06:01, 09/01/2016

Ký túc xá chờ... sinh viên

Năm 2012, Sở Y tế và Sở Xây dựng đã đầu tư xây dựng 2 khu ký túc xá với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu nhà ở cho khoảng 2.000 sinh viên trên địa bàn TP. Nha Trang.

Năm 2012, Sở Y tế và Sở Xây dựng đã đầu tư xây dựng 2 khu ký túc xá (KTX) với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu nhà ở cho khoảng 2.000 sinh viên (SV) trên địa bàn TP. Nha Trang. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, hiện nay, 1 khu KTX đang bỏ hoang, còn 1 khu chỉ có khoảng 300 SV thuê ở.


Đầu tư tiền tỷ để bỏ hoang


Từ chợ Vĩnh Hải rẽ vào đường Nguyễn Khuyến, trước mắt chúng tôi là 2 khu KTX được xây dựng đồ sộ với nhiều khối nhà cao tầng. Trong đó, khu KTX Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa có 4 khối nhà cao 5 tầng, nhưng không có SV ở và đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều bảng hiệu, đèn hành lang đã bị vỡ, rớt; bên dưới cỏ mọc um tùm. Ông N. - bảo vệ ở đây cho biết, KTX này từ ngày xây dựng xong thì bỏ hoang đến giờ vì không có SV đến đăng ký ở. Họ chỉ có nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cơ sở vật chất, còn chuyện hư hỏng thì họ không chịu trách nhiệm.

 

Các khối nhà của ký túc xá sinh viên Nha Trang chỉ hoạt động 1/3 công suất
Các khối nhà của ký túc xá sinh viên Nha Trang chỉ hoạt động 1/3 công suất


Theo tìm hiểu của chúng tôi, KTX Trường Cao đẳng Y tế được khởi công từ năm 2012, do Sở Y tế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, nhằm phục vụ nhu cầu của SV Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa khi trường này chuyển về đây. Đầu năm 2014, khu KTX xây xong, nhưng dự án Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa vẫn dậm chân tại chỗ. Vì thế, tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế bàn giao cho Trung tâm Quản lý nhà và chung cư quản lý. Từ đó đến nay, khu KTX này bị bỏ hoang!


Cách đó không xa, KTX SV Nha Trang do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 70 tỷ đồng cũng được xây dựng cùng thời điểm. Tháng 3-2014, sau khi xây dựng xong, Sở Xây dựng giao cho Trung tâm Quản lý nhà và chung cư vận hành khai thác. Tuy nhiên, năm học 2014 - 2015 chỉ có khoảng 100 SV đăng ký ở; đến năm học 2015 - 2016 có khoảng 300 SV. Cả khu KTX rộng hàng nghìn mét vuông, với 4 khối nhà, công suất 960 chỗ ở nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Riêng khối nhà dành cho nữ nằm ở phía sau thì bỏ hoang.

 

4 khối nhà của ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa
4 khối nhà của ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa


Ông Trần Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và chung cư thừa nhận, các khu nhà ở trong KTX nếu không sử dụng lâu ngày sẽ xuống cấp, hỏng hóc. Hiện trung tâm phải cử 6 bảo vệ thay nhau trông coi. Riêng KTX Trường Cao đẳng Y tế do không có SV đăng ký ở, không có nguồn thu nên phải bỏ ngân sách ra trả lương cho bảo vệ. Trong khi đó, ông Trương Quang Thuận, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa cho biết: “Khi KTX xây dựng xong, nhà trường có thông báo cho hơn 3.000 SV trong trường nhưng không ai đăng ký ở. Các SV than phiền đường quá xa, ở nơi vắng vẻ, nguy hiểm, không đảm bảo an ninh. Bản thân tôi, nếu có con gái học, tôi cũng không dám cho cháu ở nơi như vậy”.


