05:02, 22/02/2017

Sông đang giận dữ...

Dòng sông Cái Nha Trang vốn hiền hòa, thơ mộng, nhưng sau mỗi mùa mưa lũ, dòng sông này lại như đang giận dữ. Dọc theo hạ lưu sông Cái, nhiều đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng; sông "nuốt" làng khiến nhiều gia đình mất đất, mất nhà…

Dòng sông Cái Nha Trang vốn hiền hòa, thơ mộng, nhưng sau mỗi mùa mưa lũ, dòng sông này lại như đang giận dữ. Dọc theo hạ lưu sông Cái, nhiều đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng; sông “nuốt” làng khiến nhiều gia đình mất đất, mất nhà…


Mỗi năm mỗi sạt lở


Nghe chúng tôi hỏi thăm chuyện bờ sông sạt lở, bà Nguyễn Thị Sen ở thôn Xuân Phong (xã Vĩnh Phương) kể: “Khoảng 10 năm trước, tình trạng sạt lở có xảy ra ở một số đoạn bờ sông nhưng không nghiêm trọng. Giai đoạn 2011 - 2015, cứ sau mỗi mùa mưa lũ, sông Cái lại lấn vào đất của người dân ven sông thêm 1 - 2m, thậm chí có đoạn lên đến gần 4m. Khu vực bị sạt lở nặng nhất là 5 hộ ở gần chân cầu Vĩnh Phương, có điểm đã bị sạt lở sâu vào gần 15m, diện tích đất bị mất lên đến cả nghìn mét vuông”. Theo chia sẻ của bà Sen, trước tình trạng sông “nuốt” làng, năm 2015, UBND xã Vĩnh Phương đã tiến hành làm kè rọ đá đoạn sạt lở nghiêm trọng phía sau nhà bà và những hộ lân cận, nhưng chưa kịp mừng thì mùa mưa lũ năm 2016 lại khiến một đoạn dài của bờ kè rọ đá này bị sạt.

 

Điểm sạt lở sát Hương Lộ 45, thôn 2 xã Diên Phú
Điểm sạt lở sát Hương Lộ 45, thôn 2 xã Diên Phú


Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương xác nhận: “Mưa lũ cuối năm 2016 đã khiến cho bờ sông Cái, đoạn qua thôn Xuân Phong bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, đoạn bờ kè rọ đá được đưa vào sử dụng tháng 5-2015, dài trên 174m bị sạt lở 60m, sụt lún xuống thấp hơn bờ đất từ 1 đến 1,2m; tiếp giáp với đoạn bờ kè rọ đá này cũng có 1 điểm sạt lở dài khoảng 300m, khiến cho người dân địa phương lo lắng. Ngoài ra, bờ kè kiên cố tiếp giáp dưới cầu Vĩnh Phương cũng bị sạt lở 30m”.


Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Cái trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc cũng nghiêm trọng hơn sau mùa mưa lũ cuối năm 2016. Bà Võ Thị Nhứm (thôn Xuân Lạc 2) lo lắng: “Vài năm trước, bờ sông còn cách chuồng bò nhà tôi khoảng chục mét, nhưng mùa mưa lũ vừa qua, bờ sông  đã vào sát chuồng bò. Cứ đà này, không lâu nữa sông sẽ “nuốt” hết đất nhà tôi”. Chịu chung tình trạng như gia đình bà Nhứm, hộ ông Nguyễn Văn Phước ở gần đó cũng mất hàng chục mét đất vườn do sạt lở xuống sông Cái vào cuối năm 2016. “Vì sợ vườn tiếp tục sạt lở xuống sông làm sập nhà, vừa rồi tôi phải tốn gần 40 triệu đồng để đổ xà bần vào chỗ bị sạt lở”, ông Phước cho biết.

 

Nhiều đoạn bờ kè dọc hạ lưu sông Cái bị hư hỏng trong mùa mưa lũ vừa qua
Nhiều đoạn bờ kè dọc hạ lưu sông Cái bị hư hỏng trong mùa mưa lũ vừa qua


Dọc bờ sông Cái ở thôn Ngọc Hội 2 (xã Vĩnh Ngọc), tình trạng sạt lở đất xuống sông cũng nghiêm trọng không kém. Dọc bờ sông hàng trăm mét, dấu tích sau cơn lũ vẫn còn rõ nét. Từng dãy bờ rào, rặng tre của người dân bị đổ xuống sông, nửa nằm dưới nước, nửa chỏng chơ trên bờ… “Căn nhà của gia đình tôi bị sập xuống sông trong mùa mưa lũ năm 2015. Từ đó, tôi đành phải dựng căn nhà tạm này để có chỗ ở, nhưng mùa mưa lũ vừa rồi, đất lại tiếp tục sạt lở vào sâu khiến nó cũng đang có nguy cơ bị sụp xuống”, ông Nguyễn Hữu Tiên (thôn Ngọc Hội 2) cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hộ ông Tiên, dọc đoạn sông này còn có 2 gia đình khác đang thấp thỏm lo sợ vì nhà của họ có thể sập xuống sông bất cứ lúc nào.


