09:12, 06/12/2016

Dặm dài phương nam…

Mỗi chuyến đi xa đều cho ta những chiêm nghiệm mới mẻ. Trải dài theo hành trình, từ khi bắt đầu xuất phát là ta bắt đầu vui, buồn theo những cảnh huống đang vùn vụt chạy bên ngoài ô cửa xe, và có khi trong chính lòng mình.

Mỗi chuyến đi xa đều cho ta những chiêm nghiệm mới mẻ. Trải dài theo hành trình, từ khi bắt đầu xuất phát là ta bắt đầu vui, buồn theo những cảnh huống đang vùn vụt chạy bên ngoài ô cửa xe, và có khi trong chính lòng mình.


Vui, khi ban mai dịu dàng khẽ khàng dâng lên phía đông. Mặt trời còn náu trong mây, chỉ làn sương mù hồng hồng mới cho ta biết hôm nay rồi trời sẽ nắng to. Lòng người khấp khởi, háo hức khi bắt đầu một cuộc dịch chuyển, hứa hẹn những điều thú vị đang chờ đón phía trước.

 

Đất Mũi Cà Mau
Đất Mũi Cà Mau


Vui, khi được đi dọc hành trình về với mảnh đất phương Nam cùng những câu chuyện, tiếng cười của các bạn đồng hành. Phương Nam... Đó là điệu ru con “Ví dầu cầu ván đóng đinh” mà có lần nghe được từ cô hàng xóm, vốn là người Bình Định ra làm dâu quê ta. Phương ngữ nghe là lạ mà ấm áp nồng nàn như gửi trong đó có biết bao tình mẹ bao la.


Phương Nam... Là chàng Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài giảng văn, khiến cô trò nhỏ trường huyện có lúc thầm mong được gặp chàng tráng sĩ nghĩa hiệp hào sảng như vậy. Điểm đến đầu tiên của hành trình là bến Ninh Kiều khi thành phố đã lên đèn. Đó là thành phố trong câu ca: “Cần Thơ gạo trắng nước trong”. Niềm vui bồi hồi gặp mặt đã làm bao nhiêu mệt mỏi dường như không hề có. Nhìn ra xa xa, phía bên kia sông, thấy những dãy đèn sáng mờ tỏ. Ta thấy mình như người gái quê nào đang ngóng chờ bóng một người đi. Nhìn sóng nước bao la mà bất chợt thầm ngân nga câu hát: “Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu”. Chợt bâng khuâng về dấu chân ai đã từng đặt ở nơi này. Thấy thương làm sao những con đường nhỏ xuyên qua giữa những xóm làng. Những mái nhà nép sau tán dừa, những cây cầu khỉ in bóng trên dòng kinh như đang chờ gót son ai khẽ chạm để bước xuống ngôi nhà nhỏ có chiếc lu đặt ở góc mảnh sân nhỏ có một hai chú cún con đang giỡn nhau.


Dải đất này đã sinh ra những con người trung nghĩa, tài giỏi. Đài tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cây đờn kìm vươn giữa trời xanh, nhìn nguy nga mà thanh thoát. Mỗi bậc thang đi lên là một lời nhắc ta nhớ đến người nhạc sĩ tài danh của miền đất này. Âm hưởng nhớ thương tha thiết của bản Dạ cổ hoài lang vang khắp khu tưởng niệm, khiến bước chân bỗng nhẹ và khóe mắt ta bỗng nhòe đi... Khu tưởng niệm nhà nho Phan Văn Trị và vợ ông nằm giữa khuôn viên của cây lá quê nhà khiến cho lòng người yên bình lại giữa màu xanh. Thoảng có tiếng chim kêu. Lá dừa xạc xào trong gió, những bông hoa khế tim tím rụng trên lối cỏ, làm rung lên nỗi lòng của kẻ hậu sinh với một nhà nho yêu nước thương dân, dù đã đi về “xứ mây trắng ngàn năm” nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng những con người, cảnh vật nơi đây.


Vui khi ngày đang nắng bỗng ào đến cơn mưa. Mưa gột hết bụi bặm, làm mềm lại, xanh hơn những cây lá quê kiểng. Mưa rây bụi mát lạnh trên cây cầu xây dẫn ta đến Điện gió Bạc Liêu. Những cánh quạt như trong câu chuyện cổ tích ngày xưa ta thường mê mải đọc, giờ đây đang chậm chậm quay để đem dòng điện làm giàu cho cuộc sống nơi đây. Trong tiếng mưa rơi dìu dịu, ta mơ hồ nghe có tiếng cười khúc khích của em gái nhỏ nào, và lời yêu của ai thủ thỉ bên tai.


Trong  đêm giao lưu và giới thiệu tác giả tác phẩm mới tại nhà hát Cao Văn Lầu, thật xúc động khi thấy những em bé 6 tuổi đã chững chạc với bài vọng cổ ca ngợi quê hương. Tuy có đôi chỗ còn non nớt do giọng còn chưa “chín”, nhưng không thiếu những chỗ em “đổ” thật ngọt, thật mùi. Ta sững sờ nhận ra có một dòng nghệ thuật truyền thống dân tộc vẫn đang ào ạt chảy ở đây.  Và ta cũng tin rằng: đây chính là thế mạnh, là nét riêng độc đáo của miền đất này.


Cà Mau… Đất Mũi đón ta bằng trời xanh mây trắng lồng lộng trên cao. Chan hòa là nắng. Chan hòa là gió. Rừng đước lênh khênh những cụm rễ cắm sâu vào lòng đất mẹ. Rưng rung đọc cho nhau nghe câu thơ từ thuở học vỡ lòng:


“Học đi em!


Học đi mà nhớ mãi


Quê hương ta một dải


Từ Mũi Cà Mau


Đến địa đầu Móng Cái…”


Thấy yêu thương dâng trào. Đất Mũi thiêng liêng đã chạm đến cõi riêng trong tim mỗi người. Bờ cõi nước ta, bao la Tổ quốc… mà bao thế hệ đã bồi đắp càng thêm thân thương xiết bao.


Có gì như nỗi bâng khuâng, man mác buồn khi nhìn ngoài khung cửa xe những dải đất mênh mông ngập nửa mình trong nước, những chòm cây mắm, cây sú xanh rì, những vạt dừa nước lá tốt bời bời. Hay lúc hai xe ngược chiều khó khăn xoay trở giữa hai dãy nhà hai bên ven con đường Đất Mũi. Xóm chài đấy: mấy chị, mấy mẹ lụm khụm bên những dây cá phơi khô, một em bé đầu trần, má lem một vệt bùn, tay xách xâu cá toòng teng, nhìn ta ngơ ngác. Ánh mắt ngây thơ trong trẻo, em cười đấy, ta cười đấy mà sao cứ thấy mặn mặn trên môi…


Thế rồi cũng phải đến lúc trở về. Lòng lại nhủ lòng: “Thương lắm, phương Nam ơi!”.Thêm một miền đất, một mảnh ký ức nữa ta nâng niu cất giữ để tự mình thấy yêu thêm cuộc sống và con người quanh ta, càng tự hào và yêu thêm Tổ quốc ta.


Nguyễn Thị Bích Thiêm