05:01, 09/01/2016

3 thế hệ trên cùng sân khấu bài chòi

Bao năm qua, sân khấu bài chòi vừa là niềm đam mê, vừa là sợi dây tình cảm gắn kết các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Thống. Và cũng từ cái nôi nghệ thuật gia đình đó, bao thế hệ học trò trưởng thành, ....

Bao năm qua, sân khấu bài chòi vừa là niềm đam mê, vừa là sợi dây tình cảm gắn kết các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Thống. Và cũng từ cái nôi nghệ thuật gia đình đó, bao thế hệ học trò trưởng thành, đã và đang góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.


Chung niềm đam mê


Nhân dịp người bạn xa quê hương nhiều năm về thăm, tôi giới thiệu đến bạn buổi diễn xướng của gia đình 3 thế hệ có cùng tình yêu với nghệ thuật bài chòi. Buổi tối cuối tuần hôm ấy, tại khu vực Quảng trường 2-4, Nha Trang, tiếng trống rộn ràng hòa lẫn với âm sắc đặc trưng của cây guitar phím lõm như thôi thúc người xem. Cậu em út cầm đôi dùi trống đánh liên hồi, xen lẫn khúc guitar trầm bổng của anh trai cùng tiếng đàn nhị réo rắt của người cha... Người đàn, người hô, hát… tất cả tấu lên “bản nhạc gia đình” vẫn luôn đượm tình qua bao năm tháng.

 

Một buổi biểu diễn của gia đình ông Thống
Một buổi biểu diễn của gia đình ông Thống


Hỏi về cơ duyên đã đưa cả gia đình mình đến với nghệ thuật bài chòi, ông Nguyễn Đức Thống cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em tại một làng quê nghèo ở Phú Yên. Ba tôi là giáo viên nhưng rất say mê nghệ thuật tuồng, biết hát và chơi nhiều nhạc cụ dân tộc. Từ thời thơ bé, tôi đã được học đàn bầu, đàn nhị và hát nhiều bài bản, trích đoạn trong các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ba tôi cũng mời nhiều nghệ danh thập niên 60 trong vùng về tổ chức hát, đàn, đồng thời ở lại để dạy âm nhạc cho các con. Vốn âm nhạc trong tôi được bồi đắp qua nhiều năm tháng. Đến năm 1977, tôi gia nhập Đoàn nghệ thuật tuồng Phú Khánh. Năm 1978, tôi lập gia đình, vợ tôi là con gái của nghệ nhân Nguyễn Dương, từng được vua Thành Thái phong tặng biệt danh “Chính ca”. Và đây cũng là người thầy đã truyền dạy cho tôi nhiều vai diễn trong nghệ thuật âm nhạc đặc biệt này”.


Sau khi 4 người con của ông Thống là Nguyễn Thanh Dũng, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Đức Phú và Nguyễn Đức Phụng lần lượt ra đời, cũng là lúc vợ chồng ông thành lập Đoàn tuồng Đồng Ấu - Triều Dương và bắt đầu những chuyến lưu diễn khắp nơi. Trong thời gian lưu diễn, sân khấu chính là nhà và cũng là trường học của các con ông và những học trò. Ban ngày, họ được vợ chồng ông dạy hát, dạy đàn. Đến tối, những cô, cậu học trò này lại trở thành diễn viên trên sân khấu, thực hành bài vừa học. Và cứ thế, tình yêu nghệ thuật được nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác...  


Chị Kim Chi, con gái ông Thống, nhớ lại: “Hồi còn ở thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa, phòng khách của gia đình chính là sân khấu, nơi ba mẹ hướng dẫn chúng tôi tập luyện hàng ngày. Anh em tôi đều trưởng thành từ sân khấu nhỏ này. Chúng tôi may mắn được tiếp xúc và sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ, ba mẹ vừa là bạn diễn, vừa là người thầy uốn nắn từng lời ca, nốt nhạc, cử chỉ, điệu bộ… Tôi đạt được 2 huy chương vàng vào năm 2007, 2013. Thành công của chúng tôi hôm nay đều bắt nguồn từ cái nôi nghệ thuật của gia đình”.


Hiện nay, ngoài đảm nhận đào, kép hát, các thành viên trong gia đình còn chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Ông Thống có thể đàn được các nhạc cụ: đàn nhị, guitar, bầu, nguyệt... Con trai trưởng Thanh Dũng biết chơi đàn guitar phím lõm, bầu, nhị, hạ... Anh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng, Trung tâm Văn hóa tỉnh và là Trưởng đoàn nghệ thuật miền Trung. Em trai Đức Phú thành thạo ngón đàn nhị, organ, trống... Em út Đức Phụng chơi được trống, nhị... Như có sự sắp đặt, các con ông lại bén duyên với những người trong lĩnh vực nghệ thuật, tạo nên một đại gia đình thêm yêu thương, gắn bó qua tiếng đàn, lời ca…

 
Điểm hẹn cuối tuần của đại gia đình


Như một điều hết sức tự nhiên, từ lúc nào, sân khấu nghệ thuật truyền thống trở thành một điểm hẹn của cả đại gia đình, từ ông bà, cha mẹ, con cháu, dâu rể. Đó là nơi tất cả các thành viên trong gia đình được gặp gỡ, cùng thể hiện tài năng đàn, hô, hát…, thỏa niềm đam mê nghệ thuật và góp nên một chương trình đầy màu sắc ở phố biển.

 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, từ Festival Biển 2013, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phục dựng lại trò chơi diễn xướng dân gian bài chòi do nhóm nghệ nhân gia đình biểu diễn. Chương trình được duy trì vào cuối tuần tại khu vực Quảng trường 2-4. Đặc biệt, đây cũng là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc trong những ngày đầu xuân... Nhiều du khách tỏ ra thích thú với âm nhạc dân tộc, trang phục lạ mắt và có những người đến với buổi diễn để mong tìm lại đâu đó ký ức về một thời đã qua…

Chị Kim Chi chia sẻ: “Nghề diễn viên cũng có nhiều niềm vui. Vui vì gặp được những khán giả tỏ ra thích thú, say sưa chăm chú nghe và cổ vũ nhiệt tình. Nhưng có lẽ điều hạnh phúc nhất đối với các thành viên đó là mỗi buổi biểu diễn trở thành dịp để cả gia đình được tụ họp đông đủ bên nhau, tình cảm gia đình thêm gắn bó theo năm tháng”.


Có lẽ cũng chính vì điều đó mà ngoài 60 tuổi nhưng dường như nghiệp diễn của ông Nguyễn Đức Thống vẫn chưa dứt. “Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, máu nghệ thuật đã ăn sâu trong tâm hồn nên cho đến bây giờ tôi vẫn say với tiếng đàn, lời ca. Việc tham gia sân khấu bài chòi cùng các con cho tôi thêm niềm vui, tiếng cười và cảm nhận cuộc sống thêm ý nghĩa. Đặc biệt, trên sân chơi nghệ thuật, tôi được ở bên cạnh gia đình, nhìn con, cháu trưởng thành, cảm nhận được “trái ngọt” mà bao năm vợ chồng tôi đã vun trồng. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì có thể so sánh được…”, ông bày tỏ.


NHƯ THẢO