10:11, 17/11/2013

Vài vấn đề về cải cách tư pháp

Thời gian qua, dư luận xôn xao về các vụ án oan sai. Có ý kiến cho rằng đây là những trường hợp cá biệt, là tỷ lệ rủi ro trong quá trình đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thực tiễn này là hệ quả do những kẽ hở trong thủ tục tố tụng hình sự…

Thời gian qua, dư luận xôn xao về các vụ án oan sai. Có ý kiến cho rằng đây là những trường hợp cá biệt, là tỷ lệ rủi ro trong quá trình đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thực tiễn này là hệ quả do những kẽ hở trong thủ tục tố tụng hình sự…


Oan sai


Cho đến giờ, nhắc lại đến vụ án của mình, ông Nguyễn Văn T., Phước Hòa, Nha Trang vẫn còn cảm thấy chua xót. Ông T. làm giám đốc một công ty thương mại Nhà nước trong thời điểm đất nước mới chuyển sang mô hình kinh tế thị trường. Lúc ấy, nhiều quy định thời bao cấp trở thành những rào cản cho các hoạt động thương mại. Trong một lần làm ăn với đối tác, vì không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, ông cho nợ gối đầu nên dính vào vòng lao lý. Nếu là bây giờ, chuyện này quá đơn giản, nhưng hồi đó, cách nhìn nhận còn khá cứng nhắc. Tuy không gây hậu quả nhưng các cơ quan tố tụng vẫn khởi tố bắt giam ông và đưa ra xét xử. Ông kêu oan cũng chẳng ai nghe, cho đến khi Tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án thì ông mới được minh oan. Ông cho biết: “Tuy sau này cơ quan tố tụng đã đền bù cho tôi nhưng cũng chẳng thể bù đắp những gì tôi đã mất”. Đó là chưa kể đến chuyện gia đình ông tan nát ra sao, con cái hụt hẫng, bị tổn thương và ảnh hưởng, tiền bạc, của cải đội nón ra đi... như thế nào.


Xét về mức độ, vụ của ông T. là chưa thể so sánh với vụ án oan tại Bắc Giang mới đây song nó cùng có một điểm chung đó là họ đều bị oan do quá trình chứng minh tội phạm của cơ quan tố tụng có vấn đề.

 

Ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) ngày được thả về sau 10 năm ngồi tù. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) ngày được thả về sau 10 năm ngồi tù.     Ảnh minh họa


Luật Tố tụng hình sự năm 1988 xác định về nguyên tắc “không ai có thể bị coi là có tội, nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của Tòa án”. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ cần khi cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam một bị can nào đó, cách nhìn của xã hội, và ngay cả những cơ quan tiến hành tố tụng dường như đã xem họ là người có tội và tìm cách chứng minh tội phạm. Ở đây, nguyên tắc suy đoán vô tội không được xem trọng, tức là họ không xem bị can là người vô tội khi chưa đủ bằng chứng kết tội.

 
Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng nếu ngay từ đầu đã định kiến họ có tội thì người tiến hành tố tụng thường có xu hướng tìm những chứng cứ mang tính buộc tội mà bỏ qua các chứng cứ mang tính gỡ tội. Hay nói một cách khác, đó là tư duy nghề nghiệp muốn chứng minh tội phạm bằng mọi cách. Và cũng từ định kiến ấy, người tiến hành tố tụng, nhất là các điều tra viên rất dễ vi phạm về quy định bức cung, nhục hình với bị can. Đã có nhiều vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, dẫn đến oan sai.


Trong chiến lược cải cách tư pháp đến 2020, Đảng và Nhà nước đang tạo điều kiện để phát triển đội ngũ luật sư cũng như dân chủ hóa quá trình tranh tụng, nâng cao vị thế của luật sư với vai trò gỡ tội tức là buộc các cơ quan tố tụng đánh giá chứng cứ buộc tội, gỡ tội khách quan hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tham gia của luật sư vào vụ án còn gặp rất nhiều khó khăn. Một nguyên nhân chính là chính cơ quan tiến hành tố tụng lại là cơ quan có quyền quyết định có cho phép họ tham gia hay không.


Một trong những vấn đề khá lạ là, tuy quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng nhưng luật lại không quy định cho bị can, bị cáo có quyền im lặng nhưng cũng không buộc họ phải khai báo thành khẩn. Vì thế, nếu bị hỏi mà không trả lời, có khi bị can còn bị quy kết là khai báo không thành khẩn, ngoan cố. Điều này trở thành tình tiết tăng nặng khi Tòa quyết định hình phạt. Đây là một khe hở trong thủ tục tố tụng mà các nhà làm luật cần phải nghiên cứu.


Trách nhiệm của các cơ quan tố tụng


Quy trình xử lý tội phạm hiện nay phân định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra làm rõ hành vi, Viện Kiểm sát buộc tội, luật sư được tham gia quá trình tố tụng, đưa ra chứng cứ để bào chữa, Tòa án đánh giá tất cả các chứng cứ để xét xử. Toàn bộ quá trình tố tụng còn được Viện Kiểm sát giám sát việc tuân thủ theo pháp luật. Tưởng chừng điều đó là đã quá chặt chẽ để đảm bảo sự khách quan. Song thực ra, trên thực tế, dường như đang có một ranh giới ngầm giữa một bên là cơ quan tiến hành tố tụng và một bên là phía bào chữa. Sản phẩm của các cơ quan điều tra, truy tố (và thường là được Tòa án thông qua khi đưa ra xét xử) đều xác định bị can có tội nhưng nếu Tòa không chấp nhận, đồng nghĩa toàn bộ các hoạt động ấy là sai. Nếu không xác định theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì đó trở thành một áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Cách đơn giản nhất vẫn là làm sao để kết tội nhưng có sự cân nhắc về hình phạt để “êm chuyện”.


Trong các vụ án oan sai bị phát hiện, quan điểm số đông cho rằng trách nhiệm chính là của Tòa án, thứ đến mới là Viện Kiểm sát rồi cuối cùng mới đến cơ quan điều tra. Quan điểm ấy xuất phát từ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại mô hình ở trên, rõ ràng, việc truy tố, xét xử phần lớn là dựa trên kết quả điều tra. Vì thế, nếu cơ quan này vi phạm và có sai sót thì việc truy tố, xét xử sai cũng chỉ là hệ quả mà thôi. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của cơ quan điều tra cũng rất phức tạp và khó khăn, vừa đấu tranh với tội phạm nhưng vừa đảm bảo được quyền con người. Đòi hỏi đó là rất cao nhưng là điều bắt buộc khi xã hội phát triển. Để đáp ứng được điều này, trong định hướng cải cách tư pháp cần đặt mục tiêu xây dựng lực lượng này có  chuyên môn cao trên cơ sở tư duy khoa học pháp lý ở trình độ cao.


Lê Minh