11:05, 10/05/2015

Phơi phới sức trẻ

Một thế hệ tài năng trẻ của thể thao Việt Nam đang dần hình thành, có người đã nổi danh và nhiều người còn trong dạng tiềm năng. Trong đội hình sang Singapore dự tranh SEA Games 28 và cao hơn là dự vòng đấu loại Olympic 2016, người ta thấy phơi phới một sức trẻ ở nhiều môn trọng điểm và họ đều mang trên vai trọng trách tranh đoạt thành tích cho thể thao Việt Nam.

Một thế hệ tài năng trẻ của thể thao Việt Nam đang dần hình thành, có người đã nổi danh và nhiều người còn trong dạng tiềm năng. Trong đội hình sang Singapore dự tranh SEA Games 28 và cao hơn là dự vòng đấu loại Olympic 2016, người ta thấy phơi phới một sức trẻ ở nhiều môn trọng điểm và họ đều mang trên vai trọng trách tranh đoạt thành tích cho thể thao Việt Nam.


Quen mặt nhất vẫn là nhóm trọng điểm với những cái tên: Ngọc Hải, Công Phượng, Hoàng Lâm (bóng đá), Nguyễn Thị Ánh Viên, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi (bơi lội), Quách Thị Lan, Thu Thảo, Văn Hùng (điền kinh), Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Linh Chi, Ngọc Diễm, Thanh Thúy (bóng chuyền)… Nên, giới chức thể thao đánh giá đây là kỳ SEA Games đầu tiên sau khoảng 10 năm Việt Nam mới trình làng thế hệ giàu tiềm năng cũng có lý của nó.


Thực ra, điều những người làm thể thao tâm huyết quan tâm không phải những tài năng trẻ này giành được bao nhiêu huy chương vàng (HCV) ở SEA Games diễn ra vào tháng sau, mà cách họ chứng minh khát vọng chiến thắng. Ngay trong khuôn khổ SEA Games và sau đó nữa, thể thao Việt Nam sẽ bước vào cuộc đua còn quan trọng hơn gấp bội: tranh vé đến Brazil dự Olympic.


Thi đấu thành công ở SEA Games sẽ tạo thêm động lực cho các vận động viên trẻ bước tiếp đến tương lai, nơi còn nhiều thử thách và khó khăn đang chờ đón. Đấu trường Đông Nam Á, như cách người Thái Lan hay Malaysia và Singapore đánh giá, chỉ là bước đệm cho vận động viên trẻ nước họ vươn lên tầm cao mới. Thể thao Việt Nam cũng nên theo đuổi tư duy đó, mở ra cơ hội cho thật nhiều tài năng trẻ thử sức, rèn luyện bản lĩnh để một ngày không xa, họ sẽ tạo dựng danh tiếng đẹp đẽ cho cả nền thể thao.


Nhiều người đang lo, cô gái vàng Ánh Viên có thể ngộp thở trong vai trò thủ lĩnh ở đội tuyển bơi lội, nơi gánh chỉ tiêu 10 HCV. Song, vì được tôi luyện và ngày càng cứng cáp trong các chuyến tập huấn dài hạn ở nước Mỹ, vì đã quá quen với môi trường cạnh tranh trình độ cao ở các giải bơi châu lục, thế giới, kình ngư này đủ tự tin để lần đầu tiên đưa bơi lội Việt Nam vươn lên tầm cao mới, điều mà trước kia những thế hệ đàn anh, đàn chị của Ánh Viên chưa dám nghĩ tới.


Tương tự, khi Phan Thị Hà Thanh xuất trận, đội tuyển thể dục dụng cụ có thể yên tâm cô sẽ mang về ít nhất cũng phải vài ba HCV cá nhân, chưa kể sẽ đóng góp công sức cho nội dung đồng đội. Nhờ có Hà Thanh và nhiều đồng nghiệp tài năng khác nữa, đội tuyển thể dục dụng cụ mới tính đến chỉ tiêu giành 10 HCV, tái lập thành tích của năm 2011.


Không tập trung vào cá nhân nào cụ thể, điền kinh Việt Nam gom nhặt HCV theo từng nhóm môn trọng điểm. Cự ly ngắn có Quách Thị Lan (400m), trung bình có Đỗ Thị Thảo (800m và 1.500m), dài có Nguyễn Thị Thanh Phúc (20km đi bộ), nhảy xa có Thu Thảo… Tức là ở mỗi một cự ly hay nội dung, điền kinh đều có ít nhất 1 gương mặt tiềm năng. Chỉ tiêu giành 11 HCV xem chừng hơi khó, nhưng nếu mỗi cá nhân đều nỗ lực đến cùng, khả năng chiến thắng là rất lớn.


Tiếp nhận chuyển giao thế hệ từ những Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương… giờ đây, đội tuyển điền kinh của Huấn luyện viên Nguyễn Trọng Hổ thừa hiểu trên vai họ đang là trọng trách nặng nề. Không chỉ vì SEA Games, lứa vận động viên kế cận ấy còn phải nỗ lực để giúp điền kinh cách tân diện mạo và tạo dựng được vị thế ở đấu trường châu lục, thế giới…


LÊ HÙNG (SGGP)