10:01, 05/01/2016

Ngõ chợ

Nói về địa danh thì đấy là con đường nhỏ gần với chợ. Tuy nhiên, khi nghĩ về nơi ấy, ai cũng có chút buồn đầy xa vắng. Cho tới tận hôm nay, không gian mua bán ở chợ đã trở lên sầm uất gấp bội so với trước, nhưng ngõ chợ vẫn vậy, bình thản như một người đã trải qua thời gian.

Nói về địa danh thì đấy là con đường nhỏ gần với chợ. Tuy nhiên, khi nghĩ về nơi ấy, ai cũng có chút buồn đầy xa vắng. Cho tới tận hôm nay, không gian mua bán ở chợ đã trở lên sầm uất gấp bội so với trước, nhưng ngõ chợ vẫn vậy, bình thản như một người đã trải qua thời gian.


Xưa, chợ là nơi hội tụ tất cả những gì về vật chất và tinh thần của mọi người. Không phải ngẫu nhiên đất Kinh Kỳ - Thăng Long xưa được gọi là kẻ chợ. Nơi đó, con người có thể hoàn toàn mưu sinh tự do nhất cho mình, nếu không muốn nói là rất thuận lợi vì “phi thương bất phú”. Còn người quê thầm ước được sống nơi kẻ chợ, Giàu thôn quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ. Do vậy, từ các thương gia năm châu bốn biển cho tới tao nhân mặc khách, văn nghệ sĩ đều muốn tá túc gần chợ. Chính vì sức hút đó mà dù xung quanh chợ rất chật chội, họ sẵn sàng chấp nhận không gian sống hạn chế của mình từ giao thông, nhà ở, vị trí... Vì xưa đất đai đâu có thiếu thốn như ngày nay.


Ngõ chợ là không gian tiệm cận với chợ. Nó hội tụ đầy đủ những yếu tố trạng thái mà con người đều cần có: sáng sớm ồn ào, nửa trưa dịu nguội, buổi chiều bùng lên để tối về thanh bình. Về góc độ nhu cầu sinh hoạt thường ngày, người ngõ chợ có thể thủng thẳng bước ra để mua sắm bất cứ thứ gì mình thích với tâm thế của người bản địa vì quen thuộc. Về thông tin, dù xưa không có đài báo, internet thì chỉ cần rảo bước ra đầu chợ có thể nắm biết toàn bộ thông tin một vùng rộng lớn. Với văn nhân, họ sẽ lang thang dạo bước để ngắm nghía, lắng nghe mọi giai tầng xã hội ở chợ để làm vốn sống cho mình. Vì thế, không phải ngẫu nhiên các nhà thơ văn xưa trú ngụ ở ngõ chợ rất nhiều. Có những ngõ chợ nổi tiếng ở Hà Nội như: ngõ chợ Khâm Thiên, ngõ chợ Mơ, ngõ chợ Hôm...


Ở Nha Trang, Chợ Đầm dù phát tích từ bến nước nhưng vẫn có những ngõ chợ rất điển hình sau thành tên đường như: Xương Huân, Hàng Cá, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Bây giờ, nơi đây có nhiều công trình cổ mang đậm dấu ấn thời gian. Ai đến đây chỉ ở một ngày đêm sẽ cảm nhận đúng nghĩa trạng thái riêng của ngõ chợ. Đó chính là những mảng văn hóa riêng biệt của người Việt về chợ.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG