12:09, 22/09/2010

Có sức người, sỏi đá cũng thành… mía

Hàng chục héc-ta đất hoang hóa, cỏ mọc thành rừng không qua được con mắt tinh tường của một nông dân ham lao động, giỏi tính toán như ông Huỳnh Văn Giáo (xã Ninh Bình, Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Hàng chục héc-ta đất hoang hóa, cỏ mọc thành rừng không qua được con mắt tinh tường của một nông dân ham lao động, giỏi tính toán như ông Huỳnh Văn Giáo (xã Ninh Bình, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Biến đất hoang thành trang trại trồng mía, trải qua bao cơ cực, có lúc tưởng chừng khánh kiệt nhưng ông vẫn không nản. Trời không phụ lòng người, cây mía đã đem lại nguồn thu khá cho ông và thịnh vượng cho vùng đất này.

Ngày đó, ông cũng như nhiều hộ nông dân khác ở Phong Ấp (Ninh Bình) tìm đủ cách mà chẳng thấy cơ hội nào làm giàu trên mảnh đất quê. Nuôi vợ và 3 con nhưng với thu nhập quá thấp từ đồng lương cán bộ hợp tác xã, ông cảm thấy rất “bí”. Rồi hợp tác xã giải thể, trở về nhà làm mấy sào ruộng, ông càng ngán ngẩm. Chưa biết phải làm gì, ông liền đồng ý đi buôn mía khi nghe một người bà con “rủ rê”…

Nhờ gắng công, gắng sức và ham học hỏi, ông Giáo đã biến đất cằn thành “mỏ vàng”.

Những ngày mua mía ở Dục Mỹ (Ninh Sim), vùng đất hoang hóa xã Ninh Trang rộng bạt ngàn - nơi những người dân đi kinh tế mới không trụ nổi, bỏ về để cỏ mọc thành rừng đã “hớp hồn” ông. “Cơ hội của mình đây!” - ông tự nhủ. Nghĩ là làm, ông quyết ở lại để cải tạo, khai phá, biến mảnh đất cằn khô thành “mỏ vàng”. Đó là thời điểm 1988 - 1989. Lúc này, cây mía chưa “lên ngôi”. Mía chủ yếu bán cho các lò đường thủ công. Do vậy, tiền vốn huy động được ông tập trung cho việc trồng thuốc lá. Qua vài vụ, ông tích lũy xây luôn lò sấy. Thấy ông “ăn nên làm ra”, Ngân hàng Nông nghiệp khu vực Dục Mỹ cho ông vay 40 triệu đồng.

Năm 2001, ông đầu tư mở rộng diện tích tới 30ha, tập trung phần lớn cho cây mía; nhưng đầu tư, mở rộng diện tích mía lúc này là chưa phù hợp. Do giống kém, bị heo rừng phá hoại, cỏ tranh lấn lướt, lại gặp lúc nhà máy đường (NMĐ) đang tái cơ cấu, giá đường hạ, nhà máy không thu mua kịp để mía khô, nứt mầm, ông Giáo lỗ “chổng vó”, nặng nhất là khoản nợ ngân hàng. Hơn 20 cây vàng (lúc đó giá 500 ngàn đồng/chỉ) đã tiêu thành mây khói chỉ trong 2 năm! Nhiều người đã bỏ mía, chuyển sang cây trồng khác, nhưng ông vẫn quyết giữ cây mía đến cùng.

Không nản lòng, ông tìm đến cán bộ khuyến nông để học hỏi và tìm mua giống tốt. Sau đó, NMĐ đi vào hoạt động ổn định, đưa giống mía mới vào hướng dẫn nông dân trồng. Niên vụ 2005 - 2006, giá mía lên cao, năng suất đạt 40 - 45 tấn mía cây/ha. Ông xuất bán mía cho NMĐ Khánh Hòa lãi 600 triệu đồng. Lúc này, diện tích trồng mía của ông đã lên tới 45ha từ nguồn khai hoang, mua của bà con xung quanh và thuê lại của xã. Liên tục nhiều năm, ông vẫn giữ được “phong độ” thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây mía. Có tiền, ông đầu tư mua xe tải chở mía, mua máy cày làm đất, xới cỏ, thuê mướn lao động địa phương, đầu tư đường ống dẫn nước và hệ thống tưới phun cho trang trại. Niên vụ 2009 - 2010, sản lượng mía của ông đạt 1.600 tấn, doanh thu 1,1 tỷ đồng. Số tiền này, nông dân mơ cũng không thấy. Không chỉ trồng mía, ông còn đầu tư nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lúc còn hàn vi cho đến khi khá giả, ông Giáo vẫn sống giản dị, gần gũi với mọi người. Trong xóm, ai gặp cảnh ngặt nghèo, đau bệnh, thiếu tiền, ông liền cho mượn. Hôm tôi gặp, ông khoe: “Mỗi tháng, riêng tiền hiếu hỉ, tôi cũng bỏ ra ngót 2 triệu đồng”. Còn nghĩa vụ đối với nông dân thì khỏi bàn, chính ông đã đóng góp 5 triệu đồng vào vốn hỗ trợ nông dân, làm cơ sở để xây dựng quỹ giúp nông dân có vốn làm ăn. Ai thiếu kiến thức, kinh nghiệm, ông sẵn sàng chỉ vẽ. Trang trại của ông thường xuyên là nơi thuê mướn lao động địa phương và những người cần việc. Vào vụ mía, trang trại cần tới 40 lao động, làm liên tục trong 6 tháng, trả công nam 70 ngàn đồng, nữ 60 ngàn đồng/ngày (5 giờ/ngày). Người quản lý công lao động cũng được trả công hậu hĩnh. Ông Giáo còn cưu mang các cháu con người em trai học đại học cho đến ngày ra trường… Ông cũng luôn quan tâm giáo dục con cái. Các con của ông đều có công việc ổn định.

Niềm vui của ông lúc này là tiếp tục duy trì trang trại mía, nơi đã giúp ông đổi đời, đồng thời hỗ trợ vốn cho các con làm ăn. Ông đang có ý tưởng tạo ra một máy chăm sóc mía đa năng, tích hợp việc cày, bừa, rạch hàng đến phun thuốc, bón phân để làm giảm sức lao động của nông dân.

QUANG VIÊN