09:11, 10/11/2016

Sống chung với dị nghị

Công ty VPF, đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp vừa kiến nghị chính thức tại Hội nghị Ban Chấp hành VFF về tình trạng "một ông chủ, nhiều đội bóng" liên quan đến trường hợp của "bầu" Hiển, người được cho là có chi phối hoạt động của ít nhất 3 đội bóng đang đá tại V-League. ...

Công ty VPF, đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp vừa kiến nghị chính thức tại Hội nghị Ban Chấp hành VFF về tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng” liên quan đến trường hợp của “bầu” Hiển, người được cho là có chi phối hoạt động của ít nhất 3 đội bóng đang đá tại V-League. Thậm chí, có thông tin còn cho biết con số này là 5.

 

Hà Nội T&T - đội bóng liên quan đến bầu Hiển - ăn mừng chức vô địch V-League 2016
Hà Nội T&T - đội bóng liên quan đến bầu Hiển - ăn mừng chức vô địch V-League 2016


Sở dĩ có kiến nghị nói trên thay vì giải quyết bằng luật lệ là bởi không có bất kỳ điều gì chứng minh bầu Hiển có liên quan đến các đội bóng trên, mọi thứ chỉ dừng ở mức cảm nhận của những người đang làm bóng đá, và vì không có cơ sở nên bao năm qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng không thể xử lý rốt ráo vụ việc, ngay từ thời điểm mà ông Hiển “được cho là chỉ có 2 đội”.


Tất nhiên, khi VPF kiến nghị chính thức bằng báo cáo công khai, đó không còn là tin đồn mà là sự ghi nhận dựa trên lời phàn nàn từ các câu lạc bộ (CLB) khác. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, VPF cũng chẳng đưa ra giải pháp nào ngoài đề xuất VFF nên “thuyết phục” bầu Hiển đừng “chi phối” các đội bóng nữa. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu bầu Hiển đồng ý, thì các CLB như: SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn FC hay Than Quảng Ninh sẽ “mất” nguồn tài trợ chính từ các công ty có liên quan đến bầu Hiển cũng như các khoản thưởng đột xuất với tư cách “người hâm mộ số 1” này. Thế nhưng, ai cũng biết chẳng có bất kỳ lý do gì để các CLB kia từ chối khoản tiền tài trợ, nhất là nhờ đó mà họ thi đấu thành công. Chưa kể, bỏ các nguồn tài chính ấy, liệu có thể tìm được nguồn nào khác tốt hơn. Vấn đề khi đó không còn là của bầu Hiển mà là quyền lợi của các đội bóng, trong đó có ít nhất 3 CLB liên quan đến phong trào bóng đá tại địa phương.


Như vậy, chuyện bầu Hiển chi phối các CLB là có thật nhưng lại không phải là bản chất của vấn đề. Tương tự, việc VFF hay VPF bỏ công thuyết phục bầu Hiển không quan trọng bằng tìm cách giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong làng cầu Việt Nam. Lớn, thì phải đặt câu hỏi tại sao bầu Hiển lại “ham” đầu tư cho bóng đá với 4 - 5 đội cùng lúc trong khi các doanh nghiệp khác nghe đến bóng đá Việt thì “chạy làng”? Nhỏ, thì cần xem lại việc giám sát, tổ chức, điều hành ra sao mà để cho những trận đấu giữa các đội bóng “được cho là của bầu Hiển” lại gây ra nhiều điều tiếng. Không ai cổ xúy cho việc một ông bầu chi phối hay thậm chí là thao túng nền bóng đá thông qua các CLB, nhưng xét một cách công bằng, nếu làng cầu Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ tham gia, nhiều CLB có nội lực biết cách tạo ra tài chính, thì dù muốn ai đó chi phối nhiều CLB cũng chẳng thể nào làm được một cách dễ dàng. Nói đúng hơn, số lượng các CLB có liên quan đến bầu Hiển nhiều lên cũng là do các CLB của những doanh nghiệp khác ngày càng ít đi và trong 3 năm trở lại đây, gần như chẳng có doanh nghiệp nào tham gia đầu tư mới.


Cứ cho là VFF và VPF thuyết phục được bầu Hiển, và nếu như khi đó V-League chỉ còn khoảng 8 - 9 đội bóng có tiềm lực tài chính èo uột, thiếu động lực thi đấu, thì giải pháp phát triển sẽ là gì? Và tại sao việc đó lại không được VFF hay VPF tập trung làm trước, rồi hãy xem xét đến chuyện thuyết phục bầu Hiển “thôi đam mê bóng đá”? Chưa kể, xong phần bầu Hiển, giả sử như có một ông bầu khác cũng làm tương tự, không lẽ lại… thuyết phục?


Nói cho cùng, những dị nghị “một ông bầu, nhiều đội bóng” đã có từ 5 năm qua, thế nhưng cả làng cầu Việt Nam vẫn cứ “sống chung”, để rồi giải pháp cuối cùng lại hoàn toàn thiên về cảm tính với lý lẽ thuyết phục không có chút cơ sở pháp lý, căn cơ nào.


Việt Quang (SGGP)