12:11, 16/11/2013

Họa sĩ Thanh Hồ: Đi đến tận cùng một tình yêu

Đến thăm họa sĩ Thanh Hồ vào một ngày cuối thu, ngôi nhà ở 2B Cổ Loa (TP. Nha Trang) vẫn thế, cũ kỹ nhuốm màu thời gian, phía trước lá bàng đỏ ối rụng đầy mặt đường. Căn phòng vẽ của người họa sĩ già bề bộn tranh ảnh, chỉ có ông vẫn luôn tươi mới, hồn nhiên như thuở nào!

Đến thăm họa sĩ Thanh Hồ vào một ngày cuối thu, ngôi nhà ở 2B Cổ Loa (TP. Nha Trang) vẫn thế, cũ kỹ nhuốm màu thời gian, phía trước lá bàng đỏ ối rụng đầy mặt đường. Căn phòng vẽ của người họa sĩ già bề bộn tranh ảnh, chỉ có ông vẫn luôn tươi mới, hồn nhiên như thuở nào!

 

1
Họa sĩ Thanh Hồ.


 

Những ngã rẽ cuộc đời


Gần 2 năm nay, tôi không gặp họa sĩ Thanh Hồ. Gọi điện hỏi thăm, ông cho biết vừa mổ thoát vị đĩa đệm nên tôi đã đến thăm. Gặp lại người họa sĩ già, chuyện trò loanh quanh lại quay về với con đường nghệ thuật của ông. Một lần từ quê nhà ra phố, anh thanh niên Lê Thanh (tên thật của họa sĩ Thanh Hồ, quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vô tình lạc bước đến tiệm vẽ của họa sư Nguyễn Viết Hậu. “Ngay từ phút đầu tôi đã không rời mắt các bức tranh. Suốt ngày hôm đó, tôi cứ lẩn quẩn, loanh quanh ở tiệm vẽ. Thấy lạ, ông chủ tiệm vẽ gọi lại hỏi chuyện, rồi ông nhận tôi làm học trò...” - ông nhớ lại. Sau 5 năm học nghề, Thanh Hồ xin phép thầy ra đi đây đó để học hỏi, trau dồi thêm tay cọ.

 
Sau khi trụ lại Quy Nhơn một thời gian ngắn, Thanh Hồ dự định vào Sài Gòn nhưng rồi dòng đời đưa đẩy đã khiến ông dừng lại ở Nha Trang và gắn bó luôn với miền đất này. Khởi đầu, Thanh Hồ xin được chân làm họa sĩ vẽ áp phích cho rạp chiếu bóng Tân Quang. Suốt ngày tô vẽ chân dung các tài tử điện ảnh, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của chàng trai xứ Quảng vẫn khao khát được làm một nghệ sĩ đích thực. Ngoài giờ làm việc ở rạp phim, ông lao vào sáng tác; chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có trong tay hàng chục tác phẩm. Năm 1965, ông tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên với gần 70 bức tranh sơn dầu, gây được sự chú ý của công chúng. Những bức tranh của họa sĩ trẻ luôn trĩu nặng một nỗi buồn - nỗi buồn chiến tranh... mà Ngõ tím là tác phẩm tiêu biểu. Xót xa trước quê hương điêu tàn vì đạn bom, ông đã vẽ nhiều bức tranh thể hiện khao khát hòa bình với hình ảnh những người dân vui cày trên đồng, cánh chim thỏa sức tung cánh trên bầu trời xanh... Dù chỉ còn lại vài bức tranh của thời kỳ ấy, tôi vẫn có thể hình dung được những suy tư về thời cuộc, những tư tưởng nghệ thuật của ông.

 

1
Họa sĩ Thanh Hồ tại triển lãm tranh cá nhân ở TP. Hồ Chí Minh.

 

Sau năm 1975, Thanh Hồ về làm họa sĩ trình bày ở Tòa soạn Báo Phú Khánh (nay là Báo Khánh Hòa) và tiếp tục gắn bó với giá vẽ. Ông đặc biệt thích sử dụng những gam màu lạnh gợi cảm giác bình yên, êm đềm với những đường nét khá mềm mại. Càng về sau, tranh của ông càng trong trẻo hơn với những bức tranh chủ đề về biển, quê hương, trong đó nhiều bức đã được chọn triển lãm mỹ thuật toàn quốc, được giải thưởng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên... Nhưng điều người ta yêu mến Thanh Hồ hơn cả chính là tinh thần nghệ sĩ của ông. Thanh Hồ đã đến với mỹ thuật một cách hồn nhiên, và gắn bó với nghệ thuật đến suốt đời.