Qua khảo sát của chúng tôi, dọc bờ sông Cái qua địa  bàn xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang), xã Diên Phú (huyện Diên Khánh)… cũng có khá nhiều điểm sạt lở, cuốn đi không ít diện tích vườn tược của nhà dân, đặc biệt có điểm vào sát Hương lộ 45, đoạn qua địa bàn thôn 2 xã Diên Phú.

 

Bà Nhứm lo lắng sông tiếp tục “nuốt” đất vườn
Bà Nhứm lo lắng sông tiếp tục “nuốt” đất vườn


Đâu là nguyên nhân?


Tìm hiểu thêm về nguyên nhân khiến bờ sông Cái đoạn qua thôn Xuân Phong bị sạt lở, chúng tôi được người dân cũng như đại diện chính quyền địa phương xác định: Nguyên nhân gây sạt lở ở đoạn hạ lưu cầu Vĩnh Phương là do con đập ngăn mặn ở phía trên cầu. Kể từ khi con đập này được hình thành, dòng nước ở đây bị thay đổi. Vào mùa mưa, với lưu lượng nước lớn, lại bị con đập ngăn dòng nên khu vực phía dưới cầu Vĩnh Phương luôn có những xoáy nước rất mạnh, tác động trực tiếp vào phần bờ sông ở thôn Xuân Phong gây sạt lở. Bên cạnh đó, tình trạng ghe thuyền hút cát trái phép trên đoạn sông này liên tục nhiều năm qua chính là nguyên nhân cơ hữu khiến tình trạng sạt lở hai bên bờ thường xuyên diễn ra và ngày càng trầm trọng. Ông Nguyễn Hữu Tiên bức xúc: “Mảnh đất này do cha mẹ tôi để lại, cách đây 20 năm nó rộng hơn 1.000m2, nhưng giờ chỉ còn khoảng hơn 40m2, phần còn lại đã biến thành lòng sông. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc hút cát vô tội vạ liên tục trong thời gian dài”.

 

Căn nhà của gia đình ông Tiên bị sập xuống sông vào cuối năm 2015
Căn nhà của gia đình ông Tiên bị sập xuống sông vào cuối năm 2015


Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng: “Nguyên nhân khiến sông Cái bị sạt lở trong nhiều năm qua là do nạn khai thác cát trái phép kéo dài, nhưng không được giải quyết dứt điểm. Tình trạng này diễn ra nhiều năm càng khiến cho dòng sông càng ngày thêm lở lói. Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Cái, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép”.


Làm kè giữ đất


Trong câu chuyện với lãnh đạo các địa phương, chúng tôi được nhiều người chia sẻ rằng, làm kè chống sạt lở dọc theo 2 bên bờ sông Cái đang là giải pháp tích cực được triển khai. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương chia sẻ: “Đối với 2 điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn thôn Xuân Phong, điểm sạt lở tiếp giáp với bờ kè kiên cố hạ lưu cầu Vĩnh Phương đã được tiến hành chống sạt lở bằng việc làm kè bằng rọ đá. Tuy nhiên, qua đợt mưa lũ lớn năm 2016, một số đoạn của tuyến kè rọ đá này đã bị ảnh hưởng, lún sụt. Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đã tiến hành khảo sát, lên kế hoạch để khắc phục. Đối với đoạn sạt lở mới khoảng 300m, tiếp giáp với đoạn sạt lở cũ thì sau đợt mưa lũ vừa qua, TP. Nha Trang đang gấp rút tiến hành làm rọ đá để kè lại đoạn sông này, chiều dài khoảng 300m”.


Theo ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, mùa mưa lũ năm 2016, trên địa bàn xuất hiện 3 điểm sạt lở dọc bờ sông Cái rất nghiêm trọng, với tổng chiều dài hơn 500m. Cuối năm 2016, địa phương đã đề xuất hỗ trợ khắc phục và đã được UBND thành phố phê duyệt kinh phí xây dựng kè dọc 3 điểm sạt lở, cùng với việc sửa chữa tuyến kênh mương nội đồng Cầu Dĩ. “Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút tiến hành lập hồ sơ thiết kế các công trình để triển khai xây dựng, sớm hoàn thành trước mùa mưa năm nay. Trong đó, ưu tiên xây dựng kè sông dọc thôn Ngọc Hội 2 trước, vì đây là điểm cần khắc phục khẩn cấp, hiện tại có 3 nhà dân đang đứng trước nguy cơ bị sập xuống sông”, ông Mỹ cho biết thêm.


Ông Nguyễn Thái Như Trị cho rằng: “Để bảo vệ an toàn cho người dân, các địa phương có điểm sạt lở cần kiểm tra, cắm mốc cảnh báo các điểm bị sạt lở để người dân biết, không được xây dựng các công trình ven sông làm sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. Để bảo vệ bờ sông Cái, giải pháp lâu dài là phải xây dựng bờ kè. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí xây kè nên không thể ngày một ngày hai là có thể làm được. Được biết, UBND tỉnh đã có tờ trình, đề nghị Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để làm kè bờ hữu sông Cái tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, khi điểm sạt lở này ảnh hưởng đến 150 căn nhà với 600 người dân; hỗ trợ 100 tỷ đồng để làm kè chống xói lở bờ sông Cái, đoạn qua các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, khi các điểm sạt lở ảnh hưởng đến hơn 250 căn nhà với 1.000 người dân”.



NAM ANH - BÍCH LA