03:02, 22/02/2013

Còn bất cập trong bình ổn giá

Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá thị trường và thu mua nông sản cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của Trung tâm còn nhiều bất cập.

Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá thị trường và thu mua nông sản cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của Trung tâm còn nhiều bất cập.

Cầu nối cung ứng,  thu mua

Trung tâm có 8 cửa hàng nằm trên địa bàn thị trấn Khánh Vĩnh và các xã: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Trung, Liên Sang, Khánh Thượng. Với chức năng cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn huyện, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai một số hoạt động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thu mua nông, lâm sản của người dân...

Năm 2012, Trung tâm cung ứng hơn 87 tấn gạo tẻ phục vụ nhân dân các xã, thị trấn và 120 tấn gạo cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để hỗ trợ giáp hạt và Tết Nguyên đán cho dân. Ngược lại, những cửa hàng trực thuộc tại các xã: Khánh Hiệp, Khánh Thành, Khánh Phú đã tiến hành thu mua 201 tấn sắn tươi và 120 ster gỗ keo từ người dân. Trung tâm cũng tạm ứng gần 500 triệu đồng từ ngân sách huyện để ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp 39 tấn gạo, gần 26.000 gói mì tôm cho người dân trong đợt lũ lụt năm ngoái. Dịp Tết Quý Tỵ, đơn vị tạm ứng 1,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để dự trữ hàng hóa về các cửa hàng và bán hàng lưu động phục vụ người dân miền núi. Trong đó có 300 triệu đồng dùng để thu mua nông sản cho người dân đã được các cửa hàng sử dụng thu mua bắp, mì... Số tiền bán các nông sản này được tiếp tục dùng để mua dự trữ hàng bình ổn giá.

Còn khó khăn, bất cập

Người dân mua sắm tại Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh.
Người dân mua sắm tại Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, hiện nay, hoạt động của Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn. Việc thu mua lưu động hàng hóa của người dân tại vùng sâu, vùng xa chưa được thực hiện do hạn chế về nguồn vốn và nhân lực. Lượng hàng hóa mua vào còn thấp so với sản lượng nông sản và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Do đó, các mặt hàng này vẫn bị tư thương lợi dụng để ép giá, gây bất lợi cho người sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm chưa chủ động được phương tiện vận chuyển, chưa có kho dự trữ nông sản đã thu mua. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là tạm ứng ngắn hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trung tâm là đơn vị có chức năng bình ổn giá cả hàng hóa trên địa bàn huyện, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, thời điểm lũ lụt. Tuy nhiên hiện nay, giá cả một số mặt hàng nhu yếu phẩm do Trung tâm cung cấp lại cao hơn so với giá thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Chính - Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh, Trung tâm phải chịu 5% thuế VAT đối với gạo và một số mặt hàng khác nên giá bán cao, không thu hút được người mua. Ngoài ra, hàng nông sản của người dân trực tiếp sản xuất không có hóa đơn đầu vào. Sau khi thu mua, Trung tâm bán phải chịu thuế 5% nên khó cạnh tranh với tư thương.

Trong dịp Tết vừa qua, đoàn kiểm tra do Sở Tài chính chủ trì đánh giá, Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh đã nhập hàng gần đủ 1,8 tỷ đồng tiền tạm ứng và tổ chức bán hàng bình ổn tại 8 cửa hàng. Tuy nhiên, hàng nhập chưa đa dạng, chỉ chủ yếu là gạo Lộc Phượng với trị giá hơn 1,6 tỷ đồng (12.400 đồng/kg), cao gấp đôi so với đề nghị ứng vốn gần 800 triệu đồng tiền gạo (giá đăng ký bình ổn khoảng 8.700 đồng/kg). Một số mặt hàng như: đường, dầu ăn... nhập từ nguồn vốn tạm ứng lại không nằm trong danh mục đăng ký bình ổn giá. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị cũng chưa nhập các mặt hàng như: sữa, mỳ tôm, bánh mứt kẹo... như đăng ký ban đầu. Nhiều cửa hàng chưa treo băng rôn tuyên truyền để người dân biết và mua sắm.

Lý giải về việc chưa thực hiện đúng các cam kết bình ổn giá, ông Chính cho biết: “Trung tâm đã nhập nhiều gạo Lộc Phượng vì đây là mặt hàng được người dân ưa chuộng trong dịp Tết. Mặt hàng bánh mứt kẹo đã được các đại lý, cửa hàng khác trong huyện nhập nhiều, mặt hàng sữa tươi không có điều kiện bảo quản nên chúng tôi không nhập. Chúng tôi đã tiếp thu các góp ý, nhắc nhở của đoàn kiểm tra, treo băng rôn và nhập thêm hàng hóa… Hiện nay, Trung tâm cũng kiến nghị cấp trên cho hưởng thuế khấu trừ đối với một số mặt hàng bình ổn giá, đồng thời được miễn giảm thuế các mặt hàng nông sản.

V.A