Mãi một tình yêu


Sau 8 năm, tôi mới lại bước lên phòng vẽ của họa sĩ Thanh Hồ. Mọi thứ vẫn bề bộn như xưa, tranh, toan, các phác thảo, ký họa, minh họa, giải thưởng... tất cả những gì gắn với cuộc đời nghệ thuật của ông đều ở đó. Tôi cứ hình dung cảnh ông loay hoay trong không gian nhỏ hẹp ấy để tạo nên những bức tranh sống động mà không khỏi xúc động... Ông lần giở cho tôi xem album ghi lại những tác phẩm mà ông đã vẽ trong suốt mấy chục năm, có tác phẩm vẫn đang ở lại bên ông nhưng cũng có những cái đã theo chân người sưu tập đi đến tận phương trời nào.


Suốt mấy chục năm theo nghề, ngoài các tác phẩm sơn dầu, Thanh Hồ có cả một gia tài ký họa chân dung. Ở đó, có những gương mặt nổi tiếng như họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, nhà điêu khắc Đinh Rú, nhà văn Võ Hồng, Đào Xuân Quý, nhạc sĩ Tố Hải, nhạc sĩ Nguyễn Cường... mỗi người mỗi vẻ nhưng đều toát lên nét đặc trưng qua từng ánh mắt, nụ cười, vầng trán, mái tóc. Theo dòng thời gian, số tranh ký họa chân dung của ông ngày càng nhiều hơn qua chuyến đi, những lần tao ngộ. Nhiều bạn bè khuyên ông nên in sách ký họa chân dung để cho mọi người thưởng lãm. Ý tưởng thì hay, nhưng chưa làm được nên mới đây Thanh Hồ đã nhờ con trai lập Facebook đưa các tác phẩm của mình lên đó để những ai yêu thích có thể vào xem, cũng là cách giúp ông kết nối với bạn bè.


“Nhớ cây cọ lắm rồi. Vài bữa nữa, cái lưng hết đau sẽ vẽ lại”, lời tâm sự trước lúc chia tay cho thấy Thanh Hồ vẫn say đắm với hội họa - tình yêu thuở đầu đời đã lôi tuột ông ra khỏi chốn yên bình ở quê nhà để dấn thân vào đường đời gió bụi.


XUÂN THÀNH


“Ngõ tím”... tìm về

Lần gặp này, họa sĩ Thanh Hồ vui vẻ cho biết mình vừa gặp lại họa phẩm Ngõ tím đã được bán cho một bác sĩ người Mỹ sau triển lãm năm 1965. Chuyện là, mới đây, ông nhận được email từ Mỹ trong đó có in hình bức tranh Ngõ tím. Trong thư, Alexander Mittelmanm - con trai của vị cố bác sĩ năm xưa cho biết bức tranh này là một “kỷ vật chiến tranh” của cha mình. Anh kể rằng: “Khi cha tôi còn sống, ông thường kể chuyện với bạn bè về cuộc chiến tranh vô nghĩa mà Mỹ đã gieo rắc và gây biết bao tội lỗi ở Việt Nam... Sau những câu chuyện ấy, cha tôi không quên giới thiệu bức tranh Ngõ tím, rồi phân tích tỉ mỉ nội dung ý nghĩa của bức tranh cho mọi người nghe... Tôi nghĩ bức tranh như một vùng ký ức về chiến tranh đã in đậm trong tâm trí ông ấy...”. Alexander Mittelmanm cũng muốn biết thêm một số thông tin về bức tranh cũng như tác giả đã làm ra nó.

Bức tranh “Ngõ tím” của họa sĩ Thanh Hồ.
Bức tranh “Ngõ tím” của họa sĩ Thanh Hồ.


Ngõ tím vẽ một ngõ nhỏ hoang tàn của một miền quê đầy vết tích đạn bom. Giữa bầu trời sẫm tím lúc hoàng hôn, cây trụi lá đâm nát trời chiều, con ngựa gầy còm xác xơ, con bù nhìn chơ vơ bên đường... Trên con ngõ nhỏ nổi bật lên hình ảnh một phụ nữ đang ôm chặt lấy đứa con, phía xa là người lính khập khễnh trên đôi nạng gỗ; 2 người đi về hai hướng, làm người xem có cảm tưởng như người vợ không muốn nhìn mặt người chồng đã tham gia cuộc chiến phi nghĩa... Tất cả được vẽ bằng gam màu tím pha hồng, gợi một nỗi buồn man mác - nỗi buồn chiến tranh.