01:10, 03/10/2013

Cánh võng ru nôi

Lá thơm tàu hay còn gọi lá trân là thứ nguyên liệu gần như duy nhất dùng để đan võng ở quê tôi ngày trước. Cây thơm tàu như cây dứa dại, lá hơi dẹt, có nhiều gai nhọn hai bên mép. Lá chứa nhiều nước và xơ, xơ dùng để xe sợi bện võng.

Lá thơm tàu hay còn gọi lá trân là thứ nguyên liệu gần như duy nhất dùng để đan võng ở quê tôi ngày trước. Cây thơm tàu như cây dứa dại, lá hơi dẹt, có nhiều gai nhọn hai bên mép. Lá chứa nhiều nước và xơ, xơ dùng để xe sợi bện võng.


Là loài cây thích nghi với nhiều loại thời tiết, khô hạn cỡ nào thơm tàu vẫn xanh tốt. Ở vùng đất màu mỡ, nhiều cây thơm tàu có lá dài đến 3m. Khi lá hết phát triển thì cây thơm tàu cho hoa. Thân hoa cao đến 9 - 10m, chia thành nhiều nhánh nhỏ mang nhiều hoa. Hoa có hai màu xanh nhạt và đỏ thắm. Thân hoa cũng là thân cây, chứa toàn xơ.

 


Không ai biết chắc khi nào loài cây này ra hoa nên khi thấy hoa, người ta nghĩ ngay đến những chiếc võng xinh xinh mà thân cây này mang lại. Thường thì người ta không bán loại võng làm từ thân cây thơm tàu bởi nó rất thanh nhã và chắc chắn vì sợi xơ không phải xe nối như xơ lá nên sợi bện không to và thô. Vì là nghề nghiệp, hơn nữa thân hoa thơm tàu khá hiếm nên người dân quê tôi phải dùng lá của loài cây này để lấy xơ bện võng. Người ta thu hái lá già về nạo vỏ, róc gai xong, đập giập bó thành từng bó rồi đem ngâm ở ao hồ hay sông suối cho các loại nhuyễn thể trong lá thối rữa ra hết, sau đó vò giũ cho sạch rồi mới đem phơi. Khi xơ đã chín, nghĩa là không khô quá cũng không còn nhiều nước, người ta tước chúng ra thành sợi nhỏ rồi xe lại cho đều và đan. Người quê tôi xe sợi này rất thủ công, bằng cách đặt sợi xơ vào lòng bàn tay và vải quần hay da đùi nên rất vất vả và đau rát. Ngày ấy, vì thương mẹ, thương quần vải nâu mỏng mảnh, gai xơ châm rất đau nên tôi đã cố gắng tìm nhặt cho được cái bao đựng cát che chắn công sự hay bờ kè mà người ta vứt lăn lóc đâu đó. Loại bao này dệt bằng sợi đay khá mịn nhưng rất chắc chắn. Đó là tấm lót mà mẹ tôi quấn quanh đùi để “so găng” cùng với những sợi xơ thơm tàu. Võng đan xong thì phải phơi lại cho thật khô rồi mới đưa đi tiêu thụ hay để dành. Chính chiếc võng chứ không phải vật dụng nào khác đã dỗ dành tuổi thơ tôi khi mẹ vắng nhà. Nó như vòng tay mẹ ấm nồng nối vào tay bà để bà say sưa gửi lòng vào câu hát ru mà không phải lo lắng gì cho tôi.

 
Bây giờ, cây thơm tàu trở nên khan hiếm. Có chăng là nơi đất trống, đồi hoang bởi chúng chiếm khá nhiều diện tích, còn thu nhập từ chúng thì chẳng bõ so với công sức của người lao động nên nhà nào còn máy móc đan lát chuyên nghiệp thì người ta chuyển qua đan võng ni lông, võng chỉ dù hay võng vải... Mỗi lần nhìn các bạn trẻ ngồi trên những chiếc võng đong đưa ở những quán cà phê, quán nước, lòng tôi bỗng nhớ về thời xa xưa đầy ắp khó khăn nhưng rất dễ thương của mình; nhắc nhớ tôi về câu dân ca của bà, khúc ru nôi của mẹ...


LÝ THỊ MINH CHÂU