11:07, 26/07/2017

Nhớ những nhà thơ - liệt sĩ

Thơ của các nhà thơ liệt sĩ được viết rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, với đề tài phong phú và nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong số những người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy là anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Trần Quang Long…

Thơ của các nhà thơ liệt sĩ được viết rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, với đề tài phong phú và nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong số những người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy là anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Trần Quang Long…


1. Nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ sinh năm 1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguyễn Mỹ xuất hiện trên thi đàn với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc giữa những năm 60. Bài thơ mới lạ đến mức nhà thơ Xuân Diệu khen hết lời và đã giới thiệu trên Báo Văn nghệ.

 

“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/Tươi như cánh nhạn lai hồng/Trưa một ngày sắp ngả sang đông/Thu, bồng nắng vàng lên rực rỡ/“Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa/Chồng của cô sắp sửa đi xa/Cùng đi với nhiều đồng chí nữa/Chiếc áo đỏ rực như than lửa/Cháy không nguôi trước cảnh chia ly/Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy...”. Đọc những câu thơ ấy, chúng ta thấy Nguyễn Mỹ chọn hình tượng rất chọn lọc, độc đáo, cảnh chia ly không bi lụy, người ra đi và người ở lại đều giữ được tình cảm hào hùng của thời đại - cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, biến cái đau riêng thành nỗi đau chung, nhân niềm vui riêng cùng với niềm vui chung. Cũng vẫn là khung cảnh của một cuộc chia ly, nhưng đâu còn cái màu ảm đạm, cái buồn tê tái của nỗi chia xa. Một cuộc chia ly mà lại có màu thắm tươi của “cánh nhạn lai hồng”, và cái màu đỏ “chói ngời” trong nắng thu “vàng lên rực rỡ”.


Nguyễn Mỹ đã sống đẹp như thơ của mình. Thơ anh để lại không nhiều, chỉ có tập Sắc cầu vồng (in chung với Nguyễn Trọng Định). Anh là nhà thơ sắc lửa chói ngời.

 

Nhà thơ Nguyễn Mỹ và thủ bút của ông

Nhà thơ Nguyễn Mỹ và thủ bút của ông

 

2. Hơn 40 năm kể từ ngày nước nhà thống nhất, nhưng trong tâm hồn nhiều người vẫn luôn hiển hiện “những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đó là dáng đứng của nhà thơ, nhà giáo - liệt sĩ Lê Anh Xuân (tên khai sinh là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5-6-1940 tại xã An Hội, thị xã Bến Tre). Thập niên 60, với tên thật Ca Lê Hiến, nhiều bài thơ của anh xuất hiện lay động tâm thức mọi người. Năm 1963, đang là sinh viên Ðại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã vinh dự nhận giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn 1961 (do Hoài Thanh làm chủ khảo) với bài thơ “Nhớ mưa quê hương” với rất nhiều tâm trạng và nhiều câu thơ đẹp. Năm 1964, anh lên đường vào Nam công tác và chiến đấu. Nhà thơ sử dụng bút danh Lê Anh Xuân. Từ đây, Lê Anh Xuân đã cho ra đời những bài thơ hay như: Tiếng gà gáy, Trở về quê nội...


Mùa xuân năm 1968, lấy cảm hứng từ chiến dịch Mậu Thân, Lê Anh Xuân viết “Dáng đứng Việt Nam”: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.../Anh tên gì hỡi anh yêu quý/Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng/Như đôi dép dưới chân anh dẫm lên bao xác Mỹ/Mà vẫn một màu bình dị sáng trong!...”. Thơ Lê Anh Xuân đẹp và anh cũng sống đẹp như thơ.

 
3. Nguyễn Trọng Định (1939 - 1968) quê ở Thổ Khối, Gia Lâm (Hà Nội). Anh đã đăng nhiều thơ trên các báo, tạp chí như: Văn nghệ, Tiền Phong, Văn nghệ quân đội.


Thơ Nguyễn Trọng Định đằm thắm, sâu lắng. Và trước lúc ra chiến trường, anh suy nghĩ sâu xa hơn trách nhiệm Tổ quốc giao phó cho thế hệ anh - thế hệ mang sắc cầu vồng thanh niên gìn giữ non sông: “Đất nước dạy ta hiểu vũ trụ con người/Nhưng kỳ diệu áng cầu vồng tuổi nhỏ/Màu da cam lại là khói chùm tên lửa/Máu vàng này/Là đạn pháo một trăm năm/Sắc thanh niên là sắc áo người thân/Bao sự tích hôm nay lại ươm màu thần thoại/Đất anh hùng sắc cầu vồng cũng mới/Trong mắt ta nhìn càng thấy bao la...” (Sắc cầu vồng).


Từ chiến trường, bài “Quê hương anh Trỗi” chuyển ra Bắc, báo Nhân dân vừa in xong thì Nguyễn Trọng Định hy sinh. Đó là ngày 26-8-1968 tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuổi 26 dừng lại mãi thời trai trẻ nhưng thơ anh bất tử với thời gian.


 4. Nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long nguyên quán ở làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; anh lớn lên, tham gia các phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm ở Huế và sau đó in đậm bước chân cách mạng ở Quy Nhơn - Cần Thơ - Sài Gòn - Tây Ninh, song hành cùng thơ trên nẻo đường tranh đấu. Trần Quang Long làm thơ từ lúc còn thời sinh viên, nổi tiếng với bài thơ “Thưa mẹ trái tim” lúc anh mới 25 tuổi: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/Xuyên vào gan lũ giặc/... Nếu thơ con bất lực/Con xin nguyện trọn đời/Dùng chính quả tim làm trái phá/Sống chết một lần thôi”.


Thơ anh tràn đầy nhiệt huyết của một người dân mất nước sống trong chế độ hà khắc của Mỹ - Diệm. Thơ anh còn là tiếng nói tình cảm dạt dào của lứa tuổi thanh xuân. Trần Quang Long hy sinh tại rừng Tây Ninh năm 1968 do một trận bom B52 rơi trúng miệng hầm. Anh luôn được người đời sau ghi nhớ là một nhà thơ chiến sĩ đã sống và chiến đấu cho dân tộc của mình, vì tự do hạnh phúc của nhân dân.


Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, đất nước hòa bình, nhưng những vần thơ, những nhà thơ chiến sĩ - liệt sĩ ấy “vẫn như ngọc sáng ngời’, sáng mãi cùng thời gian.


NGUYỄN VĂN THANH