11:02, 15/02/2016

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2011 - 2015, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt nhiều kết quả tích cực.

Phát triển hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin

 

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2011 - 2015, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động ứng dụng CNTT từng bước được cải thiện; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính (CCHC) và các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được tin học hóa, đem lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống pháp lý từng bước được xây dựng và hoàn thiện tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT. Trong giai đoạn này, tổng kinh phí đầu tư ứng dụng CNTT hơn 142 tỷ đồng.


Một trong những kết quả đạt được là hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh cơ bản được nâng cấp hoàn thiện. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Văn phòng HĐND cấp tỉnh và cấp huyện cùng 70% UBND cấp xã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ cho việc triển khai các ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước. Trung tâm dữ liệu và mạng tin học diện rộng của tỉnh được nâng cấp và đưa vào hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, các ứng dụng CNTT được đầu tư phát triển đồng bộ, kịp thời, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là phục vụ công tác CCHC. Bộ phần mềm một cửa điện tử được xây dựng và triển khai cho tất cả các cơ quan nhà nước. Về phát triển nguồn nhân lực CNTT, đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã có cán bộ chuyên trách về CNTT; giai đoạn 2011 - 2015 có hơn 1.150 cán bộ cấp xã, phường được đào tạo, bồi dưỡng về CNTT trình độ A.


Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng, phát triển CNTT còn chậm; nhận thức của một bộ phận về vị trí, vai trò của ứng dụng, phát triển CNTT chưa thực sự đầy đủ. Một số cơ quan chưa khai thác sử dụng hiệu quả các phần mềm để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; nguồn nhân lực CNTT còn thiếu, nhất là ở cấp huyện và xã; nguồn lực đầu tư ứng dụng CNTT chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước địa phương.


Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến


 Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của địa phương; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử tại địa phương. Dự kiến, giai đoạn này, trên 60% cuộc họp giữa các cơ quan cấp tỉnh và huyện được thực hiện qua hệ thống giao ban điện tử của tỉnh; trên 85% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dạng văn bản điện tử; 80% dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3 và 20% ở mức độ 4; ít nhất 70% doanh nghiệp có giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước tham gia sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến; 100% cơ sở dữ liệu về hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được số hóa và quản lý sử dụng hiệu quả, 100% các hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực được nâng cấp mở rộng hoặc phát triển mới. Bên cạnh đó, hoàn thiện khu CNTT tập trung của tỉnh để thu hút đầu tư phát triển CNTT tại các địa phương, đặc biệt là ngành công nghiệp CNTT; 100% cán bộ chuyên trách về CNTT các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện được đào tạo nâng cao về trình độ ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng được yêu cầu thực tế.


Để đạt các mục tiêu trên, theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, cần đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với ứng dụng và phát triển CNTT; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ, hiện đại, đảm bảo khả năng kết nối liên thông giữa các cấp, ngành. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc triển khai các ứng dụng dùng chung hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; đảm bảo kinh phí để triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020…


Tăng cường sử dụng hệ thống thông tin dùng chung


Hiện nay, tỉnh đang triển khai sử dụng 6 hệ thống thông tin dùng chung gồm: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; một cửa điện tử; kiểm soát thủ tục hành chính; các cổng/trang thông tin điện tử; thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông phải thường xuyên rà soát việc triển khai sử dụng các ứng dụng dùng chung tại các cơ quan, địa phương và hỗ trợ kỹ thuật, đề xuất các giải pháp xử lý các sự cố liên quan để đảm bảo việc sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung thống nhất, thông suốt, thuận lợi.

 


Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện nâng cấp, mở rộng hoạt động các hệ thống thông tin dùng chung, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và phù hợp nhu cầu sử dụng theo hướng đồng bộ giữa các yếu tố: hệ thống pháp lý, phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực quản lý, sử dụng. Đồng thời, đề xuất và triển khai phương án nhân rộng sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiếp nhận ý kiến khách hàng trong hoạt động cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, địa phương; phối hợp cấp, hướng dẫn sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước; chủ trì cập nhật bộ thủ tục hành chính (TTHC) lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đảm bảo sự đồng bộ giữa TTHC giấy và TTHC điện tử; kiểm tra, giám sát việc triển khai sử dụng các ứng dụng dùng chung của các cơ quan, địa phương…


N.D