08:11, 06/11/2012

Bao giờ triển khai?

Vùng ven biển ở Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thường xuyên đối mặt với sóng gió nên việc đầu tư kè chắn sóng để chống chọi với mưa bão là việc cấp thiết. Tuy nhiên, đến nay, Dự án kè chắn sóng chưa biết khi nào mới triển khai.

Vùng ven biển ở Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thường xuyên đối mặt với sóng gió nên việc đầu tư kè chắn sóng để chống chọi với mưa bão là việc cấp thiết. Tuy nhiên, đến nay, Dự án kè chắn sóng chưa biết khi nào mới triển khai.

Mong chờ dự án

Đứng trên cầu Đại Lãnh nhìn về khu dân cư ven biển, khi từng đợt sóng tràn vào bờ mới thấy sự mong manh của những căn nhà bên biển. Khi cơn bão số 9 năm 2009 đổ bộ vào vùng Nam Trung bộ, xã Đại Lãnh tuy không phải là vùng tâm bão đi qua nhưng đã chịu nhiều thiệt hại, hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo. Người dân Đại Lãnh luôn mong muốn có được bờ kè chắn sóng. Kiến nghị này nhanh chóng được các cấp chính quyền địa phương phản ánh với tỉnh. Chỉ một thời gian ngắn, tỉnh đã cho phép triển khai Dự án xây dựng kè chắn sóng tại Đại Lãnh.

Thế nhưng 3 năm trôi qua, bà con ven biển Đại Lãnh vẫn khắc khoải chờ triển khai. Ông Nguyễn Dơ - người dân sinh sống hơn 40 năm ở đây cho biết: “Từ sau ngày giải phóng tới nay, Đại Lãnh chưa có bão, nhưng chỉ cần gió cấp 7 - 8 là đã khủng khiếp rồi. Sóng nước bao phủ khắp nhà, va đập vào tường, vào mái tôn nghe rất sợ. Vào mùa mưa bão, chúng tôi phải lo di tản phụ nữ, trẻ em, chỉ đàn ông ở lại... Năm 1974, có cơn bão vào Đại Lãnh, tất cả đã trở thành bình địa...”. Để chống chọi với sóng gió, ông Dơ đã đầu tư nhiều đá chẻ, hơn 40 bao xi măng để hoàn thiện nền, móng nhà. Tuy có nền, móng vững chắc nhưng ông Dơ vẫn lo ngại sóng lớn có thể đánh trôi nhà cửa. “2 năm nay, nghe có dự án kè chắn sóng, chúng tôi rất mừng; thế nhưng chỉ thấy có người đến đo đạc xong rồi lại đi mà không biết đến bao giờ mới làm...” - ông Dơ nói.

Người dân vùng ven biển Đại Lãnh nơm nớp lo sợ bão tố ập tới bất kỳ lúc nào

Người dân vùng ven biển Đại Lãnh nơm nớp lo sợ bão tố ập tới bất kỳ lúc nào

Ông Trịnh Bên - cư dân ven biển thuộc thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh đã định cư nơi đây hơn 20 năm - cho biết, những năm trước, vùng ven biển Đại Lãnh còn ít dân, nhà cửa tạm bợ, không thể chống chọi với gió bão. Gần đây, thấy được mối nguy của giông bão, mọi người đều kiên cố nền móng nhà cửa bằng đá, xi măng khá vững chắc. Tuy nhiên, theo ông Bên, nếu gặp bão cấp 9 trở lên thì tính mạng, tài sản của người dân cũng gặp nguy hiểm. Vì vậy, vào mùa mưa bão, người dân ở đây đều gửi tài sản đến nơi an toàn. Ông Bên cho biết ông có nghe nói đến dự án, thấy có người đến đo vẽ, đánh dấu nhưng không biết bao giờ mới làm. Ông kiến nghị, nếu làm kè phải cao hơn nền móng nhà 50cm mới ngăn được sóng.

Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, dân cư trong xã phần lớn là ngư dân sống bám biển. Trước tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc chống chọi với gió bão ngày càng phức tạp. Năm 2009, trong chuyến thăm, tặng quà đồng bào vùng bão, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ đạo Trung ương, tỉnh phải xây kè chắn sóng cho khu vực Đại Lãnh. Tỉnh đã cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.

Chưa biết đến bao giờ thi công

Dự án kè chắn sóng ở Đại Lãnh đã được UBND tỉnh cho phép lập dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, hiện đang giao cho đơn vị tư vấn thiết kế thủy lợi tiến hành. Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn còn ở giai đoạn lập báo cáo khả thi.

Theo ông Quách Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công trình có chiều dài khoảng 1,5 - 1,6km, tổng mức đầu tư còn phụ thuộc vào việc chọn phương án. Việc triển khai dự án không biết đến bao giờ, bởi nguồn vốn hiện rất khó khăn. Đây là dự án thuộc chương trình đê biển nên kinh phí rất eo hẹp. Hiện nay, bình quân mỗi năm, chương trình chỉ cấp khoảng 10 tỷ đồng, trong khi các công trình kè, đê biển trên địa bàn tỉnh đang xây dựng dở dang vẫn còn nằm chờ vốn.

Kè chắn sóng ở Đại Lãnh là công trình phòng, chống lụt bão quan trọng của khu dân cư ven biển. Người dân nơi đây rất mong công trình sớm được triển khai để không còn phải sống trong cảnh bất an mỗi khi mùa mưa bão đến.

H.A