Đợi “làng đại học”


Theo quy hoạch, khu vực có 2 KTX này sẽ hình thành khu trường chuyên nghiệp gồm: khu vực giảng dạy, các công trình thể thao, văn hóa, KTX gắn với khu dân cư hiện trạng được cải tạo. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Trường Đại học Thái Bình Dương đang hoạt động, nhưng cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Dự án Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa nhiều năm nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc xây dựng 2 khu KTX nhằm đón đầu quy hoạch xem ra không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

 

Dấu hiệu xuống cấp ở khu ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa
Dấu hiệu xuống cấp ở khu ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa


Theo ông Thuận, sau khi nâng cấp từ Trường Trung cấp Y tế Khánh Hòa lên Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, tỉnh có cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho trường. Vì vậy, dự án xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa được tỉnh cho chủ trương từ năm 2005. Đến năm 2008, tỉnh ra quyết định xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa tại khu vực đã quy hoạch với diện tích 6,3ha. Đồng thời giao Sở Y tế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự toán thời điểm đó khoảng 290 tỷ đồng (có cả kinh phí xây KTX). Khi đó, Sở Y tế đã thực hiện công tác đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng nhưng do không có kinh phí nên dự án tạm ngừng.


“Mới đây, tỉnh đã giao cho một doanh nghiệp xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, mở rộng lên 12ha, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tôi chưa nhận được thông báo chính thức, nhưng nếu xây vào thời điểm này sẽ tốn khoảng 400 tỷ đồng. Trong khi đó, hơn 4.000m2 đất của trường nằm trên đường Quang Trung vẫn chưa được định giá. Theo tôi, cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa để tạo điểm hút các trường khác xây dựng tại “làng đại học”, vừa để SV chuyển đến ở KTX, tránh lãng phí, xuống cấp”, ông Thuận nói.


Tranh thủ nguồn vốn


Được biết, khoảng năm 2010 - 2011, Chính phủ có chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở cho SV bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Nắm bắt thời cơ này, Khánh Hòa đã xin và được phê duyệt xây 3 KTX, trong đó có KTX nằm trong Trường Đại học Nha Trang, với công suất hơn 1.000 chỗ ở đã được SV thuê kín. Hai KTX bỏ hoang và hoạt động không hiệu quả là tranh thủ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.


Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc xây dựng KTX tại khu vực nói trên là chưa hợp lý, chưa tính toán đến nhu cầu thực tế của SV. Khi mới đi vào hoạt động, cả 2 khu KTX đều nằm cách xa trung tâm thành phố gần 10km, không có dịch vụ đi kèm, không có tuyến xe buýt chạy qua, đường trước KTX bị xuống cấp. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã nâng cấp đường, mở tuyến xe buýt… Tuy nhiên, việc thu hút SV vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, số SV ở trong KTX SV Nha Trang chủ yếu đang theo học tại Trường Đại học Thái Bình Dương và Trường Đại học Thông tin liên lạc.


Em Nguyễn Bích Phương (SV năm 2 Trường Đại học Thái Bình Dương) cho biết, em đã ở KTX SV Nha Trang được gần 1 năm. Ở đây lệ phí khá rẻ, nếu tính cả điện, nước thì mỗi tháng khoảng gần 200.000 đồng/người. Tuy nhiên, do ở khá tách biệt với khu dân cư nên khu vực này hơi vắng vẻ. Ngoài 2 căn tin thì trong KTX không có dịch vụ đi kèm nào khác. Trong khi đó, Trần Phương Duy (Trường Đại học Thông tin liên lạc) cho rằng: “Tôi thấy ở đây cũng khá tiện vì cơ sở vật chất mới, đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều bạn cùng lớp không chọn ở đây vì khu vực này vắng vẻ, thiếu các dịch vụ phục vụ nhu cầu của SV”.


Cuối năm 2014, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra thực tế tại 2 khu KTX này. Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tích cực triển khai những giải pháp thu hút SV, giảm giá cho thuê, gấp rút triển khai hoàn thiện, đồng bộ với khu vực liền kề. Trong chuyến công tác cuối năm 2015, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận xét, 2 khu KTX mới xây tuy chất lượng tốt, khang trang nhưng khi xây đã không tính toán kỹ vấn đề thu hút SV đến ở, dẫn đến bỏ hoang, gây lãng phí.


Hiện nay, tình trạng SV trên địa bàn TP. Nha Trang đang thiếu nơi trọ để học khá lớn, hoặc phải ở ghép chật chội, trong khi khu KTX cả nghìn chỗ ở thì bị bỏ hoang. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tìm ra giải pháp thu hút SV, hoặc thúc đẩy nhanh quá trình hình thành các trường đại học, cao đẳng ở khu vực này để tránh lãng phí.



VĂN KỲ