him Lam, Độc Lập báo về cũng là lúc kết thúc đợt tiến công thứ nhất. Toàn mặt trận tiếp tục bước vào đợt tiến công thứ 2 với việc đầu tiên là xây dựng hệ thống chiến hào, tạo thành thế bao vây các cứ điểm trung tâm Mường Thanh. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm 206, từ đó tiến vào chiếm giữ sân bay Mường Thanh. Cứ điểm 206 nằm ở phía Tây sân bay được Pháp điều động 1 tiểu đoàn lính Âu - Phi chốt giữ. Trận đánh cứ điểm 206 là then chốt, vô cùng ác liệt, nhớ lại diễn biến của trận đánh, ông Chỉnh cho biết: “Với tính chất quan trọng của cứ điểm, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra hết sức ác liệt. Trước sức mạnh phản công của ta, địch biến hệ thống chiến hào thành chảo lửa, huy động tất cả hỏa lực bắn phá ngày đêm. Trong tình thế khó khăn đó, Ban Chỉ huy Sư đoàn đã cho bộ đội dùng rơm quấn nhiều vòng thành những độn to; khi đào công sự, dùng độn rơm đẩy về phía trước cản đạn của địch và tổ chức đào giao thông hào theo cách đào dũi. Người trước đào phá lớp đất trên, người sau theo người trước đào dần xuống cho đến khi thành chiến hào dài, rộng theo yêu cầu. Nhờ vậy quân ta giảm thương vong và tới đêm 21-4-1954, toàn bộ Sư đoàn tiến sát tới cứ điểm của địch. Một mặt, Sư đoàn tổ chức các đơn vị chiến đấu cơ động bố trí hai bên sườn chặn địch đánh ra, đồng thời cho các tay súng giỏi bắn tỉa. Địch bị thương vong nhiều và co cụm chui xuống hầm ẩn nấp”.


Lợi dụng thời cơ đó, toàn bộ lực lượng quân ta đã tổng tiến công, cho bộc phá lao lên phá hàng rào, tiến thẳng vào phá lô cốt, chiếm giữ trung tâm chỉ huy và đài thông tin địch. Nhờ chia Sư đoàn thành các mũi tấn công nhỏ với phương châm “thọc sâu, chia cắt, đánh nhanh, tiêu diệt gọn”, toàn bộ quân địch tại cứ điểm 206 đã bị tiêu diệt và bắt sống. Mất cứ điểm 206 là mất đi sân bay Mường Thanh - cầu hàng không duy nhất tiếp tế cho địch từ Hà Nội, Hải Phòng, chính vì vậy, địch quyết định điều động xe tăng, pháo từ khu căn cứ trung tâm Mường Thanh phản kích lại quân ta một cách điên cuồng. Tuy nhiên, với tinh thần quật khởi, ý chí mạnh mẽ, các đợt tấn công của địch đều bị quân ta bẻ gãy, gây thương vong và buộc địch phải rút chạy. Đến ngày 23-4, sân bay Mường Thanh đã được ta kiểm soát hoàn toàn. Từ đây địch bị đẩy vào tình thế vô cùng khó khăn, nguy khốn. Việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ chỉ còn cách duy nhất là thả dù, nhưng hầu hết đồ tiếp tế của địch đều rơi vào trận địa của ta. Sau khi chiếm giữ sân bay Mường Thanh, Trung đoàn 36 được lệnh đánh vào căn cứ 311B - sát nách căn cứ trung tâm Mường Thanh. Cũng tại trận chiến này, chiến sĩ Điện Biên Phủ Đặng Ngọc Chỉnh đã bị thương nặng và phải rời khỏi mặt trận để điều trị.


Thắng lợi trở về, chiến sĩ Đặng Ngọc Chỉnh tình cờ gặp được cô dân công hỏa tuyến Lê Thị Lam (cùng quê Thanh Hóa) xung phong đi dẫn đường tại chiến dịch Điện Biên Phủ và họ đã nên vợ thành chồng. Giờ đây, cả 2 chiến sĩ Điện Biên Phủ đã ngoài 80 tuổi nhưng họ vẫn thường xuyên ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khó nhưng đầy vẻ vang ấy.


Thành Nam