09:08, 25/08/2010

Huy động mọi biện pháp nhanh chóng dập tắt dịch heo tai xanh

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh sáng 24-8. Tham dự cuộc họp có đồng chí Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Khánh Hòa sáng 24-8. Tham dự cuộc họp có ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến hết 22-8, toàn tỉnh có 7 huyện, thị với 58 xã, phường, 156 thôn, khóm, 610 hộ chăn nuôi có heo mắc DHTX. Toàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 5.620 con heo với tổng khối lượng hơn 282 tấn. Hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở chăn nuôi tập trung với tổng đàn nái gần 4.000 con chưa xuất hiện DHTX. Đánh giá của Chi cục Thú y cho thấy, sau thời gian rất ngắn (12 ngày), kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại Ninh Quang (Ninh Hòa), DHTX đã lan rộng ra 7/8 huyện, thị, thành phố (trừ huyện Khánh Sơn), với chủng vi rút có độc lực cao. Thiệt hại khá nặng, dự kiến toàn tỉnh phải chi hỗ trợ 15 tỷ đồng để chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi tiêu hủy heo bệnh. Xã Ninh Đông (Ninh Hòa) đã có 40 con heo rừng lai bị tiêu hủy do mắc DHTX.

Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo phòng, chống dịch heo tai xanh

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Xuân Thân cho rằng, thời gian qua các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực phòng, chống DHTX, bước đầu đã có kết quả nhất định, tạm thời kìm hãm được sức lây lan của dịch. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, thời gian tới, toàn tỉnh cần huy động mọi biện pháp nhằm nhanh chóng dập tắt DHTX. Ông Lê Xuân Thân chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền phòng, chống dịch, trong đó chú trọng tuyên truyền các mô hình an toàn dịch, khuyến khích phát triển loại hình chăn nuôi tập trung, chủ động đối phó với dịch bệnh; các địa phương và nhân dân không giấu dịch, sẵn sàng khai báo với chính quyền cơ sở để nhanh chóng có biện pháp đối phó với dịch. Về công tác tiêu hủy, các ngành liên quan phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ công tác tiêu hủy, huy động lực lượng tiêu hủy, xử lý theo đúng quy định của Pháp lệnh Thú y. Đối với các hộ có đàn heo tương đối lớn cần có biện pháp cách ly heo khỏe, chỉ tiêu hủy những heo bệnh có triệu chứng điển hình, tránh tiêu hủy tràn lan, khó hồi phục tổng đàn sau dịch; chi phí tiêu hủy được tính đúng, tính đủ, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; Chi cục Thú y cần có kế hoạch dự trù, cấp vật tư, trang bị đầy đủ để các địa phương chủ động PCD; các trại chăn nuôi tập trung không chủ quan trong việc phòng dịch, bảo đảm khoanh vùng dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng; các trạm kiểm dịch cần được bố trí phù hợp nhằm phục vụ tốt công tác bao vây, dập dịch; các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân sử dụng thịt heo đúng cách, tránh tâm lý hoang mang, tẩy chay thịt heo sạch làm ảnh hưởng đến kinh tế và chăn nuôi; cần xây dựng các điểm bán heo sạch để vận động người dân sử dụng; thống nhất triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc từ 15-8 đến 15-9; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát việc chi trả kinh phí bồi dưỡng và hỗ trợ người chăn nuôi theo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng khai khống, khai man, “ăn chặn” tiền ngân sách hỗ trợ; tăng cường các biện pháp PCD, phấn đấu đến hết tháng 9 toàn tỉnh công bố hết DHTX…

Q.V