08:02, 16/02/2016

Chuyện gác hải đăng ở Trường Sa

Hiên ngang đứng giữa biển khơi, những ngọn hải đăng ở Trường Sa ngày ngày làm nhiệm vụ hướng dẫn cho tàu thuyền qua lại an toàn. Không chỉ thế, đây còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Hiên ngang đứng giữa biển khơi, những ngọn hải đăng ở Trường Sa ngày ngày làm nhiệm vụ hướng dẫn cho tàu thuyền qua lại an toàn. Không chỉ thế, đây còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.


Chúng tôi đến thăm Trạm hải đăng đảo Song Tử Tây vào những ngày cuối năm. Đã qua bao mùa biển động, ngọn hải đăng cao 36m này vẫn sừng sững như “mắt thần” giữa Biển Đông.

 

Ông Bùi Văn Sơn làm vệ sinh đèn hải đăng
Ông Bùi Văn Sơn làm vệ sinh đèn hải đăng


Không như những ngọn hải đăng khác được xây dựng ở sát bờ biển, hải đăng Song Tử Tây nằm sâu trong đảo. Đây là ngọn hải đăng duy nhất ở quần đảo Trường Sa có đèn cấp 1, ánh sáng trắng, chớp đơn chu kỳ 15 giây, có độ chiếu xa 22 hải lý. Cùng với âu tàu Song Tử Tây, hải đăng chỉ đường cho tàu bè nương tựa vào âu tàu, đón tàu bè gặp nạn, tránh trú bão, bảo đảm an toàn hàng hải.


Ông Trần Văn Chiến - Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Song Tử Tây, người đã có 20 năm gắn bó với nhiều trạm hải đăng ở Trường Sa cho biết: Để hải đăng không bao giờ tắt, những người thợ đèn phải làm việc 24 giờ/ngày. Công việc mỗi ngày là kiểm tra kỹ nguồn năng lượng cung cấp cho đèn, các nguồn thiết bị và máy móc kỹ thuật khác đảm bảo chất lượng ánh sáng, độ chiếu xa và chớp của đèn. Nguồn năng lượng chính để hải đăng chiếu sáng được lấy từ gần 40 tấm pin năng lượng mặt trời. Cạnh đó, năng lượng điện được anh em tích lũy vào ắc quy mỗi ngày để tránh các tình huống mất điện bất ngờ.


Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chiến vẫn nhớ như in có lần bão lớn đi qua làm vỡ kính, sét đánh cháy đèn, cháy luôn ắc quy nhưng toàn trạm vẫn kiên cường trong mưa bão để thay thế thiết bị dự phòng, khắc phục sự cố. “Để hoàn thành tốt công việc, cũng như bộ đội, anh em chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu trong ngày như tắt và lau chùi đèn vào ban ngày, tối phân ca trực, bật đèn và trực đến sáng” - ông Chiến nói.

 

Hiện nay, Trường Sa có 9 ngọn hải đăng tại các đảo: Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết, thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam.

Rời Song Tử Tây, đến đảo Nam Yết, tận mắt chứng kiến ông Bùi Văn Sơn - Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Nam Yết đang lau đèn, chúng tôi mới hiểu công việc tưởng chừng đơn giản ấy lại không hề dễ dàng. Những chiếc khăn lau phải được lựa chọn đúng chất liệu, đảm bảo độ sạch. Lau kính, đèn ở độ cao hàng chục mét, khi lau ở trong thì phải chịu đựng cái nóng hầm hập, lúc lau phía ngoài, gió táp vào người như muốn cuốn theo xuống biển, nếu bất cẩn sẽ rất nguy hiểm. Để đèn luôn sạch, sáng, không bị hơi muối bám vào, công việc lau chùi phải mất 3 - 4 giờ/ngày. Sau khi lau đèn, kính, lần lượt 40 tấm pin năng lượng mặt trời cũng được lau sạch, kiểm tra mấu điện và sự hoạt động của pin để đảm bảo lượng điện mỗi ngày. Ông Bùi Văn Sơn cho biết: “Ánh sáng hải đăng không thể thiếu cho các chuyến hải trình trên biển, nên dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng cố gắng vượt mọi gian khổ để làm việc. Hơn nữa, ngọn hải đăng còn là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ, nên dù thế nào hải đăng vẫn phải sáng đèn”.


Làm việc ở Trường Sa, những người “gác đèn” cũng như chiến sĩ luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Ngoài “gác đèn”, những người làm việc ở các trạm hải đăng còn tham gia hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Nhờ sự cần cù, cùng những giọt mồ hôi thầm lặng của người “lính nhà đèn” mà những con “mắt thần” luôn tỏa sáng ở Trường Sa, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đây cũng là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, hiên ngang tỏa sáng giữa biển khơi.


VĨNH THÀNH