11:04, 05/04/2023

Nha Trang: Nhiều xã khó đáp ứng theo chuẩn mới

Sau quá trình nỗ lực, phấn đấu, 7/7 xã của TP. Nha Trang đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, với mức chuẩn hiện nay, nhiều xã không còn đáp ứng được yêu cầu xã nông thôn mới. Vấn đề là các xã này đang có sự dùng dằng giữa mục tiêu nông thôn mới và chương trình phát triển đô thị.

Sau quá trình nỗ lực, phấn đấu, 7/7 xã của TP. Nha Trang đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với mức chuẩn hiện nay, nhiều xã không còn đáp ứng được yêu cầu xã NTM. Vấn đề là các xã này đang có sự dùng dằng giữa mục tiêu NTM và chương trình phát triển đô thị.


Vướng tiêu chí tổ chức sản xuất nông nghiệp


TP. Nha Trang có 7 xã tham gia chương trình NTM gồm: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Phước Đồng, Vĩnh Phương và Vĩnh Lương. Với xuất phát điểm cao hơn so với nhiều xã khác trên toàn tỉnh nên đến hết năm 2019, 7 xã trên đều đã đạt chuẩn NTM, trong đó xã Vĩnh Phương đạt NTM nâng cao.

 

Các xã: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh gần như không còn  đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M. Phương

Các xã: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh gần như không còn đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M. Phương


Đến năm 2022 - năm đầu triển khai thực hiện Bộ tiêu chí NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025 với mức độ đạt chuẩn cao hơn so với giai đoạn 2016-2020, nhiều xã ở Nha Trang đã không còn duy trì được mức độ đạt chuẩn theo bộ tiêu chí hiện nay. Cụ thể, đối với xã NTM, qua rà soát, chỉ có xã Vĩnh Hiệp vẫn còn duy trì được 19 tiêu chí; các xã còn lại chỉ đạt từ 12 đến 17 tiêu chí. Với xã NTM nâng cao, xã Vĩnh Phương chỉ còn đạt 13 tiêu chí.


Giai đoạn 2022-2025, TP. Nha Trang có 4 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Phương. Dự kiến UBND TP. Nha Trang sẽ hoàn tất hồ sơ, thủ tục trong tháng 4 để trình UBND tỉnh xét, công nhận xã Vĩnh Hiệp đạt chuẩn NTM nâng cao. 3 xã còn lại mới đạt 13-15 tiêu chí.


Theo UBND TP. Nha Trang, vướng mắc lớn nhất các xã như: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung... gặp phải là nằm trong vùng thực hiện dự án phát triển phía Tây Nha Trang, không có ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chỉ có một số ít sản xuất nhỏ lẻ; diện tích đất canh tác nông nghiệp không đủ để đăng ký mã số vùng trồng, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, không có sản phẩm đặc trưng để đăng ký OCOP theo quy định. Đây lại là những yêu cầu phải đạt được trong tiêu chí 13: Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Ngoài ra, theo bộ tiêu chí hiện nay, một số tiêu chí mới xuất hiện, chưa có cơ sở đánh giá hoặc cần thời gian mới có thể đánh giá. Chẳng hạn như tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đòi hỏi cao hơn trước, cần nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo đạt yêu cầu; hoặc đến nay trên địa bàn tỉnh chưa triển khai nội dung ứng dụng chuyển đổi số, sổ khám bệnh điện tử, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, do vậy, chỉ tiêu này chưa có cơ sở để đánh giá.


Tập trung rà soát


Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình thực hiện chương trình NTM, UBND TP. Nha Trang kiến nghị: Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014-2019, không tiếp tục xây dựng hồ sơ minh chứng bộ tiêu chí xã NTM, mà tập trung thực hiện và xây dựng bộ hồ sơ minh chứng bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, kiến nghị tỉnh cho phép không triển khai thực hiện chương trình NTM đối với các xã đang được định hướng phát triển đô thị. Bởi theo kế hoạch đến năm 2030, thành phố sẽ không còn đất sản xuất lúa; đất trồng cây hàng năm chỉ còn khoảng 18ha; đất cây lâu năm từ hơn 3.000ha hiện nay cũng sẽ giảm còn hơn 700ha. Do đó, mục đích triển khai chương trình NTM hiện nay ở các xã không còn phù hợp, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


Tại buổi làm việc, ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng đoàn công tác đề nghị UBND TP. Nha Trang phối hợp với các sở, ngành chuyên môn có phương án thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu như: Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh từ xa, tổ khuyến nông cộng đồng....; chỉ đạo các xã chủ động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của địa phương để phát triển sản phẩm chủ lực, kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ, hướng dẫn địa phương về cách tính tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; cách nhập thông tin sổ sức khỏe điện tử, đánh giá tỷ lệ người dân tham gia khám chữa bệnh từ xa; công tác cấp mã vùng trồng, đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP. Đoàn công tác cũng ghi nhận ý kiến đề xuất của UBND TP. Nha Trang về việc không triển khai thực hiện chương trình NTM đối với các xã có định hướng phát triển đô thị, tổng hợp báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét.


Hồng Đăng