08:09, 25/09/2013

Số hóa truyền hình - Câu chuyện còn dài

Theo đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất”, ngày 31-12-2016 là hạn cuối để các đài truyền hình ngừng phát sóng truyền hình analog trên địa bàn Khánh Hòa, chuyển sang phát sóng truyền hình số.

Theo đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất”, ngày 31-12-2016 là hạn cuối để các đài truyền hình ngừng phát sóng truyền hình analog trên địa bàn Khánh Hòa, chuyển sang phát sóng truyền hình số. Hạn định thời gian này là thách thức không nhỏ, bởi vấn đề không chỉ là kỹ thuật phát sóng mà còn phụ thuộc vào túi tiền của người dân…


Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Theo đề án này, việc chuyển đổi công nghệ truyền hình số sẽ được tiến hành thử nghiệm trước ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; sau đó sẽ mở rộng trên toàn quốc. Khánh Hòa (nằm trong 20 tỉnh thành nhóm II) sẽ chấm dứt việc phát sóng truyền hình analog trên địa bàn từ ngày 31-12-2016.


Thời của truyền hình số


Đề cập đến vấn đề số hóa truyền hình, ông Trương Tấn Minh - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Khánh Hòa cho biết: Việc chuyển đổi sang truyền hình số là xu thế tất yếu; trong đó, VTC, Truyền hình K+ và  Truyền hình An Viên (AVG) đã đi trước một bước. Việc số hóa khâu truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất là xu thế phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng truyền hình analog. Truyền hình số có nhiều ưu thế như: Máy phát có thể phát nhiều kênh một lúc trên một tần số, chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn công nghệ analog...  

Phòng phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa được trang bị hiện đại, sẵn sàng chuyển sang phát sóng bằng kỹ thuật số.
Phòng phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa được trang bị hiện đại, sẵn sàng chuyển sang phát sóng bằng kỹ thuật số.


Từ năm 2011, Đài PT-TH Khánh Hòa đã bắt đầu từng bước chuyển đổi sang công nghệ số. Đài đã đầu tư kinh phí để mua camera, thiết bị kỹ thuật dựng hình, thu âm, lồng tiếng... theo công nghệ mới. Ông Phạm Văn Biến - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng của Đài PT-TH Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, việc sản xuất, truyền dẫn, lưu trữ chương trình của đài đều bằng kỹ thuật số. Ngay thời điểm này, chỉ cần đầu tư thêm máy phát là đài có thể chuyển ngay sang phát sóng truyền hình số. Vấn đề số hóa truyền hình, các đài truyền hình chỉ đóng vai trò là nhà sản xuất và cung cấp chương trình, hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn do doanh nghiệp triển khai”. Đài PT-TH Khánh Hòa đã trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch số hóa việc phát sóng, truyền dẫn truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh. Nếu mọi việc thuận lợi, việc phát sóng bằng kỹ thuật số sẽ được tiến hành trước năm 2016. Ông Trương Tấn Minh cho biết: “Hiện nay, đã có đơn vị đặt vấn đề với chúng tôi về việc phối hợp triển khai số hóa phát sóng truyền hình mặt đất. Chúng tôi sẽ hợp tác với đơn vị nào có khả năng phủ sóng rộng nhất đến với người tiêu dùng, tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và con người của đài”.


Theo quy định của Chính phủ, trong quá trình triển khai số hóa truyền hình mặt đất, các doanh nghiệp không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu... Tuy nhiên, khi triển khai truyền hình số mặt đất, để xem được chương trình, người xem phải dùng đầu thu giải mã (set top box) hoặc ti vi thế hệ mới có tích hợp bộ phận giải mã kỹ thuật số. Để phù hợp với đề án số hóa truyền hình mặt đất, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định: Từ ngày 1-4-2014, ti vi sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo có kích thước màn hình trên 32 inches, được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất... Từ ngày 1-5-2015, sẽ áp dụng quy định này cho ti vi cùng công nghệ có kích thước dưới 32 inches.


Phát song song truyền hình analog và truyền hình số mặt đất


Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2016, Khánh Hòa sẽ ngừng phát sóng truyền hình công nghệ analog. Tuy nhiên, ông Trương Tấn Minh cho rằng, việc phát sóng truyền hình analog có thể sẽ kéo dài hơn so với hạn định, bởi việc chuyển đổi này không chỉ có sự đầu tư của doanh nghiệp, mà người dân cũng phải đầu tư thêm bộ giải mã số hoặc sắm ti vi thế hệ mới. “Vấn đề không phải phát sóng bằng kỹ thuật số, mà điều quan trọng là bao nhiêu người xem được truyền hình số, bởi người dân không phải ai cũng có tiền để mua đầu thu”, ông Minh bày tỏ.


Theo đề án, giai đoạn 2011 - 2020 sẽ có 1.710 tỷ đồng dành để hỗ trợ người dân mua đầu thu truyền hình số từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa có quy định cụ thể về đối tượng, mức hỗ trợ cho người dân mua đầu kỹ thuật số. Ông Trương Tấn Minh cho rằng, trong tương lai, khi triển khai dự án số hóa truyền hình, Đài PT-TH Khánh Hòa sẽ phát song song cả truyền hình analog và truyền hình số mặt đất. Bao giờ số người xem truyền hình số đạt 70%, đài mới ngưng phát sóng truyền hình analog.


Hiện nay, Đài PT-TH Khánh Hòa đã thực hiện việc phát sóng qua vệ tinh (phủ sóng rộng, không chịu ảnh hưởng bởi địa hình) để phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa. Cuối năm 2012, đài đã hỗ trợ người dân thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) hơn 40 bộ ăng ten chảo để thu tín hiệu truyền hình qua vệ tinh... Lãnh đạo Đài dự tính, ngay cả khi chuyển đổi sang truyền hình số, Đài vẫn tiếp tục phát sóng truyền hình qua vệ tinh.  


XUÂN THÀNH


Đề án số hóa truyền hình mặt đất đặt mục tiêu: Đến năm 2015, 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân số. Đến năm 2020, đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.