01:09, 30/09/2014

Nhiều hoạt động thiết thực

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đã gương mẫu đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã gương mẫu đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.


Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn


Trước đây, khi phong trào nuôi tôm ở xã Ninh Ích phát triển mạnh, hàng chục héc-ta rừng đước ngập mặn đã bị chặt phá để lấy diện tích làm đìa nuôi tôm. Lợi ích kinh tế trước mắt làm cho môi trường xuống cấp, nước mặn xâm thực nghiêm trọng. Tuy nhiên, con tôm công nghiệp cũng chỉ trụ được vài năm. Khi môi trường bị hủy hoại, dịch bệnh trên tôm tràn lan đã dẫn đến diện tích đìa tôm bỏ hoang tăng cao. Trước thực trạng này, các CCB xã Ninh Ích đã vào cuộc vận động nhân dân tích cực khôi phục rừng ngập mặn.


Ông Trần Kim Dược - hội viên Hội CCB xã Ninh Ích là một trong những người tiên phong trồng rừng ngập mặn. Ông Dược cho biết: “Trước đây, tôi cũng như nhiều người dân ở đây đã chặt bỏ rừng ngập mặn để nuôi tôm. Nhưng chỉ được vài năm, dịch bệnh bùng phát làm cho việc nuôi tôm bị thua lỗ. Được anh em trong Hội vận động, tôi đã thay đổi suy nghĩ nên phá bỏ đìa tôm để trồng lại rừng ngập mặn”. Thấy rừng đước dần được hồi phục, Hội CCB xã Ninh Ích tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể ở địa phương vận động người dân trồng rừng ngập mặn.

 

Các cựu chiến binh xã Ninh Ích thu gom rác thải.
Các cựu chiến binh xã Ninh Ích thu gom rác thải.


Giờ đây, diện tích rừng đước đã tăng lên gần 20ha, nhiều bãi đước đã lên xanh tốt. Người dân đã thấy rõ hiệu quả của việc chắn sóng, chắn gió, khắc phục nước mặn xâm thực. Rừng đước được phục hồi, nhiều đàn cò trắng về đây sinh sống, tôm cá tự nhiên ngày càng nhiều... Không dừng lại ở đó, các CCB xã Ninh Ích còn phân công hội viên đứng ra chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn. Hàng năm, Hội tổ chức trồng lại những khu vực cây đước bị chết. Với cách làm này, rừng ngập mặn ở đây đã và đang dần hồi sinh, góp phần không nhỏ vào việc chống biến đổi khí hậu.


Thu gom rác thải


Trước tình trạng người dân ở địa phương xả rác thải bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường, mất mỹ quan thôn, xóm, Hội CCB xã đã bắt tay vào thực hiện mô hình thu gom rác thải, làm sạch môi trường nông thôn. Để có xe chở rác, Hội đã vận động hội viên góp tiền mua một xe tải trị giá hơn 120 triệu đồng. Mỗi tuần 3 ngày, xe thu gom rác thải của Hội đi đến 7 thôn trong xã để thu gom rác. Nhờ đó, môi trường trong xã được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nâng lên rõ rệt. Bà Phan Thị Nôm - người dân xã Ninh Ích nói: “Chúng tôi rất phấn khởi trước việc làm của Hội CCB xã. Hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt của Hội đã làm cho môi trường sạch hơn. Qua đó, bản thân chúng tôi cũng đã ý thức được rác thải cần phải bỏ đúng nơi quy định”.


Ông Hồ Nhâm Dũng - Chủ tịch Hội CCB xã Ninh Ích cho biết: “Khi chúng tôi triển khai mô hình thu gom rác thải, nhiều người dân đã ủng hộ và làm theo một cách chủ động. Mô hình này đã làm cho môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây cũng là hành động thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã”.


Phục hồi đất bỏ hoang


Sau thời gian chặt bỏ rừng đước để nuôi tôm và bị thua lỗ, người dân Ninh Ích đã bỏ hoang nhiều diện tích đất bị nhiễm mặn, không thể canh tác tại khu đồng Vạn Thuận. Từ thực tế đó, Hội CCB xã Ninh Ích xung phong nhận cải tạo đất nhiễm mặn. Ông Hồ Nhâm Dũng nói: “Ngày đầu xử lý đất, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhưng với phẩm chất của người lính, các CCB đã đoàn kết lại để bàn cách”. Các cuộc họp được tổ chức, bàn tính về kỹ thuật xử lý đất; kêu gọi, huy động công sức của mỗi hội viên vào nhiệm vụ chung. Vì vậy, Hội đã nhận được nhiều hiến kế tâm huyết của hội viên và của cả nhân dân trong xã. Cuối cùng, các CCB xã đã phục hóa được 3ha đất để chia cho 18 hội viên nghèo trồng cói và lúa nhằm xóa đói giảm nghèo...


Với cách thức giao khoán cho các hội viên, còn Hội giữ vai trò điều hành chung, hàng tháng, Hội CCB xã tổ chức kiểm tra chất lượng, hiệu quả canh tác, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, cói giúp hội viên. Hội còn làm tốt việc kiểm tra tình trạng đất, tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật chống nhiễm mặn trở lại. Ông Vũ Duy Lê - hội viên được giao đất canh tác nói: “Ngày trước, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, Hội CCB xã đã ưu tiên cấp ruộng để gia đình canh tác, giúp có thêm nguồn lương thực, nâng cao chất lượng cuộc sống. Làm việc trên cánh đồng có công sức, mồ hôi của đồng đội cải tạo nên, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình, nỗ lực lao động để không phụ lòng anh em”.


Ông Nguyễn Công Toàn - Chủ tịch UBND xã Ninh Ích nhận xét, những việc làm của Hội CCB xã hết sức ý nghĩa. Các CCB xã là những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chính Hội CCB đã giúp 100% gia đình hội viên CCB của xã thoát nghèo bền vững.


VĂN NGUYỄN