11:07, 28/07/2017

Mai này, còn ai hát sử thi!

Hay tin nghệ nhân Mấu Thị Giêng (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vừa khuất núi, lòng chợt ngậm ngùi! Bởi, bà Giêng là một trong số ít người ở Khánh Sơn còn biết hát sử thi Raglai. 

Hay tin nghệ nhân Mấu Thị Giêng (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vừa khuất núi, lòng chợt ngậm ngùi! Bởi, bà Giêng là một trong số ít người ở Khánh Sơn còn biết hát sử thi Raglai. Cách đây gần 10 năm, tôi cùng vài đồng nghiệp đã tìm đến nhà nghe già Giêng hát sử thi. Bên bếp lửa, người nghệ nhân quên hết thời gian để hồn vào câu chuyện từ thuở hồng hoang với những cuộc đấu tranh của người anh hùng với các thế lực siêu nhiên, cuộc chiến gìn giữ sự yên bình cho bản làng…


Sử thi (Akhat Jucar) đã được người Raglai gìn giữ bao đời. Thế nhưng, những bài ca hùng tráng ấy đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu như: Nguyễn Thế Sang, Trần Vũ, Trần Kiêm Hoàng, Mấu Quốc Tiến… đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm, ghi lại hàng chục sử thi của người Raglai. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sử thi chỉ thật sự “sống” khi còn có người kể (hát), người nghe. Nếu như dòng chảy diễn xướng sử thi của người Raglai không được duy trì, sử thi chỉ còn là những văn bản “chết”. Ý thức được điều này, cách đây hơn 10 năm, huyện Khánh Sơn đã mở lớp dạy sử thi cho con em người Raglai theo kiểu truyền miệng. Đáng tiếc, những lớp học sử thi không được duy trì lâu dài. Những đứa trẻ học sử thi ngày ấy chắc cũng chẳng còn nhớ được là bao, bởi bao năm qua các em không có môi trường diễn xướng. Những trích đoạn sử thi mà các em học được cũng đã rơi rớt theo chuyện mưu sinh, theo những chuyến lên nương rẫy!


Năm 2015, huyện Khánh Sơn có 4 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian gồm: Mấu Quốc Tiến, Cao Thị Quang, Cao Thị Thanh, Mấu Thị Giêng. Hiện nay bà Giêng đã về với núi. Các con cháu của bà khi được hỏi đến chuyện hát sử thi ai cũng lắc đầu nguầy nguậy “chịu thôi, khó lắm”. Điều đó cũng có nghĩa những pho sử thi được truyền đời đến đây dường như đã đứt gãy.


Thiết nghĩ, để bảo tồn sử thi Raglai, bên cạnh việc tổ chức sưu tầm và nghiên cứu, ngành Văn hóa và UBND huyện Khánh Sơn cần có kế hoạch tổ chức tiếp các lớp truyền dạy sử thi, xây dựng các câu lạc bộ sử thi để các bạn trẻ yêu thích sử thi có môi trường sinh hoạt. Đặc biệt, để sử thi thật sự là văn hóa “sống”, ngành Văn hóa và huyện Khánh Sơn cần nghiên cứu đưa sử thi vào các hội diễn về văn nghệ dân gian, liên hoan các làng văn hóa, ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam…  Có như vậy, sử thi Raglai mới có đất sống, mới được truyền đời. Và khi ấy sử thi Raglai mới thực là “sử thi” - một loại hình diễn xướng dân gian mang đậm hồn cốt của đại ngàn!


XUÂN THÀNH