11:01, 05/01/2016

Chiến trường Khánh Hòa trong truyện ngắn của Trí Nhân

Vốn là người làm thơ, song mới đây, nhà thơ Trí Nhân (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa) đã làm không ít bạn đọc ngạc nhiên khi ra mắt tập truyện ngắn khá đầy đặn với 42 tác phẩm, mang tên Nỗi đau cuộc chiến (Nhà xuất bản Thuận Hóa - 2015). ...

Vốn là người làm thơ, song mới đây, nhà thơ Trí Nhân (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa) đã làm không ít bạn đọc ngạc nhiên khi ra mắt tập truyện ngắn khá đầy đặn với 42 tác phẩm, mang tên Nỗi đau cuộc chiến (Nhà xuất bản Thuận Hóa - 2015). Đề tài được đề cập trong tập truyện ngắn khá rộng, nhưng tác giả đã dành khá nhiều trang viết về đề tài chiến tranh, đặc biệt là về chiến trường Khánh Hòa.

 


Là người cầm súng trực tiếp chiến đấu tại các địa bàn thuộc Khánh Hòa trong những năm chống Mỹ, tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội của mình vật lộn trong cảnh mưa bom, bão đạn, nên những trang viết của Trí Nhân về chiến tranh luôn chân thực, sống động. Bên cạnh sự dũng cảm, mưu trí đánh địch, tác giả không ngần ngại đề cập đến sự mất mát, hy sinh. Có những chiến sĩ buổi sáng vừa đùa vui cùng bạn bè, buổi chiều sau một trận chống càn đã ra đi vĩnh viễn; có người đêm ngủ trên võng, sáng ra đã không còn nữa vì một mảnh pháo vô tình găm vào đầu... Hàng loạt truyện ngắn của anh như: Cô gái Thanh Minh, Bệnh lạ, Người còn sống, Ngôi mộ liệt sĩ, Thùng bánh tết dưới vực sâu, Nhịn đói nuôi thương binh, Ngôi nhà tình nghĩa…, mỗi truyện diễn đạt một khía cạnh của chiến tranh với sự khốc liệt mà cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua vì sự nghiệp giải phóng đất nước.


Không chỉ đề cập đến sự chịu đựng, hy sinh và lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ ta trong chiến đấu, ở một số truyện ngắn, cùng với những phong tục, nếp sống... gắn liền với những tên đất, tên làng thuộc các địa phương như Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những chuyện rất nhỏ, chỉ bên lề cuộc chiến, song rất lạ, rất đáng chú ý, mà chỉ có  người trong cuộc mới biết được. Chẳng hạn như chuyện hai cán bộ của ta ở trên vùng núi phía nam Khánh Hòa trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đêm đêm, họ thấy một chú cọp rất to đến nằm gần cái lán nhỏ của mình nên rất sợ, cứ tưởng con vật rình mò, định tấn công mình. Nhưng dần dần họ phát hiện ra, chú cọp chỉ đến khi họ mở radio để nghe. Từ đó, người và thú trở nên quen dần và như để trả ơn, thỉnh thoảng chú cọp lại bỏ trong lùm cây gần đó một con cheo, hay một con thỏ đã bị giết chết. Một lần, hai anh đi công tác xa trở về thì thấy mấy chiến sĩ du kích người địa phương bắn chết con cọp nên lấy làm tiếc, đành đổi xác cọp bằng chiếc võng ni lông để mang đi chôn… (Chú cọp thích nghe đài). Đức, nhân vật chính trong truyện ngắn Mẹ gấu lại gặp một tình huống khá lạ lùng. Khi hành quân trong rừng sâu, do bị sốt rét nên anh dừng lại nghỉ ngơi, không ngờ sau đó bị lạc đơn vị. Anh sốt mê man, đến khi tỉnh dậy mới hay mình bị một con gấu to mang về hang đặt nằm cạnh hai chú gấu con. Sợ, song sau đó tự trấn an mình, anh bèn bò lại gần chỗ gấu mẹ đang nằm cho con bú và bú đại một hơi dài. Nhờ có ít sữa gấu, sức khỏe của Đức hồi phục và sau đó, chờ gấu mẹ đi tìm mồi, anh liền trốn khỏi hang. Sau này, Đức kể lại mọi chuyện nhưng không ai tin. Còn Đức, anh không thể hình dung được trên dãy Trường Sơn kia lại có những điều bí ẩn không thể giải thích được.


Nhìn chung, ngoài một số truyện ngắn của Trần Vũ Mai được in và giới thiệu trong những năm đầu đất nước thống nhất, từ trước đến nay, tác phẩm văn học về chiến trường những năm chống Mỹ ở Khánh Hòa không có nhiều. Sự ra đời của tập truyện ngắn Nỗi đau cuộc chiến đã góp thêm tiếng nói, giúp cho người đọc hiểu thêm về sự hy sinh, gian khổ cũng như chiến công của quân và dân ta đã lập nên ở vùng đất này.    


                                                                                  
HOÀNG VĂN