10:12, 09/12/2016

Ra đồng thả trúm bắt lươn

"Tháng mười nước đã lên đồng/Vợ nói với chồng làm trúm thả lươn". Tôi không rõ ở các vùng quê khác câu ca dao trên có được phổ biến rộng rãi hay không, còn ở quê tôi thì gần như ai cũng thuộc. ....

“Tháng mười nước đã lên đồng/Vợ nói với chồng làm trúm thả lươn”. Tôi không rõ ở các vùng quê khác câu ca dao trên có được phổ biến rộng rãi hay không, còn ở quê tôi thì gần như ai cũng thuộc. Sở dĩ có điều đó là do quê tôi đa số ruộng đều thấp, khi mùa mưa về, lươn xuất hiện rất nhiều, và nghề làm trúm bắt lươn đã trở thành quen thuộc với rất nhiều gia đình.


Trúm là một dụng cụ rất đơn giản. Cắt một ống tre dài chừng 4 gang tay, một đầu để cho mắt tre bịt kín, đầu còn lại để trống rồi đan một chiếc hom bằng nan mỏng, đặt vào, làm cho lươn chui vào bên trong rất dễ dàng nhưng không thể tìm đường ra. Mồi để nhử lươn là giun đất, được giã nhuyễn, thành một lớp bột sền sệt, quét quanh chiếc hom. Lươn vốn thích ăn giun đất, và giun khi giã nhuyễn sẽ tạo ra mùi tanh, làm cho lươn khi đánh thấy hơi liền tìm tới.

 

Ảnh: BKH
Ảnh: BKH


Ngày xưa, hồi tôi còn bé, trong nhà bao giờ cũng có vài chục ống trúm. Mùa nắng, những chiếc ống trúm ấy được cột lại thành bó treo ở sau hè, và khi mùa mưa tới, tất cả được đem xuống. Đi thả trúm kể ra cũng vất vả, vì phải lội bùn, lội nước, nhưng ai đã từng làm sẽ “nghiện”, sẽ thấy đó là một thú vui. Tôi còn nhớ, ngày ấy, chiều chiều, khi cho trâu đi ăn về, tôi và mấy đứa trẻ cùng lứa trong xóm rủ nhau đi đào giun. Trong các vườn chuối, giun đất rất nhiều. Đào xong, phần đứa nào, đứa nấy cho giun vào chiếc ống bơ để giã rồi dùng que bôi lên các miệng trúm, sau đó khi trời sẫm tối thì gánh ra đồng.


Lươn chỉ đi ăn vào ban đêm và để cho dễ nhớ, chúng tôi thường đặt các ống trúm ven những bờ ruộng. Đồng thì rộng nên tôi và mấy đứa bạn cứ thích đặt trúm của mình ở đâu thì đặt. Buổi sáng, khi ngoài đường chưa nhìn rõ bóng người, chúng tôi đã thức dậy, gọi nhau đi thu trúm. Vui sướng nhất là khi cầm chiếc ông trúm lên, lắc lắc, thấy bên trong có vật nặng nặng, vậy là biết ngay lươn đã vào tròng.


Dạo ấy người ta chưa dùng thuốc trừ sâu như bây giờ nên trên đồng cá, tôm và lươn cũng nhiều. Vì bữa nào tôi cũng đi thả trúm, bắt được nhiều lươn nên khi ăn không hết, mẹ tôi thường lựa những con to rộng trong mấy chiếc lu sành đặt dưới cây mít già ở cuối sân. Những con lươn vàng ươm nằm cuộn tròn, lúc nhúc trong lu, mỗi lần mở nắp nhìn vào thấy sướng cả mắt.


Ở nhà quê, lươn được chế biến thành nhiều món, nào um với chuối, nào nấu miến, nấu cháo, xào với măng chua… Món nào ăn cũng ngon. Đặc biệt, mẹ tôi ngày ấy thường làm món lươn xào sả ớt. Thông thường, khi những chú lươn còn tươi nguyên được mẹ tôi bắt từ lu ra, bóp với muối và giấm cho sạch nhớt, rồi mổ bụng từng con, bỏ ruột, cắt khúc, sau đó ướp với gia vị như: bột nghệ, ớt, tiêu, sả, riềng, dầu mỡ… rồi xào. Thật hấp dẫn làm sao khi nồi lươn xào vàng óng màu nghệ vừa bưng xuống khỏi bếp thơm lừng mùi sả, bên trên rắc thêm những sợi tía tô, rau lốt cắt nhỏ…


Tôi lớn lên xa quê đã lâu và chuyện làm trúm bắt lươn chỉ còn trong nỗi nhớ. Tuần trước, có việc ra Vạn Ninh, tiện thể ghé thăm một người bạn già - vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Bạn mời cơm, và khi bưng ra, trong mâm có một đĩa lươn xào sả ớt. Trò chuyện huyên thuyên, sau đó nghe tôi nói rất thích món này, thế là anh bạn liền kể đủ thứ chuyện, trong đó có chuyện hồi nhỏ anh cũng đi thả trúm bắt lươn. Đã vậy, anh còn nghêu ngao đọc cho tôi nghe câu ca dao rất hay mà anh đã thuộc lòng:


Ra đồng thả trúm bắt lươn
Gặp cô hàng xóm thấy thương quá chừng
Thương từ dưới biển lên rừng
Thương vầng trăng khuyết treo lưng con đèo.

 

HOÀNG NHẬT TUYÊN